Xu hướng đào tạo “học một được hai” không quá mới nhưng đang ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu học tập cũng như tăng cơ hội việc làm cho người học…
Đại diện ban tư vấn chương trình tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” giải đáp các thắc mắc của học sinh Trường THPT Võ Trường Toản
Nội dung này lần đầu tiên được các chuyên gia giải đáp trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12) mới đây. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) cùng nhiều đơn vị khác.
Đào tạo xuyên ngành, song ngành
Hiện nay, đào tạo xuyên ngành, song ngành đang là xu hướng được nhiều trường ĐH tại Việt Nam áp dụng, phù hợp với xu hướng đào tạo giáo dục quốc tế và rút ngắn thời gian học của sinh viên khi lựa chọn một ngành học nhưng ra trường có tới hai bằng.
Tại Trường ĐH Luật TP.HCM, ngành quản trị luật có thời gian đào tạo 5 năm, nhiều hơn 1 năm so với các ngành khác. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, sinh viên được nhận hai bằng là cử nhân luật và cử nhân quản trị kinh doanh. ThS. Vũ Đình Lê (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM) thông tin đây là ngành học duy nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm này được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngành học này không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức về luật mà còn bao gồm những kiến thức liên quan đến quản trị nhân sự, kinh tế… “Trong năm 2019, ngành quản trị luật tại trường dự kiến tuyển 300 chỉ tiêu thông qua các tổ hợp A, A1, D1, D3, D6, D84, D87 và D88. Trường có duy nhất một phương thức xét tuyển là kết hợp đồng thời giữa kết quả thi THPT quốc gia, điểm học bạ 3 năm THPT và bài kiểm tra đánh giá năng lực. Trong đó, điểm thi THPT quốc gia chiếm 60% điểm trúng tuyển, kết quả học bạ chiếm 10% điểm trúng tuyển, 30% còn lại là kết quả bài thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, thí sinh phải đủ điều kiện về điểm thi và điểm học bạ 3 năm THPT mới được tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của trường”, ThS. Vũ Đình Lê cho hay.
ĐH Việt Đức là một trong số ít những trường công lập tại Việt Nam khi sinh viên tốt nghiệp được nhận hai văn bằng của Việt Nam và Đức. Thông tin về đề án tuyển sinh năm 2019, TS. Lê Văn Hà (đại diện Trường ĐH Việt Đức) cho biết năm nay trường dự kiến tuyển 400 chỉ tiêu thông qua bốn phương thức xét tuyển: điểm thi THPT quốc gia, tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào chứng chỉ/bằng tốt nghiệp THPT quốc tế và kỳ thi riêng của trường. Ở hình thức xét tuyển bằng kỳ thi riêng tổ chức vào ngày 18-5 và 20-5, TS. Lê Văn Hà cho biết hình thức này chiếm tới 80% chỉ tiêu của từng ngành đào tạo. Tham gia vào kỳ thi này, thí sinh sẽ làm bài Test AS là bài kiểm tra đánh giá khả năng học ĐH của thí sinh. Đề thi do Viện Khảo thí của Đức soạn thảo. “Đề thi kiểm tra năng lực sẽ không chú trọng vào kiến thức trong chương trình THPT mà kiến thức trong chương trình THPT chỉ là nền tảng để thí sinh có thể trả lời được những câu hỏi đưa ra”, TS. Lê Văn Hà chia sẻ. Ở hình thức xét tuyển thẳng, Trường ĐH Việt Đức sẽ “trải thảm” cho học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế; học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi Olympic châu Á – Thái Bình Dương; học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, TS. Lê Văn Hà cũng lưu ý là thí sinh chỉ được hưởng ưu tiên tuyển thẳng khi kết quả đoạt giải không quá 1 năm tính tới thời gian mà thí sinh nộp đơn.
“Là trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, do vậy, dù sử dụng bất kỳ một phương thức nào thì yêu cầu bắt buộc để thí sinh xét tuyển vào trường là đáp ứng được yêu cầu đầu vào tiếng Anh của trường: chứng chỉ IELTS 5.0 hoặc các chứng chỉ tương đương, hoặc điểm thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 đạt ít nhất 7,5 điểm”, TS. Lê Văn Hà lưu ý.
Học ĐH, rồi có việc làm?
“Cam kết có việc làm” không phải là các trường “dắt tay chỉ việc” cho sinh viên đến doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia mà chỉ là mang cơ hội việc làm đến cho các em. Cụ thể là thông qua những ngày hội việc làm, các học kỳ doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội để giới thiệu và tiếp cận đến các doanh nghiệp. |
Câu chuyện về vấn đề “cam kết có việc làm” sau khi ra trường của các trường ĐH luôn là vấn đề nóng được học sinh cuối cấp quan tâm. Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Lê Dũng (Trưởng phòng Đào tạo, UEF) cho hay trong quá trình đào tạo, các trường luôn cố gắng trang bị không chỉ kiến thức, kỹ năng mà còn là những cơ hội để sinh viên có được việc làm sau khi ra trường, thậm chí ngay khi còn là sinh viên năm 3, năm 4. “Tại UEF, ngay từ năm nhất, sinh viên đã được tiếp cận với doanh nghiệp, lắng nghe chia sẻ về kỹ năng, kinh nghiệm từ doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu bản thân đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội đó, khi bước vào môi trường sinh viên, các em nên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của trường, những hoạt động thiện nguyện… để nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử”, ThS. Lê Dũng khuyên.
Cùng chung nhận định, TS. Phan Thị Nhi Hiếu (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng cơ hội việc làm luôn được các trường trao cho sinh viên. Vấn đề lại nằm ở chỗ năng lực của các em đến đâu, nắm bắt đến đâu, có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không? Giải đáp rõ hơn, ThS. Lê Võ Bình Minh (đại diện Trường ĐH FPT) nói: “Cam kết có việc làm” không phải là các trường “dắt tay chỉ việc” cho sinh viên đến doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia mà chỉ là mang cơ hội việc làm đến cho các em. Cụ thể là thông qua những ngày hội việc làm, các học kỳ doanh nghiệp, sinh viên có cơ hội để giới thiệu và tiếp cận đến các doanh nghiệp. Điều quan trọng là cách các em “chinh phục” doanh nghiệp, cách các em trang bị được những kỹ năng như thế nào khi ngồi trên ghế nhà trường.
Còn đại diện Trường ĐH Việt Đức, TS. Lê Văn Hà lại nhắn nhủ rằng, cơ hội việc làm luôn luôn không thiếu; việc của người học là tìm được một việc làm phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân để có thể làm việc đạt hiệu quả cao nhất, say mê nhất. “Muốn vậy, hiện tại chính là cách các em lựa chọn ngành học, trường học một cách có trách nhiệm cho bản thân. Cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút ghi nguyện vọng. Chỉ cần đó là ngành học phù hợp với bản thân, phù hợp với gia đình thì dù là ngành nào cũng có cơ hội phát triển. Bởi cơ hội nằm chính trong tay mỗi người”, TS. Lê Văn Hà nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)