Bảo vệ từ trong ra ngoài là điều cần ghi nhớ để ngừa virus corona. Nếu không cẩn trọng, ngôi nhà sẽ vô tình trở thành “ổ dịch” chứa nhiều nguy cơ lây bệnh.
Thời điểm hiện tại, virus corona lây lan nhanh và có những điểm đặc biệt khó nhận biết hơn. Tại Hàn Quốc, chính phủ vừa phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 mới không có liên hệ với bệnh nhân cũ hoặc ghé thăm Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại bảo vệ bản thân như thế nào trước tình hình phức tạp như hiện tại.
Bên cạnh việc tăng cường sức đề kháng, ngừa lây nhiễm bằng cách rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh hô hấp, chúng ta không nên bỏ qua vệ sinh nhà cửa – nơi dễ dàng bị virus xâm nhập nếu không lau chùi, dọn dẹp thường xuyên.
Nơi trú ẩn lý tưởng của virus
Trong nhà, những đồ dùng sau đây là nơi “trú ẩn” lý tưởng của virus, vi khuẩn:
– Rèm che cửa, thảm trải sàn: Đây là những vật dụng ít được giặt giũ thường xuyên, tiềm ẩn nhiều bụi và vi khuẩn. Đặc biệt trong thời tiết ẩm thấp như miền Bắc Việt Nam, virus càng dễ lây lan và xâm nhập vào cơ thể qua những đồ vật này. Chính vì vậy, các gia đình nên duy trì tần suất giặt giũ, làm sạch rèm cửa, thảm trải sàn 1 tháng/lần để giảm bớt virus, vi khuẩn bám vào.
– Khăn lau bếp: Khăn lau bếp, lau tay ẩm ướt là môi trường tuyệt vời cho virus sinh sôi, không loại trừ virus corona. Nếu không vệ sinh khăn lau thường xuyên, căn bếp của bạn có nguy cơ trở thành nơi “reo giắc” mầm bệnh cho cả gia đình. Tốt nhất, chúng ta nên giặt khăn với chất tẩy rửa và phơi khô.
Bàn phím máy tính ẩn chứa số lượng vi khuẩn nhiều gấp 5 lần bệ ngồi bàn cầu.
– Phòng ngủ: Nơi an toàn nhất hóa ra lại là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất. Bởi gầm sàn nhà, các ngõ ngách nhỏ không được vệ sinh thường xuyên trở thành mầm mống cho những vi khuẩn lây lan. Chưa kể, phòng ngủ hay bị đóng kín tạo thành môi trường sinh sôi virus dễ dàng. Chính vì vậy, bạn nên mở cửa sổ, giặt giũ chăn gối thường xuyên, loại bỏ các đồ vật cũ, bám bụi, không dùng đến.
– Điều khiển TV, điều hoà, bàn phím máy tính: Tổ chức tiêu dùng Which? tại Anh đã khảo sát và cho thấy liều lượng vi khuẩn trong một chiếc máy tính nhiều gấp 5 lần ghế ngồi toilet tại văn phòng. Trên những vật dụng như điều khiển TV, điều hòa, bàn phím máy tính chứa một số vi khuẩn E.coli và staphylococcus aureus có thể gây ra chứng ngộ độc thực phẩm. Chính vì vậy, đừng quên vệ sinh những vật dụng này để loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh.
Vệ sinh nhà cửa phòng dịch Covid-19 như thế nào?
Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, chúng ta cần chú ý vệ sinh, dọn dẹp nơi ở thường xuyên. Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, người dân nên thực hiện các nguyên tắc vệ sinh nhà cửa, phòng ngừa dịch Covid-19 như:
– Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa
– Thường xuyên lau nền nhà, những nơi có nguy cơ là "ổ chứa" virus, vi khuẩn như nhà vệ sinh, bồn cầu, thang máy, tay nắm cửa… và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác
– Loại bỏ những vật dụng cũ, ẩm mốc, không còn sử dụng. Thay bàn chải, khăn mặt, khăn tắm định kỳ 3 tháng/lần
– Tránh dùng chung ly, cốc uống nước để ngừa lây nhiễm virus corona
Vệ sinh nhà vệ sinh, bồn cầu, bồn rửa tay, tay nắm cửa… bằng hợp chất chứa 62-71% ethanol, 0,5% hydro peroxide hoặc 0,1% sodium hypochlorite.
Theo nghiên cứu được công bố từ đầu tháng 2 trên Journal of Hospital Infection, các virus trong nhóm coronavirus như SARS, MERS có thể tồn tại trên bề mặt vô tri như kim loại, thủy tinh, nhựa tới 9 ngày nếu bề mặt nhiễm bệnh không được khử trùng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra virus corona ở người “có thể bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả bằng quy trình khử trùng bề mặt với hợp chất chứa 62-71% ethanol, 0,5% hydro peroxide hoặc 0,1% sodium hypochlorite" hay thuốc tẩy trong một phút.
Chính vì vậy, chúng ta nên sử dụng các chất tẩy rửa chứa Sodium Hypochlorite để vệ sinh để đảm bảo tiêu diệt các virus, vi khuẩn trong nhà. Ngoài ra, khi sử dụng nên đúng nồng độ nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình và mang lại hiệu quả tiêu diệt virus, vi khuẩn tốt nhất.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)