Khi cơn gió heo may se lạnh ùa về vào độ cuối đông, những người dân bên ghềnh biển Nam Ô (quận Liên Chiểu – Đà Nẵng) lại có thêm một nghề mới: nghề hái rong mứt. Nhờ loài rong mỗi năm xuất hiện một lần này, bao đời nay được xem là lộc trời cho giúp người dân có thêm thu nhập vào những ngày cận kề Tết và buổi giêng hai…
Nghề hái rong mứt nguy hiểm, đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm nhưng luôn đem đến nguồn thu khấm khá cho người Nam Ô
1. Trong ký ức của những cư dân sống ở làng biển Nam Ô, từ khi khai đất lập làng, nếu như nghề biển là cứu cánh áo cơm nuôi sống cả gia đình quanh năm thì nghề hái rong mứt bên gành biển cũng là một công việc cho họ kiếm thêm thu nhập mùa vụ để cả nhà không bị đứt bữa vào những ngày cuối đông, đầu xuân. Hàng trăm năm nay, người dân ở đây vẫn gắn với những mùa hái rong mứt bên ghềnh đá như thế.
Sáng sớm, khi bình minh ló dạng trên mặt biển, hơi sương lạnh còn len lỏi theo những đợt gió lùa, những người dân Nam Ô đã bắt đầu một ngày đi hái rong mứt trên các ghềnh đá. Bà Đinh Thị Nương (63 tuổi) nói: “Hái rong biển phải đi sớm khi con nước thủy triều hạ xuống mức thấp nhất”. Với thâm niên nhiều năm hái rong mứt, đôi chân của bà Nương bước đi trên những tảng đá đầy rêu rất vững chãi. Cỡ chừng với người trẻ, ít kinh nghiệm thì rất dễ trơn trượt. Với kinh nghiệm nhiều năm hái rong mứt, bà biết chỗ nào có nhiều rong, chỗ nào dễ hái và phải canh chừng con sóng ra sao để khỏi bị sóng đánh bất ngờ khiến người ngã nhoài ra nước. Dụng cụ để hái rong là một miếng kim loại tròn để dễ bề cạo gốc cây rong rời khỏi đá cùng với một vuông lưới đựng rong để ngót nước. Theo bà Nương, mỗi ngày có thể hái được tầm 1 đến 2 cân rong tươi, với người khỏe mạnh thì con số ấy có thể nhiều hơn, có khi lên tới 5, 7 cân vì họ có thể dong thuyền ra các rạn đá xa bờ.
2. Cách đó không xa, bà Đặng Thị Kế miệt mài hái rong mứt trên ghềnh đá lởm chởm. Bà Kế nói: “Năm nào đến mùa rong mứt tôi cũng đi hái. Nghề hái rong khá vất vả khi phải thức dậy từ sáng sớm, người luôn trong tình trạng ướt sũng vì sóng đánh nước đập vào người. Nhưng nghề giúp tôi có thêm thu nhập để phụ vào cùng chồng con lo toan cho cuộc sống, chớ một mình ông ấy đi biển cũng vất vả lắm mà biển thì bao đời nay vẫn vậy, khi có khi không, cá tôm thất thường”. Từ độ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, mỗi ngày bà Kế đều thức dậy từ 3 giờ sáng để ra ghềnh đá hái rong. Tầm 8 giờ sáng khi con nước thủy triều bắt đầu dâng cao thì bà trở về. Số rong thu được mỗi ngày có khi được đôi ba cân, ít nhất cũng được 1 cân rong tươi.
Ở Nam Ô, người làm nghề hái rong mứt thường bán ngay sau khi rong được hái về rửa sạch. Những ngày có nắng to, nhiều người chưa vội bán mà để dành phơi khô, đóng gói. Số mứt khô ấy phần họ để dùng dần, phần bán ra thị trường. Theo thời giá hiện tại mỗi cân rong tươi dao động từ 200 đến 300 ngàn đồng. Nếu rong đã được phơi khô thì có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng/kg. Cứ 10 cân rong tươi sẽ phơi thành 1 cân rong khô.
Nhịp sống cuối năm ở bãi biển Nam Ô tấp nập hơn ngày thường bởi sự rộn ràng cười nói của những cư dân ra biển sớm để hái rong mứt. Với mỗi người dân sinh ra và lớn lên ở làng chài này, nếu như biển cho họ cá tôm để nuôi sống gia đình, con cái thì những ghềnh đá ven bờ lại đem đến cho gia đình họ những cái Tết ấm no và là nguồn thu nhập không thể thiếu để trang trải cho những ngày giêng hai thiếu hụt.
Rong mứt được phơi khô có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng/kg bởi giàu giá trị dinh dưỡng |
3. Theo những cư dân hái rong ở Nam Ô, rong hái về có thể chế biến được nhiều món ăn như nấu canh, xào, kho… Rong chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nên mặt hàng này hầu như không hề bị ế ẩm. Ngày trước, thuở còn đói kém, rong mứt là một thực phẩm giúp bao gia đình có những bữa ăn ấm bụng. Bây giờ, rong mứt gần như trở thành một thứ đặc sản của vùng đất này. Muốn có được rong mứt Nam Ô chính hiệu, người tiêu dùng có thể đi đến tận làng biển này hoặc vào chợ Hàn, chợ Cồn – những chợ ở trung tâm thành phố để tìm mua. Rong mứt còn là món đặc sản không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết đãi khách của người dân Nam Ô bao đời nay. Với họ, món rong biển thể hiện sự hiếu khách đồng thời muốn giới thiệu với khách thập phương về món lộc trời ban cho riêng cư dân miền biển.
Nhịp sống cuối năm ở bãi biển Nam Ô tấp nập hơn ngày thường bởi sự rộn ràng cười nói của những cư dân ra biển sớm để hái rong mứt. Với mỗi người dân sinh ra và lớn lên ở làng chài này, nếu như biển cho họ cá tôm để nuôi sống gia đình, con cái thì những ghềnh đá ven bờ lại đem đến cho gia đình họ những cái Tết ấm no và là nguồn thu nhập không thể thiếu để trang trải cho những ngày giêng hai thiếu hụt.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)