Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

NASA phát hiện núi lửa băng bí ẩn trên hành tinh lùn Ceres

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên, các nhà khoa học ở NASA tìm thấy bằng chứng xác thực về một hình thức bí ẩn của núi lửa băng trên hành tinh lùn Ceres.
Ceres (tiếng Latin: Cerēs), là hành tinh lùn nhỏ nhất được biết trong Hệ Mặt Trời (chỉ rộng 965,5km) và là hành tinh lùn duy nhất trong vành đai tiểu hành tinh chính ở khoảng giữa Sao Mộc và Sao Hỏa. Hành tinh lùn này được Giuseppe Piazzi phát hiện vào ngày 1/1/1801 và được đặt tên theo nữ thần Hy Lạp Ceres – nữ thần của cây cỏ, mùa màng và tình mẫu tử. Trong một nửa thế kỷ nó được cho là hành tinh thứ 8. Tuy nhiên, sau 5 thập kỷ, Ceres bị giáng xuống chỉ còn là một tiểu hành tinh.
Vào năm 2006, Ceres được phân loại lại một lần nữa và lần này nó được coi là hành tinh lùn. Điều đó có nghĩa là Ceres không phải là hành tinh cũng không hoàn toàn là một tiểu hành tinh. Hiện tại, Ceres phải chia sẻ vị trí nổi bật với sao Diêm Vương (Pluto) và những hành tình lùn khác trong vành đai.
Tuy có kích thước nhỏ bé nhưng hành tinh lùn Ceres vẫn luôn khiến các nhà khoa học đau đầu với những đốm trắng và miệng núi lửa bí ẩn. Trong đó, việc núi lửa băng Ahuna Mons phun ra nước muối sôi sùng sục vẫn là điều bí ẩn thôi thúc sự khám phá của các nhà khoa học.
Hành tinh lùn Ceres.
Hành tinh lùn Ceres.
Mới đây, kết hợp với 6 nghiên cứu khác, các nhà khoa học NASA đã tuyên bố rằng Ahuna Mons là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tồn tại của núi lửa băng bí ẩn. Họ đã sử dụng dữ liệu từ các tàu vũ trụ Dawn gửi về để nghiên cứu sâu hơn nữa về vành đai tiểu hành tinh.
Ahuna Mons là một ngọn núi lửa có hình kim tự tháp khổng lồ. Núi Ahuna Mons cao 3,96km và chân núi rộng 17,7km. Nó bằng 1/2 kích thước núi Everest. Với kích thước như vậy, các nhà khoa học không hiểu làm thế nào mà Ahuna Mons có thể hình thành trên một hành tinh lùn như Ceres.
Theo dữ liệu thu thập được, các nhà khoa học của NASA cho biết núi Ahuna Mons có độ tuổi khoảng vài trăm triệu năm. Độ tuổi này nghe có vẻ cổ xưa so với các ngọn núi lửa trẻ trên Trái Đất nhưng nó lại rất trẻ so với các ngọn núi lửa trên mặt trăng và sao Hỏa.
Không chỉ gây ấn tượng với giới khoa học về độ tuổi, kích thước, vị trí tồn tại mà núi lửa Ahuna Mons còn khiến mọi người kinh ngạc về vật liệu hình thành nên nó. Được biết, băng chính là vật liệu chính hình thành nên ngọn núi lửa này.
Đã từ rất lâu trước đây, các nhà khoa học đã nghi ngờ về thành phần cấu tạo lạ thường này nên gọi là núi lửa nhiệt độ thấp (Cryovolcanoes). Chúng tồn tại trên sao Diêm vương và Ceres, thậm chí cả trên Mặt Trăng Titan của sao Thổ, nhưng núi Ahuna Mons là bằng chứng thực đầu tiên về núi lửa nhiệt độ thấp.
Hình ảnh từ tàu vũ trụ Dawn.
Hình ảnh từ tàu vũ trụ Dawn.
Cryovolcanoes không phun đá nóng chảy mà phun hỗn hợp nước và muối. Chính vì Ahuna Mons phun ra hết nước mặn đóng băng tạo thành một mái vòm băng giá ở phía trên đỉnh núi. Đây là một trong những dấu hiệu để các nhà khhoa học NASA tin rằng Ahuna Mons là núi lửa băng.
Để chắc chắn về điều này, họ đã sử dụng bản đồ địa chất của khu vực được tạo nên từ hình ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Dawn khi nó quay quanh Ceres. Sau đó, họ sẽ tiến hành quan sát những cái hố và sử dụng mô hình 3D để tái tạo các quá trình có thể tạo thành nên một ngọn núi đứng riêng rẽ. Vì núi hình thành không có đĩa kiến tạo và không bị xói mòn nên có vẻ giống núi lửa.
Mô hình 3D núi Ahuna Mons.
Mô hình 3D núi Ahuna Mons.
Sau khi nghiên cứu mô hình 3D núi Ahuna Mons, các nhà khoa học đã so sánh cấu trúc núi Ahuna Mons với những núi lửa khác và thấy rằng núi Ahuna Mons có vòm, hai bên sườn núi và đỉnh núi giống núi lửa trên Trái Đất, sao Hỏa và mặt trăng.
"Chúng tôi đã nhìn thấy dấu hiệu hoạt động của núi lửa nhiệt độ thấp trong quá khứ nhưng không chắc chắn, vì thế đây là một phát hiện quan trọng", Ottaviano Ruesch, một nhà khoa học của NASA cho biết.
Hiện tại các nhà khoa học sẽ tiếp tục chụp thêm hình ảnh núi Ahuna Mons để xem có sự thay đổi nào không và để chắc chắn rằng núi lửa này không hoạt động.
TT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)