Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh tắc lệ đạo ở trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Châu Trang (Trưởng khoa Mắt nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM) cho biết: “Tắc lệ đạo bẩm sinh là một bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm”.

Điều trị theo nguyên nhân

Lệ đạo là hệ thống đường dẫn nước mắt đi từ vùng hồ lệ đến khe mũi dưới bao gồm điểm lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi. Bình thường nước mắt sẽ được tiết ra từ các tuyến lệ sau khi đã làm ướt các bề mặt nhãn cầu, phần còn lại sẽ đổ vào điểm lệ, lệ quản, túi lệ, qua ống lệ mũi và đổ ra ngách mũi phía dưới. Tuy nhiên, nếu có bệnh lý ở đường lệ nước mắt sẽ bị ứ đọng và gây chảy nước mắt thậm chí kèm theo mủ và chất nhầy. Có nhiều nguyên nhân gây nên tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ như không có điểm lệ, rò túi lệ bẩm sinh, tắc ống lệ mũi bẩm sinh là trường hợp thường gặp nhất. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc hai bên mắt gây chảy nước mắt, nếu bị thường xuyên và kéo dài có thể tạo ra mủ nhầy, viêm kết mạc mắt, sưng túi lệ… Chính vì vậy, tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà có những phương pháp điều trị phù hợp. BS Châu Trang cho biết: “Chảy nước mắt là một trong những triệu chứng dễ nhận biết của tắc lệ đạo bẩm sinh. Tuy nhiên đôi khi chảy nước mắt cũng thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như bị đau mắt đỏ, cườm nước… Chính vì vậy khi thấy trẻ bị chảy nước mắt mà phụ huynh kết luận là bị tắc lệ đạo nhưng không đưa đến BS chuyên khoa thì có những trường hợp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng”. Mới đây, Khoa Mắt nhi Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhi tên là Nguyễn Tuấn Kiệt (3 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám trong tình trạng một mắt đục như tờ giấy, mắt còn lại thì đen kèm theo chảy nước mắt và đổ ghèn. Sau khi thăm khám các BS khẳng định bệnh nhi bị cườm nước chứ không phải tắc lệ đạo như chẩn đoán của phụ huynh. BS Châu Trang nhấn mạnh: “Đây là một trong những trường hợp bệnh khá nghiêm trọng, nếu như không được khám và điều trị kịp thời có thể khiến bệnh nhi không nhìn thấy đường”.

BS đang khám mắt cho trẻ. Ảnh: M.H

Phụ huynh có vai trò quan trọng

BS Châu Trang nhấn mạnh, đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi khi có kết luận từ BS chuyên khoa là bị tắc lệ đạo bẩm sinh thì phương pháp điều trị ban đầu là day, xoa nắn vùng tuyến lệ cho trẻ kết hợp với dùng kháng sinh tại chỗ. Phương pháp này thì phụ huynh sẽ là người thực hiện thường xuyên ngay tại nhà sau khi được hướng dẫn cách làm từ các BS. Đặt trẻ nằm, một tay giữ đầu trẻ dùng ngón trỏ của tay kia đặt lên góc trong mắt, hướng lên trên tạo với trục mắt một hướng 10-150. Ấn nhẹ đầu ngón trỏ và day ngược lên trên và về phía mắt để đẩy mủ trong túi lệ qua lệ quản ra ngoài. Sau đó dùng bông lau sạch và thực hiện liên tục từ 10-15 lần, mỗi ngày thực hiện 3 đợt. Nếu sau một tháng mà trẻ không đỡ thì đợi đến khi trẻ đủ tuổi sẽ thực hiện can thiệp bằng phẫu thuật. Trẻ từ 3 đến 8 tháng tuổi sử dụng phương pháp thông rửa lệ đạo với Nacl 0,9%. Đối với trẻ dưới 2 tuổi khi thông lệ đạo không thành công thì sử dụng phương pháp đặt ống silicon lệ mũi. Riêng với trẻ trên 2 tuổi khi các phương pháp trên đều thất bại thì biện pháp cuối cùng là sử dụng phẫu thuật. BS Châu Trang cho biết: “Có nhiều trường phái, quan điểm khác nhau trong việc can thiệp thông tuyến lệ đạo. Tuy nhiên, theo BS việc can thiệp để thông tuyến lệ đạo chỉ nên thực hiện khi trẻ đã trên 12 tháng tuổi bằng phương pháp gây mê”.

Nghiêm Quế

Để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc

BS Nguyễn Ngọc Châu Trang lưu ý: “Thông lệ đạo chỉ nên thực hiện 2 lần, còn khi đã thông đến lần thứ 3 khả năng bị thất bại rất cao. Việc thông lệ đạo nhiều lần mà không thành công có thể làm trầy xước, rách tuyến lệ thậm chí trẻ sẽ rơi vào tình trạng suốt đời bị chảy nước mắt. Chính vì vậy, cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.

 

Bình luận (0)