Các cơ sở giáo dục ĐH phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường khi đưa ra quyết định mở ngành mới.
Thí sinh ra về sau giờ thi THPT quốc gia năm trước. Ảnh: M.Tâm
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh điều này với các cơ sở đào tạo tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh 2020 trình độ ĐH hệ chính quy, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non mới đây.
Làm không tốt sẽ ảnh hưởng người học, uy tín trường
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các trường tránh chỉ căn cứ vào ý kiến của một số ít thầy cô hoặc dựa trên số ít nhu cầu nhất thời mà mở ngành mới, thiếu khoa học, thiếu căn cứ thực tế. Chúng ta càng làm chắc khâu nghiên cứu thị trường và các khâu liên quan thì quá trình đào tạo sẽ cho đầu ra tốt. Còn nếu làm không tốt, sinh viên học dở chừng, không thấy đầu ra, sẽ ảnh hưởng uy tín nhà trường, quyền lợi người học không đảm bảo. Mở ngành mới phải đảm bảo tính khoa học, thực tiễn. Việc một số cơ sở giáo dục ĐH đưa ra những tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, dẫn đến băn khoăn, bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục ĐH cũng được yêu cầu không để lặp lại trong năm 2020.
Năm 2019, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,8% so với số trúng tuyển), theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, có nguyên nhân của việc trường ĐH xây dựng chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn. Từ việc nhu cầu của người học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào. Bộ trưởng yêu cầu các trường phải thay đổi cách tiếp cận, thà tuyển ít nhưng đào tạo chất lượng còn hơn tuyển đông mà “rơi rụng” dần trong quá trình đào tạo.
Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu sở GD-ĐT phải chỉ đạo các trường THPT tập trung dạy học, ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của bộ, tránh tình trạng học lệch, học tủ. Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan, để đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho công tác tuyển sinh theo phương thức xét học bạ mà nhiều trường ĐH, CĐ đang áp dụng.
Chú trọng hướng nghiệp cho học sinh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các sở GD-ĐT cần chú trọng chỉ đạo các trường THPT quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bằng nhiều hình thức. Cần có nhiều kênh giới thiệu ngành nghề để học sinh chủ động tìm hiểu, tránh tình trạng giới thiệu sai. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Với các trường ĐH, CĐ, trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực về nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để học sinh đăng ký xét tuyển. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
5 nhóm ngành ít thí sinh nhất năm 2019 Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019 có 5 nhóm ngành ít lợi thế, tỷ lệ thí sinh nhập học thấp. Cụ thể, nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ nhập học chỉ 32,6%; trong khi đó, tỷ lệ nhập học ở nhóm ngành khoa học tự nhiên là 34,5%; môi trường và bảo vệ môi trường là 45,2%; dịch vụ xã hội là 45,7%; khoa học sự sống là 50%. |
Tại hội nghị, nhiều trường ĐH phía Nam kiến nghị giữ nguyên phương án tuyển sinh và cơ chế thu và phân bổ dịch vụ tuyển sinh như năm 2019. Đối với lọc ảo, đề nghị giữ ổn định các bước thực hiện, quy trình thực hiện, tiếp tục nhờ Bộ GD-ĐT hỗ trợ phần mềm và kỹ thuật lọc ảo trong suốt quá trình xét tuyển để quá trình tuyển sinh được ổn định như những năm trước. Phương thức xét tuyển học bạ, khối ngành sức khỏe xét tuyển tốt nghiệp loại giỏi nhưng cần phải có điểm sàn nhất định để thành tích học tập tương xứng với năng lực, tạo ra đội ngũ bác sĩ chất lượng. Đặc biệt, nhiều ý kiến góp ý việc không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành mới mở cần thay đổi sang tỷ lệ % (30-50%) để đảm bảo nguồn lực cho nhà trường thay vì 50 chỉ tiêu như quy định. Tương tự, các trường ĐH phía Bắc cũng nhất trí ổn định cơ chế, phương thức thi THPT quốc gia theo hướng tăng cường chất lượng, khắc phục hạn chế; ổn định phương thức đăng ký nguyện vọng và nộp lệ phí; hoàn thiện cơ sở vật chất các điểm chấm thi tại các sở; tăng cường sự phối hợp giữa các trường giải quyết tình huống đặc thù xảy ra…
T.Trân – V.Yên
Bình luận (0)