Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Italy coi Việt Nam là tấm gương về tạo môi trường đầu tư hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù vẫn đứng sau Singapore trong số các nước ASEAN về số lượng các doanh nghiệp Italy đến đầu tư kinh doanh, nhưng Việt Nam đang được các nhà đầu tư và xúc tiến thương mại Italy coi là một tấm gương trong việc tạo môi trường đầu tư lành mạnh và hiệu quả.

Đó là quan điểm của nhiều đại diện doanh nghiệp Italy tham dự Hội thảo kinh tế Italy-ASEAN được Bộ Phát triển Kinh tế Italy tổ chức ở thủ đô Rome hôm 19/5.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đức Hòa/Vietnam+)

Tại Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường hơn nữa nguồn vốn đầu tư của nước này đối với khối 10 nước ASEAN, ông Roberto Colannino, Chủ tịch tập đoàn sản xuất xe gắn máy Piaggio và ông Francesco Merloni, Chủ tịch hãng chuyên về thiết bị nước nóng Ariston, đều khẳng định Việt Nam là trung tâm sản xuất và phát triển sản phẩm của họ tại khu vực Đông Nam Á, với các sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Theo các nhà quản lý nổi tiếng này, Việt Nam là một hình mẫu về thu hút vốn và tạo môi trường đầu tư, đồng thời khuyên các doanh nghiệp Italy khác noi gương họ đầu tư vào Việt Nam.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Carlo Calenda, Thứ trưởng Bộ phát triển kinh tế Italy, cũng cho rằng Việt Nam đã tạo được những ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư Italy, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Italy tìm đến thị trường này để làm ăn.

Mặc dù vậy, theo ông Calenda, tiềm năng đầu tư vào Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung của các doanh nghiệp Italy vẫn còn rất lớn.

Ông Calenda cho rằng Italy đã “chậm chân” hơn nhiều các nước khác trong việc khai thác khu vực ASEAN năng động, giàu tiềm năng, với hơn 600 triệu dân, trong một khu vực theo hình thức thị trường chung với các hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết với EU và Mỹ.

Theo Cơ quan quan sát châu Á, một tổ chức nghiên cứu khảo sát hàng đầu của Italy về châu Á, trong năm 2014, xuất khẩu của Italy sang các nước ASEAN đạt 7,1 tỷ euro, và nhập khẩu từ ASEAN đạt 6,9 tỷ euro, chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Italy ra thế giới, xấp xỉ 2%.

Ông Romeo Orlandi, người đứng đầu của Cơ quan sát châu Á, cho rằng điều này cho thấy Italy đã không khai thác được hết tiềm năng của khu vực và đòi hỏi chính phủ và các doanh nghiệp Italy cần phải tích cực hơn nữa trong việc khai thác thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Italy hoạt động tại các nước ASEAN cũng cần đa dạng hơn, tránh chỉ tập trung đầu tư vào ba lĩnh vực là chế tạo máy, năng lượng và công nghệ điện tử như hiện tại.

Theo ông, Italy hiện đang thiếu một chiến lược phát triển thương mại dài hạn cho khu vực ASEAN.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã nêu bật ảnh hưởng của khối ASEAN hiện nay trong nền kinh tế thế giới, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, thứ bảy trên thế giới và dự kiến sẽ vươn lên vị trí thứ tư vào năm 2050.

ASEAN đã luôn mở cửa đón chào các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các nước EU nói chung và Italy nói riêng.

Trong năm 2014, các nước EU đã đầu tư 29 tỷ euro vào ASEAN, chiếm 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài, trong khi kim ngạch thương mại đạt 40 tỷ euro, giúp EU trở thành bạn hàng lớn thứ hai của khối.

Tuy nhiên, mặc dù Italy đã gia tăng các hoạt động đầu tư với ASEAN trong những năm qua, song khối lượng thương mại vẫn còn thấp.

Theo thống kê của Cơ quan quan sát châu Á, hiện có 421 công ty của Italy hoạt động tại các nước ASEAN, nhiều nhất là tại Singapore (118 doanh nghiệp), sau đó đến Việt Nam (76 doanh nghiệp), Indonesia (73 doanh nghiệp) và Malaysia (72 doanh nghiệp).

Hiện tại, Việt Nam đang là nước có kim ngạch thương mại hai chiều lớn nhất với Italy trong khối ASEAN, đạt 2,98 tỷ euro trong năm 2014./.

TRƯƠNG ANH NGỌC

(VIETNAM+)

 

Bình luận (0)