Tòa soạnThư đi – tin lại

Trông ngóng luân chuyển

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THCS Quy Hướng (Mộc Châu, Sơn La) trong giờ tan trường

Theo NĐ61 của Chính phủ, nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại vùng đặc biệt khó khăn sau 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam được tạo điều kiện luân chuyển về nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển. Văn bản của Chính phủ đã có, thông tư hướng dẫn liên bộ cũng đã có nhưng nhiều nơi vẫn không thể luân chuyển được giáo viên, tại sao?
Trong chuyến công tác về Mộc Châu, Sơn La, tôi có dịp được ghé qua Trường THCS Quy Hướng, một trong 3 nơi được coi là khó khăn nhất của Mộc Châu. Là xã miền núi, đường sá đi lại của người dân và học sinh không chỉ cách núi mà còn ngăn sông. Cách thị trấn nông trường Mộc Châu và thị trấn Mộc Châu khoảng 50km. Nhưng để đi nhanh, người dân thường đi 40km đường bộ và 30 phút đường sông. 40km đường bộ nếu đi ô tô với điều kiện thời tiết bình thường thì khoảng 3,5 giờ đồng hồ. Còn thời tiết xấu thì không biết bao giờ mới đến. Còn với học sinh Quy Hướng, rất nhiều em phải đi bộ từ rất sớm để đến trường. Cô Hà Thị Vân Anh, giáo viên của trường cho biết, có những em nhà cách trường 8km đường rừng núi, xa nhưng chưa đủ điều kiện để được ở nội trú tại trường (để được ở nội trú, nhà phải cách trường từ 10km trở lên). Sáng ra, các em phải mang đèn đi học từ 4 giờ sáng và chiều thì 2 giờ cũng mới về được đến nhà. Có nhiều em, nhà ở bên kia lòng hồ thủy điện, dù khoảng cách đường chim bay chỉ 1km nhưng có nhiều hôm các em đều tự mình bơi thuyền qua lòng hồ để đi học. Những hôm trời mưa bão, học sinh có muốn đến trường, các cô cũng phải bảo nghỉ.
Đường sá đi lại khó khăn đã là một chuyện nhưng cơ sở vật chất của trường cũng còn rất nhiều vất vả. Trường hiện có 30 học sinh ở nội trú nhưng đều là nhà tạm, chỉ một cơn gió mạnh là đổ bất cứ lúc nào. Dãy nhà công vụ của thầy cô, nói là công vụ cho “oai”, thực ra là một lớp học cấp 4 trước kia được các thầy cô lấy các tấm bạt ngăn ra thành các phòng. Nên chỉ cần phòng bên này thở mạnh là phòng bên kia nghe thấy, rất bất tiện. Không những thế, mỗi khi có bão về, thầy trò lại lo nơm nớp. Mưa to, gió lớn, cả thầy và trò hò nhau lên dãy nhà kiên cố là lớp học của trường. Cô Vân Anh cho hay, ở đây hay có gió quẩn, chính vì vậy một loạt dãy nhà đã ra đi nên trường mới bị thiếu phòng học.
Trường THCS Quy Hướng có 20 giáo viên thì có 19 người nhà ở thị trấn Mộc Châu, tức là cách trường 50km. Họ cũng giống như học sinh, đều là dân nội trú. Cô Hà Thị Vân Anh cho biết, cô dạy toán ở trường đã được 7 năm, lấy chồng 6 năm. Chồng cô cũng là giáo viên nhưng dạy ở Trường 19 Tháng 5 của thị trấn Mộc Châu. Hai mặt con nhưng đứa lớn ở với bố và ông bà ngoại, đứa nhỏ còn chưa dứt sữa ở với mẹ. Ưu tiên hai mẹ con, nên cuối tuần chồng cô đi xe từ thị trấn Mộc Châu xuống thăm. Lúc nào không lên lớp thì dọn việc nhà, lúc lên lớp nếu con ngoan thì nhờ các em học sinh ở bán trú trông giúp, đồng thời nhờ người bế từ sáng đến trưa. Bài tranh thủ soạn buổi tối. Cô Nguyễn Khánh Duyên, dạy mỹ thuật đã gắn bó với trường 12 năm, nhà cô cũng ở thị trấn Mộc Châu. Hàng tuần, cô đi đi về về bằng xe máy. Một tuần về một lần. Đường sá rất khó khăn. Có hôm trời mưa không đi được phải nhảy xuống dắt bộ xe tồng tộc xuống dốc. Con ở nhà với bố, các cháu phải tự vận động. Cô Duyên cho biết các cháu giờ đã lớn rất cần mẹ kèm cặp nhưng hoàn cảnh thực tế đành chịu. Ở Trường THCS Quy Hướng, không chỉ cô Duyên, cô Vân Anh mà 17 thầy cô khác đều sống trong cảnh xa nhà. Thậm chí có cô hai vợ chồng đều phải dạy cách nhà 40-50km. Con cái gửi ông bà, cuối tuần hai vợ chồng về mới gặp nhau và gặp con. Người nhiều nhất là 12-15 năm, người ít nhất cũng đã 3, 4 năm. Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi mong ước thì mong ước đầu tiên của các thầy cô đó là đường sá được cải thiện để học sinh có thể đi lại đỡ vất vả, các em có thêm động lực để đến trường, các thầy cô đi xuống bản cũng đỡ mệt hơn. Còn khi được hỏi về luân chuyển giáo viên, cô Hà Thị Vân Anh tâm sự: Được học rồi thì phải đi làm, khó khăn phải khắc phục, nếu cứ bỏ nghề hết thì không biết ai sẽ ở đây? Các thầy cô ở Trường THCS Quy Hướng hầu như ai cũng có một nửa ở thị trấn Mộc Châu nên đều mong ngóng được ngày về công tác gần nhà. Nhưng xem ra, để làm được điều này cũng vẫn còn rất xa. Bởi một chuyên viên phụ trách tổ chức cán bộ của Phòng Giáo dục huyện Mộc Châu cho biết hiện Mộc Châu không thể luân chuyển được giáo viên mà chỉ có thể điều động. Như vậy, ngày về của các thầy cô Trường THCS Quy Hướng vẫn còn mờ mịt.
Bài, ảnh: Thiên Lam

Bình luận (0)