Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng trách trẻ!

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm 1990, tôi đột ngột bị viêm cầu thận. Bệnh viện Hải Hậu (Nam Định) bắt tôi phải điều trị nội trú. Song đang giữa mùa bồi dưỡng học sinh chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh sắp diễn ra nên tôi quyết định xin điều trị ngoại trú để có điều kiện vẫn tiếp tục bám lớp. Thuốc do bệnh viện cấp. Chiều chiều cứ sau khi rời trường về nhà là cô Thủy (nhân viên y tế), công tác cùng trường với bà xã tôi lại đạp xe tới tiêm thuốc cho tôi.

Hôm ấy, tranh thủ chủ nhật cô Thủy tới giúp tôi vào buổi sáng. Cháu Phương con trai cô cùng đi theo. Thằng bé chừng 3 tuổi, dáng bụ bẫm, kháu khỉnh. Theo lệnh mẹ, cháu khoanh tay lễ phép chào vợ chồng tôi. Nhìn vẻ dễ thương của cháu chúng tôi ai cũng tấm tắc khen ra mặt. Trưa đến, vì là chỗ thân tình nên vợ chồng tôi mời mẹ con Thủy ở lại dùng bữa với gia đình. Món ăn trưa là “cây nhà lá vườn” rất hợp với người ăn kiêng bị bệnh viêm cầu thận như tôi. Rau cải bắp, tía tô, mùi tàu thái nhỏ được trồng sẵn trong vườn. Gạo tám xoan do chị gái tôi cho. Cá rô luộc bóc lấy thịt do tôi câu từ ao nhà. Thủy vừa hoàn tất xong mũi tiêm cho tôi thì cùng vừa lúc bà xã khệ nệ bê nồi cháo từ dưới bếp lên, mồ hôi nhễ nhại múc từng bát cháo ra cho mọi người. Cháu Phương định bê tô cháo lên húp. Thủy vội ngăn lại, nhắc: “Con nhớ mời mọi người rồi mới được ăn đấy nhé!”. 1 phút, 2 phút, chừng 5-7 phút trôi qua xem chừng các bát cháo đã đỡ bốc khói tôi chủ động lên tiếng: “Chắc là ăn được rồi. Mời mọi người cùng thưởng thức món đặc sản của tác giả Hồng Nhiễu (tên vợ tôi)”. Khi mọi người đều đã bê bát cháo lên khỏi mâm, Thủy nhìn con nhắc lại câu ban nãy: “Nào, con nhớ mời mọi người rồi mới được ăn đấy nhé!”. Nhưng lạ thay, khi Thủy đã nói câu này tới lần thứ ba, thứ tư rồi thứ năm mà thằng bé vẫn trơ trơ không chịu mở mồm. Mắt nó chăm chắm nhìn mẹ đầy vẻ ương ngạnh thách thức. Tại sao thế nhỉ? Thằng bé vốn ngoan ngoãn lễ phép là vậy, sao hôm nay lại gan bướng thế? Mặt Thủy bỗng bừng đỏ. Với tính nghiêm khắc vốn có, Thủy tiếp tục giục con mời lần nữa, lần nữa. Thằng bé chẳng những vẫn im lặng mà còn phản ứng gay gắt bằng việc đặt phịch bát cháo xuống mâm. Không giữ bình tĩnh thêm được nữa, sẵn chiếc quạt mo trong tay cô giơ lên quật tới tấp vào lưng con với lời mắng hơi dữ dằn: “Hư này, hư này!”. Trong nước mắt giàn giụa, bấy giờ thằng bé mới lên tiếng “bảo vệ” cho hành động thiếu lễ phép của mình bằng một câu thật không ai ngờ tới: “Mời ăn cơm chứ ai mời ăn cháo!”. Cả nhà òa lên cười trước câu thanh minh đầy ngộ nghĩnh mà xem ra thật chí lý của nó.

 Mới hay, thế giới tư duy của trẻ luôn chứa đựng bao điều bất ngờ lý thú rất phi lý mà có lý vậy đó. Hãy luôn hiểu trẻ và giúp trẻ từng bước hoàn thiện mình từ những “sự cố” rất bất ngờ như thế. Đừng vội trách trẻ mà hãy trách chính mình đã chưa dạy trẻ đến nơi đến chốn những kỹ năng ứng xử nhỏ nhặt hàng ngày.

NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ

Bình luận (0)