Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường quốc tế tại TPHCM – Giảm tải sức ép trường công

Tạp Chí Giáo Dục

 

Thời gian qua, hoạt động của các trường quốc tế là một trong những loại hình thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhà nước trong việc giải quyết nhu cầu học tập của xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của các trường này vẫn còn không ít bất cập. Để góp phần đánh giá lại thực trạng và hướng đi của mô hình này, hôm qua 23-12, Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nhân rộng mô hình trường quốc tế tại TPHCM”.
Thiếu chuẩn 

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh (giữa) và Tổng biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận: Hiện nay, hệ thống các trường quốc tế thành lập ngày càng nhiều, trong số đó vẫn có không ít một số người có tâm huyết làm giáo dục nhưng thiếu chuyên môn nên hệ thống các trường quốc tế hiện nay vẫn bộc lộ rất nhiều vấn đề.
Nhiều trường không đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà phải đi thuê mướn, phòng ốc chật hẹp không đúng với quy chuẩn trường học. Tỷ lệ các trường đạt yêu cầu chỉ là số ít. Đội ngũ thầy cô giáo chất lượng không đồng đều như chúng ta muốn, còn nhiều trường vẫn sử dụng phần lớn giáo viên người nước ngoài thỉnh giảng không có chuyên môn sư phạm. Không ít nhà đầu tư thành lập trường hơi “sa đà” vào vấn đề lợi nhuận, trong khi đó đầu tư cho giáo dục phải có thời gian.
Một thực tế cũng đã được thầy Đoàn Văn Điện, Hiệu trưởng Trường Phổ thông tư thục Việt Thanh đưa ra: Trường quốc tế hiện nay muôn hình vạn trạng, trường có yếu tố nước ngoài, nhưng dạy theo chương trình trong nước, trường dạy song ngữ hoặc trường do người Việt đầu tư nhưng dạy theo chương trình nước ngoài, trường 100% vốn của nước ngoài dạy hoàn toàn chương trình của Việt Nam, có trường chỉ là tăng cường tiếng Anh cũng được gọi là trường quốc tế…
Thời gian gần đây, một số trường quảng cáo quá đà, rằng “học trường quốc tế sẽ nhận bằng cấp của quốc tế”. Trong khi đó chương trình của trường đó chưa rõ ràng, người học sẽ tin vào đâu? Về vấn đề này, Vụ trưởng Đỗ Quốc Anh khẳng định: Việc quảng cáo đó hoàn toàn sai sự thật, bởi Luật Giáo dục chưa cho phép nhà đầu tư Việt Nam nào dạy hoàn toàn bằng chương trình của nước ngoài. Bộ GD-ĐT hay Sở GD-ĐT TPHCM chưa từng cấp phép cho những trường như thế. Trong thời gian tới mong các cơ quan thông tấn báo chí khi nhận quảng cáo của các trường quốc tế nên tham khảo thêm ý kiến của ngành giáo dục để đảm bảo đúng sự thật và quyền lợi của người học.
Thầy Đoàn Văn Điện, Hiệu trưởng Trường Phổ thông tư thục Việt Thanh cũng chỉ ra một thực tế: Nhìn các trường quốc tế có thể có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng lại không phù hợp với môi trường làm trường học vì đó chỉ là tòa nhà cao tầng, phòng máy lạnh còn học sinh không hề có sân chơi, rộng rãi thoáng mát như ở các trường công.
Cần nghị định cụ thể
Bà Nguyễn Thị Ngọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành hệ thống Trường quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương cho biết, mục đích mở trường quốc tế vì lợi nhuận kinh tế là phụ mà xuất phát từ tâm lý của một phụ huynh có con đi du học xa. 

Học sinh trường Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương học với giáo viên người nước ngoài trong điều kiện đầy đủ cơ sở vật chất

“Tôi nghĩ, nhà đầu tư đã có cái tâm mở trường đáp ứng nhu cầu xã hội thì nhà quản lý cũng nên tạo điều kiện để trường quốc tế phát triển, chúng tôi cần đất để xây dựng trường có sân cho HS mà kêu hoài không thấu. Nếu có đất chúng tôi sẵn sàng xây dựng trường đạt chuẩn. Nhà nước cần sớm có một nghị định, quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các trường quốc tế phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước”, bà Ngọ bộc bạch.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận cho rằng: Hiện nay trường quốc tế chủ yếu dành cho con nhà giàu, trong khi đó trong giáo dục cũng phải tạo được sự công bằng. Ngay cả trường công cũng phải có những bước đột phá để hội nhập với quốc tế.
Phải nói rằng cả bộ, sở và ngay cả chúng tôi cũng lúng túng như thế nào là trường quốc tế, chương trình phải được thông qua, vậy đến bao giờ ngành giáo dục mới làm rõ được điều này? Hiện nay người dân cũng đang “mù mịt” về chất lượng ở các trường quốc tế. Giải quyết được những vấn đề này thì chúng ta nhân rộng mô hình trường quốc tế mới đảm bảo được chất lượng đúng nghĩa.
Tổng biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu con em học trường chất lượng cao càng nhiều. Trường quốc tế ra đời đáp ứng đúng nhu cầu và phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục, góp phần giảm tải sức ép lên hệ thống trường công lập.
TPHCM bắt đầu mô hình trường quốc tế gần 10 năm qua. Mô hình trường quốc tế phù hợp với chủ trương và thực tiễn phát triển kinh tế của TP, nhưng hệ thống này chưa phát triển ngang tầm của một trung tâm kinh tế lớn như TPHCM.
Ông Huỳnh Công Minh khẳng định: “Trường quốc tế nhưng phải đảm bảo được tính “quốc tế với dân tộc”. Các trường phải công khai công bố chuẩn đầu ra, điều kiện học tập liên thông phải minh bạch. Giải quyết vấn đề đất đai để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất cho các trường quốc tế, ông Minh cho biết năm 2009 sẽ có một hội nghị về cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp trong đó ngoài các trường công lập sẽ có sự tham gia của cả các trường quốc tế tại TPHCM.
Trên địa bàn TPHCM có gần 30 trường quốc tế với 401 lớp học, nuôi dạy 6.771 HS từ mầm non đến THPT. Gần 1.000 giáo viên (gồm 442 GV Việt Nam và 530 GV nước ngoài) có trình độ từ đại học trở lên đang giảng dạy tại các trường quốc tế.
LÊ LINH – TIÊU HÀ (SGGP)
 

 

Bình luận (0)