Nhiều doanh nghiệp (DN) đã lập mô hình sàn giao dịch vận tải để kết nối nhu cầu di chuyển, vận tải hàng hóa liên tỉnh nhằm tăng hiệu quả, giảm lượng xe trên đường, giảm ô nhiễm…
Ảnh: HỮU KHOA |
“Bộ GTVT cần có những văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể để khách hàng khi lên sàn an tâm hơn |
Ông PHẠM SANH |
Tuy nhiên, loại hình vận tải online còn khá mới mẻ, lượng giao dịch thành công còn khiêm tốn.
Cuộc chơi tiềm năng
Một công ty vận tải tại TP.HCM cho biết vừa chuyển chuyến vật liệu xây dựng từ TP.HCM đi Bình Phước qua sàn như Vinatrucking, giá chỉ còn khoảng 3,2 triệu đồng so với trước là 5 triệu đồng. DN này cho biết đăng tin nhu cầu vận chuyển lên sàn là có chủ xe gọi trao đổi vận chuyển với giá cả phải chăng, không phải chờ đợi lâu.
Ông Tạ Công Thuận – tổng giám đốc sàn vận tải Vinatrucking – cho biết cơ chế hoạt động của sàn là tạo ra sân chơi cho DN có nhu cầu chuyển hàng hóa và các chủ xe để hai bên tự thương lượng với nhau qua trang web.
Nhiều DN tiết kiệm được tiền khi vận chuyển giá rẻ hơn, trong khi chủ xe thay vì phải chạy một chiều về không có hàng, sẽ tăng được hiệu quả. Ông Thuận kỳ vọng khi số người giao dịch đông, mỗi ngày vài ngàn tin đăng, chỉ cần 10-20% thành công, đã góp phần giảm được một lượng xe đáng kể trên đường.
Thời gian qua, sàn giao dịch vận tải online đã âm thầm nở rộ, không chỉ có Vinatrucking mà còn có Aleka, sanvanchuyen… Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Tú – giám đốc điều hành Aleka – cho biết mô hình này là giao dịch có dự tính trước và không dừng lại ở hàng hóa, mà cả xe du lịch.
Cho rằng thị trường cho thuê xe du lịch nói chung hiện tại còn bát nháo, giá “tùy hứng”, khó kiểm soát chất lượng xe, ông Tú định hướng muốn lên sàn Aleka, mỗi nhà xe phải cung cấp thông tin, sàn sẽ tự động tính giá. Người tiêu dùng bấm hành trình sẽ có giá cụ thể, so sánh được giá với các loại xe khác.
Còn nhiều bất cập
Dù tiềm năng giúp minh bạch thị trường vận tải nhưng sau một thời gian hoạt động, các sàn giao dịch vận tải vẫn gặp không ít khó khăn để thu hút khách.
Ông Lâm Đại Vinh – giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh – cho biết có thời gian ngắn tham gia trên sàn giao dịch vận tải Vinatrucking nhưng đã tạm ngưng.
Lý do, thực tế không vận chuyển được chuyến nào, sàn giao dịch chỉ thành công ở các chuyến đi xa, vận chuyển hàng hai chiều như từ Nam ra Bắc. Còn vận chuyển khoảng cách ngắn như từ TP.HCM đến Bình Dương, thực tế tận dụng được thời gian xe chạy rỗng không nhiều.
Do đó, khách hàng trên sàn không phải mối truyền thống, giá đưa ra còn bất hợp lý nên ông ít đăng nhập.
“Trên sàn có rất nhiều loại hàng, không phân chia ra từng loại nên việc thanh toán rất rườm rà” – ông Vinh nói.
Giải thích lý do Vinatrucking vẫn mờ nhạt, ông Tạ Công Thuận cho rằng sàn giao dịch đã có hơn 1.000 DN tham gia, lượng giao dịch thành công DN không thông báo. Đặc biệt, vận chuyển hành khách có thể tính tiền ngay, còn hàng hóa phải qua hợp đồng, thương lượng phức tạp hơn.
Sàn vẫn chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia do đây là kênh thông tin mới nên nhiều chủ hàng, chủ xe còn chưa biết, chưa tin tưởng.
Sàn giao dịch vận tải hàng hóa chưa thu hút nhiều khách dù được tin có thể giúp giảm ùn tắc, chi phí vận tải. Trong ảnh: bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM – Ảnh: HỮU THUẬN |
Cần có quy định để tạo niềm tin
Ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM – cho rằng sàn giao dịch vận tải giúp giảm lưu lượng xe trên đường, tiết kiệm được chi phí xăng dầu, ô nhiễm môi trường… Nhiều thành viên trong hiệp hội đã tham khảo, tham gia. Tuy nhiên, phải gặp được luồng hàng và đúng thời điểm mới thành công.
“Nhiều DN chưa có thói quen giao dịch trên trang web, cần có thời gian để cho họ thay đổi thói quen” – ông Quản nói.
TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông – cho rằng hạn chế của sàn điện tử vận tải là giá cả thường không thật và thiếu những DN có tiếng, có thương hiệu. Chính vì vậy, để lấy được niềm tin của khách hàng, thông tin các DN đưa lên hệ thống cần được kiểm soát.
Trong trường hợp nếu DN vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ảnh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm.
Ông Sanh nhấn mạnh đây là loại hình giao dịch vận tải mới nên Bộ GTVT cần có những văn bản, quy định hướng dẫn để khách hàng khi lên sàn an tâm hơn. Ông tin tưởng trong tương lai, chắc chắn mô hình sàn vận tải online này sẽ phát triển mạnh bởi nhu cầu ngày càng cao.
Có thể giảm giá cước 30-40% Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia giao thông phân tích hiện nay tỉ lệ xe vận tải chỉ được chiều đi nhưng chiều về chạy xe rỗng luôn ở mức 60-70%. Với DN vận tải, khi xe chạy rỗng chiều về, họ thường áp chi phí thẳng sang giá cước vận chuyển chuyến chiều đi để né lỗ. Có nghĩa người có nhu cầu vận chuyển sẽ chịu toàn bộ chi phí chạy rỗng đó. Theo chuyên gia này, nếu thông qua các sàn, xe có hàng cả hai chiều, giá cước vận tải chắc chắn sẽ giảm 30-40%. |
Khó hơn Uber, Grab chở người Trước phản ảnh bất cập của người tham gia, ông Lê Minh Tú cũng thừa nhận: khi hai bên muốn vận tải thì phải thực hiện hợp đồng với nhau, không phải lên sàn thấy là chạy như Uber, Grab. Tuy nhiên, ông Tú nhấn mạnh khó khăn hiện tại của các sàn giao dịch vận tải điện tử là vẫn chưa được nhiều người biết đến. Mô hình này cũng thường đáp ứng nhu cầu không tức thời, từ lúc ký đến lúc sử dụng có khi lên đến 2-3 tháng, khách hàng không nhớ đến nữa. |
CÔNG TRUNG/TTO
Bình luận (0)