Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rèn kỹ năng lắng nghe học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc sống, biết lắng nghe người khác là một kỹ năng cần phải có đối với mỗi người khi giao tiếp. Còn trong môi trường sư phạm, lắng nghe học sinh là một yếu tố vô cùng quan trọng để giữa thầy và trò luôn có sự đồng cảm, chia sẻ, cảm thông lẫn nhau. Từ đó, môi trường sư phạm luôn có năng lượng tích cực, tạo động lực cho công việc dạy và học gặt hái nhiều hiệu quả hơn. Một số vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây trong nhà trường, theo tôi, phần nào lỗi về khâu chưa biết lắng nghe học sinh; chưa có sự tương tác, hợp tác và chưa có niềm tin lẫn nhau giữa thầy và trò. Một lời tâm sự, một cử chỉ thân mật, yêu thương, người thầy có thể hóa giải nhiều tình huống sư phạm một cách êm đẹp, có tình có lý và tâm phục khẩu phục.

Kỹ năng lắng nghe học sinh phải rèn luyện một cách tự giác, tích cực mới có được. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ giáo viên thường có tâm lý coi thường học sinh, coi các em là “những đứa con nít, không biết gì” nên thường bỏ qua, không nhận ra được những bức xúc qua ánh mắt, lời nói, cử chỉ; chưa nhận ra được “những điều em muốn nói” mà không biết thổ lộ cùng ai! Vì vậy, theo tôi, giáo viên phải làm tốt các điều sau:

Thứ nhất, giáo viên phải có lòng yêu thương thực sự, tôn trọng học sinh mới hiểu các em. Khi cần, chúng ta nên gọi các em bằng tên hoặc tên chữ lót kèm theo (chứ không phải gọi thằng này, con kia được). Không nên đặt “biệt danh” và gọi tên theo “biệt danh” giữa lớp, giữa đám đông (như “Hà mập”, Quang “còi” chẳng hạn) là điều tối kỵ. Các em rất dễ tự ái vì bị giáo viên xúc phạm. Thứ hai, giáo viên cần gần gũi, tâm sự với học sinh; tự đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh. Tâm sự bằng tình cảm chân thật của người thầy, người anh, người chị… Có như vậy các em cảm thấy mình được giáo viên tin cậy, đồng cảm nên sẽ sẵn sàng nói ra những điều sâu kín cho giáo viên chia sẻ. Qua đó, giáo viên sẽ nắm được tình hình chung của lớp và có các biện pháp giáo dục phù hợp, nếu có những trường hợp vi phạm. Thứ ba, khi tiếp xúc với học sinh, giáo viên cần tỏ rõ sự sẵn sàng lắng nghe phản ánh của học sinh. Ánh mắt của giáo viên luôn hướng về các em, chăm chú nghe bằng cả sự nhiệt tình. Tránh tình trạng học sinh nói thì nói, giáo viên cứ ngoảnh mặt nơi khác hoặc bấm điện thoại; thỉnh thoảng “ừ”, “à” cho qua chuyện. Nếu xử sự như vậy, dần dần các em sẽ mất thiện cảm với giáo viên vì lời nói của mình không được ghi nhận thấu đáo. Thứ tư, giáo viên cần tận dụng mọi cơ hội, mọi thời gian thích hợp để lắng nghe học sinh. Đó là lúc đi dã ngoại, giờ giải lao, sau tiết chủ nhiệm, góc sân trường… Tùy theo tình huống, hoàn cảnh câu chuyện mà chúng ta có cách khơi gợi, lắng nghe cho phù hợp. Ví dụ, không thể trao đổi câu chuyện riêng giữa giáo viên và học sinh ngay trong lớp, dù đó là phút nghỉ giữa giờ. Làm như vậy sẽ tạo ra sự khó nói giữa hai bên và việc trao đổi không có kết quả.

Một khi kỹ năng lắng nghe đã nhuần nhuyễn sẽ tạo cho mình phong cách lịch sự và hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.

Lê Đc Đng
(Sóc Trăng)

Bình luận (0)