Thổ Nhĩ Kỳ: Truy bắt chưa có điểm dừng
Thứ sáu, 29/07/2016, 08:06 (GMT+7)
Ngày 28-7, hai trong số các tướng lĩnh cao cấp hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chức trước thềm một cuộc họp của Hội đồng quân sự tối cao diễn ra trong ngày, mà dự kiến sẽ chấp thuận một cuộc cải tổ lực lượng vũ trang triệt để nhất trong nhiều năm qua.
Tính đến ngày 28-7, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin 149 tướng lĩnh nước này, trong đó gồm 87 tướng lục quân, 30 tướng không quân và 32 đô đốc, đã bị sa thải về tội đồng lõa trong cuộc đảo chính.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiếp tục cải tổ đất nước sau cuộc đảo chính bất thành
Truyền thông, quân đội tiếp tục là đích ngắm
Các tướng lĩnh nói trên bị xác định là thành viên hoặc có liên quan đến tổ chức của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen bị cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành ngày 15-7 vừa qua. Cùng ngày, 88 nhân viên Bộ Ngoại giao do bị tình nghi có liên quan đến một tổ chức Hồi giáo của giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, mà chính quyền Ankara cáo buộc bị đứng đằng sau âm mưu đảo chính cũng bị sa thải. Thủ tướng Binali Yildirim, ngày 27-7, cảnh báo cuộc trấn áp sau vụ đảo chính bất thành vẫn chưa kết thúc và có thể có thêm những vụ bắt giữ khác. Cũng theo công báo, 3 hãng thông tấn, 16 kênh truyền hình, 23 đài phát thanh, 45 tờ báo, 15 tạp chí và 29 nhà xuất bản có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự bất thành đã bị đóng cửa. Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15-7, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tục truy quét các đối tượng tình nghi có dính líu đến âm mưu đảo chính. Đến nay, Ankara đã bắt giữ tổng cộng gần 16.000 người và sa thải 50.000 nhân viên các ngành nghề, trong đó chủ yếu là cảnh sát, quân đội, thẩm phán, công tố viên, nhà báo, giáo viên…
Phản ứng trưóc động thái mới xảy ra, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27-7 lên tiếng thông cảm với việc Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tìm ra thủ phạm đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15-7. Tuy nhiên, Washington cho rằng ngày càng có nhiều vụ bắt giữ các phóng viên là một phần của chiều hướng đáng lo ngại có thể ngăn cản quá trình thảo luận công khai. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng ngày cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng bắt giữ đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng cần phải nhanh chóng đưa ra bằng chứng thuyết phục nếu tình trạng bắt giữ hợp pháp và để các đối tượng có thể được quyết định bởi tòa án.
Thắt chặt quan hệ chiến lược với Nga
Trong khi các cuộc cải tổ vẫn liên tục diễn ra trong nước, trả lời cuộc họp báo tại Mátxcơva ngày 28-7, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek xác nhận Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ có chuyến thăm Nga vào tháng 8. Ông Simsek cũng cho biết Mát xcơva và Ankara sẽ dần phá băng quan hệ thương mại và kinh tế để cải thiện quan hệ chung cũng như đưa mối quan hệ giữa hai nước vốn có lợi ích gắn bó khá chặt chẽ với nhau lên một cấp độ cao hơn.
Sputnik News của Nga ngày 28-7 dẫn lời chuyên gia Suleyman Sensoy, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng điều này có nghĩa là Ankara đã rút ra được các bài học cần thiết từ cuộc khủng hoảng với Mátxcơva sau vụ bắn rơi máy bay Nga vào cuối năm ngoái. Đã có những thay đổi lớn và sâu sắc trong chính sách đối ngoại hướng Nga của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là sau sự hỗ trợ của Nga trong giai đoạn hậu đảo chính thất bại. Nó không nảy sinh từ những rạn nứt gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Đơn giản là mối quan hệ với Nga, giúp xác định lại vị trí và ý nghĩa của Ankara trên trường quốc tế. Và như vậy, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng không chỉ ở tầm khu vực mà cả ở toàn cầu.
Mối quan hệ này đang khiến cho phương Tây đứng ngồi không yên. Nếu thân với Nga hơn, một “Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi” sẽ khiến cho các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ và NATO ở Trung Đông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ổn định vô cùng quan trọng đối với những mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông, vùng Balkans và Caucasus.
HẠNH CHI (tổng hợp)
– See more at: http://sggp.org.vn/thegioi/2016/7/428680/#sthash.mGqMiIAv.dpuf
Ngày 29-7, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tháng 5 và tháng 6-2016, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra 50 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện 35 doanh nghiệp vi phạm về hàm lượng. Đến tháng 7-2016, Đoàn liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra hơn 30 doanh nghiệp, phát hiện thêm 1 doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về hàm lượng vàng.
Xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ bằng phương pháp huỳnh quang tia X tại tỉnh Đồng Nai.
Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã xử phạt với tổng số tiền 1 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm nêu trên. Trong tháng 7 và 8-2016, Chi cục sẽ tiếp tục các đợt kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với lĩnh vực kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc kiểm tra, xử phạt sẽ nhằm làm trong sạch thị trường kinh doanh vàng, đảm bảo quyền lợi cho người mua vàng và người kinh doanh vàng.
Cuối tháng 7-2016, ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Quyết định chỉ định thực hiện việc thử nghiệm và khai trương Phòng thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ bằng phương pháp huỳnh quang tia X cho tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Tổng cục trao quyết định thành lập Phòng kiểm định hàm lượng, chất lượng vàng thủ công, mỹ nghệ; qua đó kiểm soát chặt hàm lượng, chất lượng vàng để thị trường sản xuất – kinh doanh vàng bạc ổn định, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đến thời điểm này, có 200 doanh nghiệp vàng trong tỉnh Đồng Nai đưa vàng về Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng để kiểm tra.
ĐỨC TRUNG (SGGP)
Bình luận (0)