Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đang học ngành khác có thể chuyển sang học CNTT

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT sẽ cho phép sinh viên đang học đại học các ngành khác được chuyển sang học công nghệ thông tin ứng dụng ở các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành này.
Sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Kế hoạch tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) ứng dụng giai đoạn 2017 – 2020 mà Bộ GD-ĐT dự kiến ban hành trong tuần này nhằm mục tiêu phát triển CNTT ứng dụng phục vụ các ngành kinh tế – xã hội. Từ đó tăng quy mô đào tạo theo định hướng ứng dụng trình độ ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, tăng cường phối hợp và gắn kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tham gia đào tạo
Thực hiện kế hoạch này, Bộ sẽ khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH mở ngành, chuyên ngành CNTT ứng dụng theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở liên kết đào tạo với doanh nghiệp, cho phép các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành thuộc lĩnh vực này, đồng thời mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 trình độ ĐH về CNTT. Các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng tỷ lệ sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp có việc làm, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của SV tốt nghiệp làm căn cứ xác định chỉ tiêu đào tạo.
Chuyên gia của doanh nghiệp được phép tham gia đào tạo, đặc biệt là các nội dung liên quan đến yêu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia từ doanh nghiệp phải tốt nghiệp thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp ĐH có từ 5 năm kinh nghiệm trở lên đúng chuyên ngành tham gia đào tạo.
Bộ cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH đào tạo CNTT chủ động, tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng thực tập trực tiếp với người học, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, đánh giá kết quả học tập của SV.
Các trường ĐH cũng sẽ phải phối hợp với Hiệp hội CNTT, doanh nghiệp thực hiện công tác dự báo về các ngành đào tạo CNTT, nhu cầu số lượng, yêu cầu chất lượng đối với nhân lực ngành này trên thị trường lao động.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ có chính sách thu hút các nhà khoa học VN ở nước ngoài, chuyên gia quốc tế tham gia công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục. Các chuyên gia này được tính là giảng viên cơ hữu khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ cũng sẽ cho phép SV đang học ĐH hết năm thứ nhất, hai hoặc ba các ngành khác được chuyển sang học ngành CNTT ứng dụng phù hợp tại các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo ngành này. Chỉ tiêu và điều kiện tiếp nhận do thủ trưởng các cơ sở giáo dục ĐH quy định theo hướng mở, công khai và tự nguyện.

Đào tạo theo hướng mở
Để thực hiện kế hoạch này, các trường sẽ phải điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, mở, liên thông gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Thời gian đào tạo sẽ được rút ngắn nhằm phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Một giải pháp khác mà Bộ dự kiến triển khai là tăng cường đào tạo CNTT bằng hình thức trực tuyến, đào tạo kết hợp (blended learning), triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến dùng chung, khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH công nhận tín chỉ lẫn nhau, xây dựng nguồn tài nguyên dùng chung.
Các trường cũng sẽ phải nghiên cứu việc công nhận một số học phần từ các khóa đào tạo chứng chỉ tương đương với một số môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo ĐH thông qua quy trình đánh giá và công nhận tín chỉ của các cơ sở giáo dục ĐH. Tăng thời gian đào tạo thực tế tại doanh nghiệp, ít nhất 50% thời gian đào tạo của SV được thực hiện tại doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng, tăng cường cơ hội việc làm cho SV  tốt nghiệp.
Quý Hiên/TNO

 

Bình luận (0)