Các bộ, ngành liên tục khuyến cáo tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện giao dịch liên quan Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Nhưng hoạt động buôn tiền ảo vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, gây nhiều hệ lụy.
Không chấp nhận là phương tiện thanh toán
Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên lên tiếng cảnh báo chính thức về đồng tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam.
“Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Cùng đó, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên đầu tư vào Bitcoin khá bong bóng, gây thiệt hại cho người đầu tư. Đặc biệt, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro, vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi”- NHNN cảnh báo.
Về việc sử dụng Bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, NHNN có ý kiến: “Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng”.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 24/2, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế NHNN khẳng định: “Đây là một loại tài sản nhưng là tài sản ảo, vấn đề gốc là Ngân hàng Nhà nước không công nhận đồng tiền ảo đó”. Trước xu hướng biến tướng sang hình thức huy động và bán hàng đa cấp cùng các vụ việc lừa đảo liên tục xảy ra gần đây, ông Sơn cho hay: “Về bản chất của những người kinh doanh tiền ảo này là bán hàng đa cấp với mục đích là lợi nhuận”.
Ông Sơn cũng cho biết, suốt thời gian qua, các bộ ngành có liên quan từ NHNN, Bộ Tư pháp, Công an, Bộ Công Thương đã liên tục ngồi lại bàn về cách “chống” và khoanh vùng phạm vi trách nhiệm xử lý của từng bộ ngành. “Năm 2016, NHNN đã sửa Nghị định 80 về thanh toán không dùng tiền mặt, sửa Nghị định 96 về xử phạt vi phạm lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó đều lưu ý đến đối tượng này”, ông Sơn nói.
Theo NHNN, sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng. Các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.
Dấu hiệu của đa cấp
Về một số loại tiền ảo như bitcoin, Octa đang được giao dịch không hợp pháp trên thị trường, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, nhiều mô hình huy động vốn thông qua đầu tư, mua bán các loại tiền ảo đã xuất hiện tại Việt Nam. Những loại tiền ảo như Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin, hay Octa… đã thu hút hàng chục nghìn người chơi tại Việt Nam do sự hấp dẫn từ những quảng cáo về lợi nhuận thu được từ việc tăng giá của các loại tiền này khi đầu tư.
Theo vị này, đây là hình thức huy động tài chính đánh vào lòng tham của người đầu tư. Dù nhiều người biết, cơ quan quản lý cũng cảnh báo nhưng việc huy động vốn qua mua bán tiền ảo vẫn không ngừng tăng lên. Đây rõ ràng là hình thức huy động vốn qua mạng khiến nhiều người lâm vào tình trạng khó khăn khi mô hình này sụp đổ. Tuy nhiên, do đây là hình thức lách luật rất tinh vi nên cơ quan quản lý không thể kết luận đây là hành vi lừa đảo.
“Bán hàng đa cấp thì anh phải mời họ mua và bán hàng. Còn ở đây, việc mua bán tiền ảo được người môi giới giới thiệu đến các công ty và sau đó nhận hoa hồng. Mọi giao dịch chỉ dừng lại ở đó nên không hoàn toàn là hoạt động bán hàng.
Cơ quan quản lý đã vào cuộc kiểm tra, thậm chí xem các hợp đồng mua bán tiền ảo, thì thấy việc mua bán đều do người chơi tự quyết định. Khi giới thiệu người mua, người giới thiệu sẽ được hưởng hoa hồng. Đây là dấu hiệu của đa cấp nhưng không đầy đủ”, đại diện Bộ Công Thương phân tích.
Cục Thương mại điện tử và CNNTT (Bộ Công Thương) thì cho biết, không chấp nhận hồ sơ đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Tiền ảo hiện chưa được thừa nhận là một loại tài sản hay một phương tiện thanh toán theo pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam cũng cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ và mọi loại hình không phải là mua bán hàng hoá. Người dân không nên giao dịch tiền ảo theo phương thức đa cấp”, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, trả lời PV Tiền Phong.
Khánh Huyền – Phạm Tuyên (TPO)
Bình luận (0)