Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyện thạc sĩ, tiến sĩ “không đầu”!

Tạp Chí Giáo Dục

Trước đây từng có chuyện thi cao học không đạt chuẩn đầu vào nhưng vì do nhiều nguyên nhân (trong đó có nguyên nhân… cho đủ số lượng) nên các trường cho thiếu đầu vào! Vì vậy, chúng tôi gọi vui những vị thạc sĩ này là “thạc sĩ không đầu” hoặc “thạc sĩ thiếu đầu”!

Sau khi hoàn thành chương trình học, những “thạc sĩ thiếu đầu” này được ôn tập những môn còn nợ để thi cho hoàn tất. Nói là “thi” trả đầu vào vậy thôi, thực tế chỉ là những động tác “hợp thức hóa”! Chẳng khác nào chưa tập bò đã lo học chạy; biết “chạy” trước khi biết bò!

Không thể coi đây là việc làm “năng động”, là sự “linh động, thông cảm” mà đây chính là những việc làm vô nguyên tắc, sai quy định hoàn toàn! Một khi chưa đạt chuẩn “đầu vào” thì không thể ung dung ngồi vào học được!

Môn học A, môn học B nếu chưa đạt thì làm sao tiếp thu những kiến thức cao hơn, đòi hỏi về yêu cầu cao hơn! Có như vậy người ta mới có quy trình thi đầu vào, nếu đạt thì mới được học.

Học nghiên cứu sinh rất khó, đòi hỏi người học phải có đủ kiến thức chiều rộng lẫn chiều sâu cần thiết mới trụ nổi. Kiến thức lõm bõm, thi rớt lên rớt xuống; được “linh động” nợ đầu vào thì khâu tự học, tự nghiên cứu sẽ như thế nào trong quá trình học, quá trình nghiên cứu?

Hay là chỉ việc “bung tiền” ra để thuê người học, thuê người viết luận án… Khi bảo vệ luận án thì có phong bì “lót tay” cho những người “phản biện” để thành “tiến sĩ không đầu”!

Những việc làm tùy tiện này còn thể hiện trên rất nhiều mặt của đời sống xã hội, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Một chủ tịch, bí thư xã “trúng cử” khi chưa tốt nghiệp lớp 12. Sau đó sẽ  bố trí cho đi học, bổ sung bằng tốt nghiệp để… trả nợ!

Hoặc một vị nào đó được đề bạt làm giám đốc, phó giám đốc nhưng thiếu bằng trung cấp chính trị hoặc các văn bằng quy định khác, sẽ lần hồi trả nợ sau! Xin hỏi một câu rằng: chưa đạt những chuẩn về bằng cấp thì làm sao có đủ năng lực làm việc, chỉ đạo, điều hành công việc? Cần chấm dứt kiểu làm vô nguyên tắc, không đúng quy định này! Nếu anh thi đạt đầu vào thì được học, còn chưa đạt thì thi đợt sau, chừng nào đạt mới thôi.

Các trường tổ chức cũng không nên chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng đào tạo. Nếu coi nhẹ khâu chất lượng thì cơ sở đào tạo tự đánh mất “thương hiệu” của mình. Quản lý chặt “đầu vào” thì mới mong có chất lượng người học. Còn “thả lỏng” đầu vào, cho nợ đầu vào rồi người học sẽ tìm mọi cách để “vượt ải” nợ môn, không loại trừ tiêu cực…

“Tiến sĩ không đầu…”, tức là nói gọn “không đầu vào, cho nợ đầu vào” – câu nói đùa này, ngẫm ra thấy rất nhiều cay đắng bên trong!

Hoàng Sa Vit

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)