Nhiều học sinh tỏ ra lo lắng khi thấy nhiều người đã có tấm bằng ĐH nhưng không xin được việc làm. Vấn đề này được các em chia sẻ trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Hồng Đức (TP.HCM) vừa qua.
Em Hữu Tuyên đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Yếu kỹ năng, cơ hội nghề nghiệp thấp
Tại buổi tư vấn, có đến 2/3 câu hỏi học sinh đưa ra đều đề cập đến lĩnh vực kinh tế, dịch vụ…, bản thân muốn theo học nhưng lo ngại ra trường thất nghiệp. Những học sinh này cho rằng do quá nhiều người theo học, còn nhà tuyển dụng thì có hạn. Em Nguyễn Thanh Nhàn (lớp 12A1) chia sẻ với Ban tư vấn: “Em muốn học ngành tài chính ngân hàng vì xác định năng lực phù hợp và có đam mê. Tuy nhiên, em nghe nhiều người nói ngành này khó xin việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH vì số lượng người học nhiều. Vậy em nên học ngành này hay tìm ngành khác?”. Một học sinh giấu tên cũng cho rằng, hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học nhưng đều làm trái ngành hoặc thất nghiệp. Em này đặt câu hỏi: “Có phải do ngành này khó xin việc làm hay do nhu cầu tuyển ít? Em có nên học ngành này hay không khi em cũng yêu thích?”.
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng (Trưởng khoa Tài chính – kế toán Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM), lo lắng không xin được việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH là tâm lý chung của nhiều học sinh, sinh viên. Bởi vì các em chỉ nghĩ đơn giản, cứ vào được ĐH, học xong có tấm bằng xem như có tấm vé để tìm việc làm tốt, lương cao. Chính suy nghĩ này khiến nhiều em không chịu rèn luyện các kỹ năng mềm thông qua các hoạt động xã hội, làm thêm, làm việc nhóm… Trong khi đó, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng chú ý đến những con người năng động, có kiến thức, năng lực, có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, cả đạo đức, tác phong, kỷ luật; đặc biệt trong xu thế hội nhập khu vực, toàn cầu đòi hỏi này càng cao. Đối với sinh viên tốt nghiệp ĐH mà hội tụ các yếu tố này thì cơ hội nghề nghiệp luôn cao. Ngược lại, sinh viên dù tốt nghiệp ĐH nhưng thụ động, yếu kỹ năng thì dĩ nhiên cơ hội nghề nghiệp rất thấp.
“Điều quan trọng mà bất kỳ học sinh nào cũng cần phải nắm, đó là chọn ngành học là chọn một nghề nghiệp cho tương lai. Vì thế, trước khi chọn phải hiểu rõ ngành nghề được đào tạo như thế nào, có phù hợp với khả năng bản thân, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, thu nhập, xu hướng chọn ngành của xã hội… hay không”, ông Nguyễn Tiến Hùng (Trưởng khoa Tài chính – kế toán Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) nói. |
Ông Hùng nhấn mạnh: “Chọn đúng ngành nghề, đúng trường thôi chưa đủ. Trong quá trình học tập, các em cần tích cực tham gia những hoạt động đoàn thể, xã hội để có cơ hội trải nghiệm, rèn các kỹ năng, mở rộng kiến thức. Nên sử dụng quỹ thời gian học ngành, học nghề một cách hiệu quả, tập trung rèn luyện để không ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Đặc biệt cần cố gắng rèn luyện ngoại ngữ vì giỏi ngoại ngữ còn có nhiều lợi thế lớn hơn”.
Theo các chuyên gia trong Ban tư vấn, giai đoạn 2016-2025, số lượng việc làm của nhóm ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng lên đến hơn 10.000 người/năm. Và hơn 8.000 chỗ việc làm/năm đối với nhóm ngành dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ nghiên cứu. Những nhóm ngành này thuộc 9 nhóm ngành dịch vụ, nằm trong quy hoạch ưu tiên của TP.HCM.
Thời điểm này chọn ngành không còn là quá sớm
Nếu như một số học sinh đã xác định chọn cho mình một ngành phù hợp thì số ít khác vẫn còn băn khoăn “việc xác định chọn ngành, chọn trường bây giờ có quá sớm không khi mà bản thân luôn có sự thay đổi”. Em Hữu Tuyên (lớp 12A3) cho biết: “Từ nhỏ em có ước mơ sau này lớn lên làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng hiện tại em lại thay đổi và quyết định chọn học ngành marketing vì thấy phù hợp với năng lực, sở thích. Nhưng em lo lắng, bản thân luôn có sự thay đổi, vậy em chọn ngành marketing từ bây giờ có quá sớm không?”.
Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Hùng cho hay việc chọn ngành, chọn trường ngay từ bây giờ không có gì là quá sớm khi mà em xác định được năng lực, niềm đam mê. Xác định đúng và chọn đúng thì các em sớm ổn định tư tưởng tập trung cho học tập, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi THPT. Điều quan trọng mà bất kỳ học sinh nào cũng cần phải nắm, đó là chọn ngành học là chọn một nghề nghiệp cho tương lai. Công việc này sẽ gắn bó lâu dài với bản thân. Vì thế, trước khi chọn phải hiểu rõ ngành nghề được đào tạo như thế nào, có phù hợp với khả năng bản thân, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, thu nhập, xu hướng chọn ngành của xã hội… hay không.
Đối với marketing, ngành này không thể thiếu trong lĩnh vực kinh doanh từ tư nhân đến Nhà nước. Hoạt động thiên về tiếp thị sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp đến người tiêu dùng qua nhiều kênh khác nhau. Nổi bật trong thời buổi hiện nay, internet phát triển, nhiều bạn trẻ đã tận dụng quảng bá sản phẩm đến khách hàng một cách hiệu quả. Muốn theo ngành này, người học phải đam mê, tự tin, kiên trì, thích mạo hiểm, năng động, có khả năng quan sát, nhạy bén, am hiểu các lĩnh vực khác nhau của văn hóa, xã hội, kinh tế…
Trinh Ngọc
Hỏi – đáp hướng nghiệp
“Ngành mỹ thuật đa phương tiện có đòi hỏi người học phải vẽ đẹp không? Ngành này đào tạo những lĩnh vực gì?” – Như Quỳnh (lớp 12A9 Trường THPT Võ Trường Toản, TP.HCM).
– Ông Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc đào tạo Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia) trả lời: Học ngành mỹ thuật đa phương tiện sẽ được đào tạo các lĩnh vực: thiết kế đồ họa 2D, thiết kế website, làm phim kỹ thuật số, làm phim hoạt hình. Tốt nghiệp ra trường, người học có thể làm quảng cáo, dàn trang sách báo, xử lý hình ảnh, chuyên viên thiết kế đồ họa, họa sĩ minh họa, thiết kế giao diện website, thiết kế đồ họa động 2D, biên tập phim, âm thanh, kỹ xảo điện ảnh… Đây là lĩnh vực dạy vẽ là chính nhưng các thao tác vẽ đều thực hiện trên máy tính, vì thế không đòi hỏi người học phải vẽ bằng tay và vẽ đẹp. Với những người yêu nghệ thuật, thích sáng tạo, có khiếu thẩm mỹ, giàu ý tưởng, tư duy tốt…thì rất phù hợp để theo học ngành này. N.Trinh (ghi) |
Bình luận (0)