Sách mà chúng tôi bàn đến đây là sách in bằng giấy truyền thống, chứ không phải sách qua các trang mạng, sách điện tử hiện đại như ngày nay. Vì theo lẽ thường, khi người ta nói văn hóa đọc xuống cấp, là có ý chỉ về việc đọc sách truyền thống dạng này đang bị mai một…
Một tiết học tại thư viện của học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) |
Thực chất thì chúng ta không nên quá bi quan về việc đọc, việc viết của giới trẻ. Chỉ cần nhìn vào các trang mạng xã hội đã thấy rõ điều đó. Nhiều người trẻ có tốc độ đọc rất dữ, sách nào mới “ra lò” cũng biết. Nhiều bài viết của họ trên facebook cá nhân rất hay, rất sâu sắc. Có người chỉ mới tập tành mà sau một thời gian ngắn đã trở thành người có cách viết, cách nhận xét lịch lãm, tinh tường. Thế nhưng, đấy chưa thể gọi là văn hóa đọc, vì khi mà sách in vẫn được xem là chính thống, thư viện điện tử chưa thay thế hết vị trí của sách giấy. Vì vậy vẫn phải xem việc đọc sách in như là một nét văn hóa đọc, mà thực trạng này thì quả thật là đang xuống cấp trầm trọng. Vậy phải làm sao để giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng “chịu” đọc sách?
Từ thực tế…
Theo chúng tôi, thói quen đọc sách chỉ có thể được dễ dàng xây dựng với đối tượng là học sinh, sinh viên. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi với đối tượng học sinh từ THCS đến THPT ở nhiều trường, hơn 50% học sinh chưa bao giờ đặt chân vào nhà sách. Một phần vào nhà sách là để mua sách giáo khoa, quà lưu niệm, chứ không phải để tìm sách hay để đọc. Hơn 80% học sinh không coi việc đọc sách là hoạt động giải trí. Sách đọc về văn học của các em chỉ dừng lại ở phạm vi nhà trường. Nhiều học sinh 3 năm học THPT nhưng không biết thêm một cuốn sách nào khác do không đọc… Ngay cả với việc sử dụng điện thoại thông minh rất dễ dàng tìm sách hay trên các trang mạng, nhưng thực tế khi khảo sát, hầu hết học sinh chưa biết có sách điện tử do các em sử dụng điện thoại chỉ vì mục đích khác. Hậu quả là nhiều em đọc văn bản một cách khổ sở, đuối sức khi gặp những văn bản dài, khó đọc; dùng từ thiếu lựa chọn, viết câu què cụt, hành văn khô cứng, thiếu xúc cảm…
… Đến giải pháp
Trước hết là vai trò của gia đình. Cha mẹ phải là người làm gương và tập cho con thói quen đọc sách. Bắt đầu bằng việc kể chuyện từ sách. Thỉnh thoảng cha mẹ nên dẫn con vào nhà sách. Hướng dẫn cho con những cuốn sách hay để đọc. Tạo không gian đọc, tủ sách mini trong nhà… Ở nhà trường, để cải thiện tình hình trên, chúng tôi nghĩ cần phải có nhiều biện pháp vừa khuyến khích, vừa bắt buộc học sinh trong việc đọc sách. Như tổ chức nhiều cuộc thi thuyết trình về sách; tổ chức các chuyên đề, ngoại khóa liên quan đến sách và giao lưu gặp gỡ các tác giả. Đối với việc giảng dạy môn ngữ văn, ngoài các văn bản có trong chương trình, cần yêu cầu mỗi học sinh trong một học kỳ phải có bài thuyết trình bắt buộc về một tác phẩm hay nào đó đã tự đọc. Hoặc thi thoảng nên đưa thêm phần thuyết minh về sách vào phần đọc hiểu của cấu trúc đề thi…
Ở Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM), có nhiều cách làm rất bài bản giúp học sinh tiếp cận với sách. Đó là nhà trường chú trọng xây dựng một thư viện phong phú, đa dạng về đầu sách bằng nhiều cách, trong đó có việc kêu gọi học sinh đóng góp. Xây dựng không gian đọc sách sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát. Nhân viên thư viện đi giới thiệu sách hay cho các lớp vào đầu mỗi buổi học và tổ chức các chuyên đề về sách. Ngoài ra, nhân viên thư viện còn kết hợp với tổ bộ môn ngữ văn tổ chức các tiết học tại thư viện. Các tiết học này chủ yếu học sinh đọc và trao đổi, thảo luận về những cuốn sách “hot”, sách hay. Hằng năm, trường còn tổ chức cuộc thi viết bài cảm nhận về cuốn sách tôi yêu. Cuộc thi này thật sự có ý nghĩa và kết quả rất tốt vì học sinh tham gia nhiệt tình. Theo ông Phạm Văn Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường), biết rằng xu hướng ngày nay là học sinh rất thích đọc sách mạng, nhưng chủ trương của trường là bằng nhiều cách để các em đến với sách in, có thói quen đọc sách truyền thống. Qua đó lưu giữ được vẻ đẹp của văn hóa đọc. Làm sao để trong hộc bàn của từng em luôn có sách hay…
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)