Hàng trăm tấn rác thải từ những khu cách ly tập trung mỗi ngày đang là thử thách đối với lực lượng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tăng ca, tăng người
Tại khu cách ly ký túc xá của Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Công thương Việt Nam ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có 1.506 người Việt từ Lào về đang trong thời gian cách ly tập trung. Để giải quyết rác thải tại đây, đơn vị quản lý phải lập một tiểu đội, được huấn luyện kỹ càng về quy trình thu gom rác thải y tế.
Lực lượng quân đội thu gom rác ở khu cách ly ký túc xá Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng Công thương Việt Nam ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Trung tá Nguyễn Quyết Tiến – Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị xã Hương Thủy, Khu trưởng khu cách ly này – cho biết, mỗi ngày, đơn vị thu gom, xử lý rác phải phân loại, sau đó bỏ vào túi nylon buộc lại rồi khử khuẩn chờ xe công ty môi trường đến, tiếp tục phun thuốc khử khuẩn lần nữa, mới đưa đi xử lý. Trung bình mỗi ngày, các chiến sĩ thuộc tổ xử lý rác phải phân loại và khử khuẩn 40 thùng rác.
Trong hơn một tuần thực hiện lệnh giãn cách xã hội, lượng rác thải tại TP. Huế giảm nhẹ ở các khu dân cư, nhưng lại tăng ở sáu khu cách ly tập trung trên toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trần Quốc Khánh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (Hepco) – cho biết, hiện nay các ca, kíp của công ty đều tăng 1-2 lần/ngày, số lượng công nhân thu gom rác thải ở các khu cách ly trước đây là 250 người, nay lên 300 người. Trước khi có dịch bệnh COVID-19, mỗi ngày, Hepco xử lý 270 tấn rác thải ở TP. Huế, nay tăng thêm 5 tấn. Riêng việc thu gom, xử lý rác tại các khu cách ly, bệnh viện đang điều trị người nhiễm COVID-19 được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt trước khi đưa vào lò đốt. Hepco đã cung cấp thùng chứa rác tại các địa điểm cách ly người nghi ngờ nhiễm COVID-19.
“Toàn bộ công nhân thu gom rác được trang bị áo quần, bảo hộ lao động đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn, phun khử khuẩn khu vực đặt thùng rác và nơi chứa rác bằng dung dịch cloramin B theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Rác sau khi thu gom từ các khu cách ly được vận chuyển đến khu xử lý chất thải Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), phun khử khuẩn và đốt theo quy trình xử lý chất thải nguy hại và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế” – ông Khánh thông tin.
Công nhân môi trường khử khuẩn rác trước lúc đưa về khu xử lý rác thải Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Phúc lợi của công nhân môi trường sẽ giảm
Tại TP. Đà Nẵng, tuy lượng rác thải giảm trung bình hơn 200 tấn/ngày nhưng công ty chuyên trách môi trường cho biết vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Tiên – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị TP. Đà Nẵng – cho biết, từ ngày 20/3, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển hằng ngày ở TP. Đà Nẵng giảm từ 1.100 tấn xuống còn 800 tấn, nhưng công nhân và phương tiện vận chuyển, thu gom rác thải y tế tại các bệnh viện và khu cách ly tập trung lại tăng.
“Rác thải tại các khu cách ly tập trung được coi là rác thải y tế nguy hại. Hiện, chúng tôi thu gom bình quân 2,5 tấn/ngày loại rác thải này và vận chuyển bằng xe đông lạnh để xử lý tại lò đốt rác công suất 200kg/giờ, đặt tại bãi Khánh Sơn” – ông Tiên cho biết.
Theo ông Tiên, công ty đã trang bị đồ bảo hộ cho công nhân khi thu gom và xử lý chất thải nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Các công nhân còn lại cũng được trang bị đủ khẩu trang, gel rửa tay và kiểm tra thân nhiệt hằng ngày. Tại bãi rác Khánh Sơn, từ ngày 1/4, công ty phối hợp với UBND quận Liên Chiểu và phường Hòa Khánh Nam cử người cắm chốt 24/24 giờ, tuyệt đối không cho người nhặt và buôn phế liệu vào bãi đổ.
Ngoài ra, công ty còn cung cấp 40 nhà vệ sinh công cộng cho các khu cách ly tập trung, đồng thời phụ trách khâu rút bể phốt tại đây khi có yêu cầu, lắp đặt sáu nhà vệ sinh công cộng và thùng rác tại các chốt kiểm dịch của thành phố.
Từ ngày 1/3, công ty đã chi 668 triệu đồng để mua 500 bộ quần áo bảo hộ y tế và thực hiện các công tác khác. Ngoài 5.000 khẩu trang được tặng, công ty cũng trang bị khẩu trang vải cho công nhân, dùng xong giặt xà phòng hằng ngày; chi hơn 84 triệu đồng để hỗ trợ những người thu gom, vận chuyển rác thải y tế, xử lý môi trường khu vực cách ly và chi phụ cấp chống dịch COVID-19.
Công nhân môi trường thu gom rác thải y tế tại khu cách ly tập trung cho người nước ngoài ở TP. Đà Nẵng
Ông Võ Minh Đức – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị TP. Đà Nẵng – thông tin thêm, công ty đã chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của COVID-19, bởi phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã đóng cửa, một số xin miễn, giảm tiền dịch vụ vệ sinh khiến công ty giảm mạnh nguồn thu.
“Nếu cứ tiếp tục như vậy, công ty dự kiến số tiền không thu được từ dịch vụ vệ sinh trong năm 2020 là gần 13 tỷ đồng” – ông Đức cho hay. Do nguồn thu giảm mạnh nên mức thưởng, phúc lợi cho người lao động của công ty sẽ giảm khoảng 50% so với năm 2019 (từ 8,2 triệu đồng/người xuống còn 4,1 triệu đồng/người).
Ông Đức kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng cho công ty chậm trả khoản nợ ngân sách 37,5 tỷ đồng trong năm 2020, kiến nghị được hỗ trợ lại khoản kinh phí hơn 667 triệu đồng mà công ty đã chi để phòng chống dịch, đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người lao động tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Thuận Hóa – Đình Dũng/PNO
Bình luận (0)