Ngay từ nhỏ, tôi đã mơ ước được đi đến những miền đất lạ. Lớn lên, ở bậc đại học, tôi càng khao khát được đi du học. Chính ước mơ ấy đã đưa tôi đến nước Úc.
Làm quen với Thế giới mới
Brisbane là thủ phủ của bang Queensland, là thành phố “Thế giới mới” theo cách gọi của người bản xứ, nơi tôi chọn để sinh sống và học tập. Nơi này cách rất xa đại học Queensland (ngôi trường danh tiếng của Úc được xếp thứ 41 trên thế giới theo số liệu năm 2011), tôi đã phải mất đến hơn một tiếng để đi xe buýt. Tôi và một người bạn lặn lội vài ngày mới tìm được một chỗ ở phù hợp gần đại học Queensland, chỉ mất 15 phút đi bộ.
Quá trình thích nghi bắt đầu diễn ra khi tôi quen dần với tỷ giá tiền tệ khi đi chợ, với môi trường sinh hoạt mới và với tất cả các tiện ích học tập ở đại học Queensland. Đặc biệt nhất là chuyện đi lạc ở trường vào lúc 10 giờ đêm vì khuôn viên trường quá rộng!
ThS Trần Quốc Duy.
Thích nghi việc học
Trước khi vào học chính thức, tôi có dịp tham gia lễ đón chào tân sinh viên của trường, của khoa, tuần lễ định hướng (orientation week), và hơn cả là các buổi hội thảo về phương pháp học, cách thức sử dụng thư viện và mọi phương tiện học tập cũng như quy trình làm việc với trường và khoa. Chính những buổi hội thảo này đã tạo một tiền đề vững chắc cho quá trình học thạc sĩ tại đại học Queensland, với hai lần nhận được giấy khen của trưởng khoa giáo dục vì là một trong những sinh viên có thành tích cao trong học tập.
Sau chừng hai tháng trên đất Úc, mọi thứ dần ổn định và cảm giác nhớ nhà cũng vơi đi. Tôi kết thêm được rất nhiều bạn mới và chọn cho mình những người bạn thân thiết để san sẻ vui buồn. Làm việc theo nhóm với du học sinh quốc tế trở thành một thói quen trong học tập của tôi, và là bệ phóng cho những thành quả cao.
Cơ hội lại đến với tôi khi cùng Huỳnh Thị Ngọc Hân (Người đẹp du lịch Việt Nam năm 2011) được ông Campbell Newman – cựu thị trưởng thành phố Brisbane phong tặng danh hiệu Đại sứ sinh viên quốc tế tại Brisbane năm 2011 qua nhiều vòng tuyển chọn. Từ đó, chúng tôi gắn liền với các sự kiện quảng bá văn hoá Việt tại đây, như ngày Văn hoá Việt Nam tại trung tâm thành phố, giới thiệu văn hoá Việt tại dạ tiệc của tân thị trưởng Graham Quirk, đêm hội Chào Việt Nam, giới thiệu nón lá, áo dài tại lễ hội Đông Tây…
ThS Trần Quốc Duy (thứ tư từ phải) trong một chương trình giao lưu sinh viên quốc tế.
Thực hiện ước mơ
Tôi cho rằng du học sinh không chỉ học từ giảng đường, mà còn phải học từ cuộc sống, từ những sân chơi giao lưu quốc tế. Tôi đã bỏ khá nhiều thời gian để đến thăm và làm việc với một số trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục khác. Dựa trên mối quan hệ với các giảng viên cũng như sự giới thiệu của hội đồng thành phố, tôi cân nhắc lựa chọn những điểm đến cho riêng mình để có thể đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mà đặc biệt là lĩnh vực giáo dục sau khi tốt nghiệp và quay trở về Việt Nam.
Bản thân tôi đã học được rất nhiều điều thú vị và bổ ích sau hơn một năm rưỡi trên đất Úc. Nhưng học là một chuyện, áp dụng những gì đã học lại là một vấn đề khác. Tôi đang cố gắng tự tạo cơ hội cho mình được áp dụng những kiến thức đã học từ một đất nước có nền giáo dục tiên tiến, với mong muốn cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.
Hãy luôn dũng cảm, tự tin để biến ước mơ thành sự thật.
Chắt chiu cơ hội tìm việc làm thêm
Thật may mắn là sau gần nửa năm sống ở xứ người, tôi đã tìm được một công việc khá ổn định tại một tập đoàn giáo dục quốc tế mang tên iAE và gắn bó với văn phòng tại Brisbane trong hơn nửa năm. Sau nhiều tháng săn thông tin trên các trang web giới thiệu việc làm, thậm chí cả trên các diễn đàn hay Facebook của du học sinh Việt tại Brisbane, vượt qua vòng hồ sơ tôi mạnh dạn bước vào vòng phỏng vấn với hơn 20 ứng viên và được nhận vào làm chính thức. Cần thật sự kiên nhẫn hết mức khi tìm việc làm và chắt chiu cơ hội. Trong vị trí một chuyên viên tư vấn du học, tôi có cơ hội mở rộng mối quan hệ của mình với các du học sinh Việt Nam cũng như trau dồi kỹ năng ngôn ngữ.
|
Theo SGTT
Bình luận (0)