Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi thầy cô không… giảng bài

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi có hai người em đang là sinh viên ĐH, một học năm 3, một học năm 2. Hôm qua, nhân nói về lễ khai giảng, cuộc chuyện trò của chúng tôi vô tình đi đến chủ đề: Khi thầy cô không giảng bài!

1. Đầu tiên là câu chuyện của em sinh viên năm 3. Hôm đó, cô giáo đến muộn. Vào lớp trễ do gặp phải đoạn đường kẹt xe, không những không có bất kỳ lời nói nào mang tính chất mong sinh viên thông cảm, trái lại, cô giáo còn dành hẳn gần 30 phút để phàn nàn một cách chi tiết về những bất cập trong hệ thống giao thông ở Việt Nam. Nào là ý thức của người tham gia giao thông kém. Nào là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không được thiết kế khoa học. Những vấn đề cô nêu ra cũng có phần thỏa đáng nhưng lại chia sẻ không đúng lúc, đúng chỗ. Sinh viên đã kiên nhẫn ngồi chờ cô vào lớp trễ, để rồi phải tiếp tục kiên nhẫn ngồi nghe cô than phiền. Và hơn hết, với lối diễn đạt bức xúc, thái độ hằn học, cô đã khiến cho nhiều sinh viên trong lớp có cảm giác như bản thân các bạn là nguyên nhân của vấn đề, còn cô thì đang trực tiếp đứng trên bục giảng chất vấn, hỏi tội những người gây ra vấn đề đó. Nửa tiếng trôi qua trong không khí căng thẳng và bực tức của cô. Chưa dừng lại ở đó, vào các buổi học, mỗi buổi, cô đều có một vấn đề cuộc sống mới để… kể tội trước lớp.

Bực bội vì nguyên nhân khách quan đã đành. Có nhiều trường hợp thầy cô do tâm trạng khó chịu bởi cuộc sống đời tư cá nhân mà “báo hại” sinh viên lãnh đủ trong giờ học. Tình huống này thì cả hai người em của tôi đều từng có trải nghiệm. Đó là những buổi lên lớp mà thầy cô không ngần ngại xem như là khoảng thời gian để bản thân xả rác cuộc đời. Thay vì chuyên chú tập trung vào bài giảng, các thầy cô quay sang phê phán xã hội, chê trách nhân tình thế thái bằng thái độ có chút cực đoan, bằng những câu chữ mang tính gây hấn, tiêu cực. Dường như, các thầy cô không làm chủ được cảm xúc cá nhân trong giờ lên lớp, những bất đắc chí trong cuộc sống hằng ngày giờ đây có dịp tuôn ra. Các thầy cô chỉ đang truyền đi những câu chuyện trái tai gai mắt, những bực dọc xã hội mình gặp phải. Điều đáng đau lòng là có thầy cô tạo thành thói quen, cứ lên lớp là y như rằng phải có một vài phút dành cho công tác “phản biện xã hội”.

2. Một tình huống khác cũng cười ra nước mắt không kém, xảy ra ở lớp của người em học năm 2. Chẳng cần quan tâm sinh viên trong lớp có hứng thú nghe hay không, có thầy vẫn nhiệt tình chia sẻ về quá trình học tập của bản thân mình. Thầy đã nỗ lực như thế nào trong những tháng ngày miệt mài chinh phục con chữ ở xứ trời Tây. Thầy đã có được những thành tích, thành quả gì đáng tự hào. Và tương ứng với từng thành tích là từng hình ảnh chụp lại huy chương, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận… được trình chiếu trên màn chiếu lớn. Có thể lần đầu thầy chia sẻ, sinh viên thật sự đã rất háo hức. Nhưng ở cùng một môn học, một lớp học, câu chuyện được kể ở buổi học thứ hai, rồi lần thứ ba, rồi lần thứ n sau đó… thì chuyện hay cũng hóa nhạt. Những năng lượng tích cực ban đầu mà thầy truyền cảm hứng, không dưng mà tan biến, chuyển thành những khó chịu trong lòng sinh viên.

Bản thân cũng là người công tác trong ngành giáo dục, cá nhân tôi hiểu rằng mỗi người thầy đều đã nỗ lực như thế nào trong quá khứ để có thể đứng trên bục giảng, đều đang từng ngày từng giờ vượt qua bộn bề khó khăn ra sao để luôn xuất hiện trước sinh viên trong một tư thế sư phạm nhất. Nhưng có những điều có thể tự thân chúng ta không nhìn ra được vì tế nhị đối phương không phản ứng. Chúng ta cứ ngỡ rằng mình nêu ra những bài học cuộc sống để sinh viên rút kinh nghiệm. Nhưng ý hay không bằng cách làm hay. Đúng thời gian, đúng địa điểm là một trong những tiêu chí cần có. Tin rằng, khi nhận ra mặt trái của những tình huống kể trên, mỗi thầy cô đều có cho riêng mình những suy ngẫm…   

Thành Đo (TP.HCM)

 

Bình luận (0)