Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ba cách đánh giá

Tạp Chí Giáo Dục

Các tài liệu trong và ngoài nước thường nhắc tới 3 cách đánh giá: 1) Đánh giá như là một phương pháp học (assessment as learning); 2) Đánh giá cho việc học, vì sự tiến bộ của học sinh (assessment for learning); 3) Đánh giá để xếp loại thứ, bậc (assessment of learning). Vậy, chúng ta nên hiểu và vận dụng 3 cách đánh giá ấy trong môn ngữ văn thế nào?

1. Đánh giá như là một phương pháp dạy học là trong các giờ học, người giáo viên tổ chức cho học sinh tập nhận xét, phân tích và xếp loại một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, khi giáo viên yêu cầu học sinh phân tích và nhận xét cái hay cái đẹp của một câu thơ, bài thơ, câu văn, đoạn văn; hoặc khi yêu cầu học sinh nhận xét bài viết của bạn, nhận xét nội dung, cách nói và thái độ của bạn khi phát biểu… Khi học sinh nhận xét về một vấn đề nào đó, tức là các em đã phải thực hiện đánh giá: đạt được gì, đúng sai thế nào và căn cứ vào đâu. Theo cách hiểu đó thì khi giáo viên nêu câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh nhận xét, bình giá một vấn đề nào đó thực chất đã là coi đánh giá như một phương pháp dạy học.

2. Đánh giá cho việc học, vì sự tiến bộ của học sinh thì lấy việc chỉ ra những hạn chế, các lỗi còn mắc phải, những gì đã tốt, đã khắc phục được của học sinh để giúp các em nhận ra sự tiến bộ và những gì cần khắc phục tiếp. Với môn ngữ văn, giáo viên cần quan tâm đến các nhận xét cụ thể về ưu điểm cũng như các lỗi cụ thể của học sinh trong đọc hiểu văn bản, trong viết bài văn, trong nói và nghe (lần này so với lần trước, bài này so với bài trước…). Từ đó mà khuyến khích học sinh phát huy những ưu điểm, tìm ra cách khắc phục các lỗi mắc phải.

3. Đánh giá xếp loại là xem xét để nhận xét, kết luận về kết quả thực tế của học sinh đạt được đến mức nào, loại nào so với yêu cầu. Chẳng hạn, bài viết đạt loại yếu (dưới 5 điểm), trung bình (5-6 điểm), loại khá (7-8 điểm), loại giỏi (9 điểm), loại xuất sắc (10 điểm).

Trong 3 cách nêu trên, 2 cách đầu cần vận dụng trong đánh giá thường xuyên. Hằng ngày, giáo viên cần quan tâm đến việc đánh giá như một phương pháp dạy học nhằm giúp học sinh biết quan sát, phân tích, nhận xét, bình giá một hiện tượng, một vấn đề. Cũng cần quan tâm đến đánh giá vì sự tiến bộ để một mặt khuyến khích động viên các em, mặt khác giúp các em nhận ra các điểm yếu của mình trong đọc, viết, nói, nghe để tìm cách khắc phục, vươn lên, tiến bộ dần. Vì thế 2 cách đánh giá này cần nhận xét, nêu lên các biểu hiện cụ thể: câu nào sai, chữ nào viết hoa chưa đúng, từ nào dùng chưa đạt… Theo yêu cầu mới, chỉ còn viết bài giữa và cuối kỳ, nên cần tập trung vào đánh giá thường xuyên; không nhất thiết phải cho điểm; tránh nhận xét chung chung: tốt, khá, chưa đạt, bài viết kém; tránh cách xếp loại, thứ bậc hơn kém. Đánh giá xếp loại thứ bậc chỉ nên thực hiện ở hình thức kiểm tra định kỳ…

Các nhà lý thuyết ngồi trên cao, cứ nghĩ ra đủ thứ tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ báo, chỉ số này nọ có vẻ rất khoa học và hệ thống về đánh giá; nhưng rất khó vận dụng được trong thực tế dạy học. Thực tế dạy học rất phức tạp, bị tác động bởi nhiều nguyên nhân; vì thế đánh giá là công việc rất gian nan, vất vả, nếu muốn làm đúng, nhất là với môn ngữ văn.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Bình luận (0)