Thời buổi nền kinh tế trong nước và trên thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, những sinh viên vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn bởi khoản lương từ những công việc part-time bị giảm sút, thậm chí có bạn sinh viên đang đi làm còn bị mất việc…Vậy các “ét-vê” nhà mình làm thế nào để đứng vững trong thời điểm này ?
Góp gạo thổi cơm chung…
Khi nhắc đến “Cơm chung gạo góp” nhiều bạn sẽ nghĩ tới những cặp đôi sinh viên yêu nhau nhưng không phải vậy. Minh Tuấn và T.Huyền (ĐH Kinh tế) vốn là bạn thân học cùng lớp, hồi đầu năm học hai bạn ở trọ gần nhau. Sau Tết đột nhiên chủ nhà đòi tăng giá thêm những 300k, Tuấn với Huyền liền bàn nhau thuê chung một phòng trọ. Mặc dù còn hơi ngại vì chỉ yêu nhau người ta mới ở chung nhưng tiết kiệm được 300k mỗi tháng” và các khoản tiền khác như tiền xăng xe, thức ăn, điện nước…cũng giảm theo là món tiền không nhỏ chút nào với sinh viên xa nhà nên hai bạn đã nhất trí “góp gạo thổi cơm chung”. Huyền kể: “Ban đầu, người yêu tớ cũng phản đối ghê lắm nhưng mà sau khi nghe mình phân tích anh ấy cũng thông cảm. Với lại gọi là ở chung nhưng phòng trọ được chia làm hai, lại ngăn cách đàng hoàng nên đến cả mẹ mình ở quê lên chơi cũng chả phàn nàn được điều gì”…
Tiết kiệm các khoản không cần thiết…
Mới cách đây mấy tháng, thỉnh thoảng M.Long (ĐH Thương Mại) còn rủng rỉnh tiền để đi ăn nhậu cùng mấy “chiến hữu” nhưng từ khi bị mất chân chạy bàn tại quán cà phê, M.Long chẳng còn tiền để đổ xăng chứ đừng nói đến ăn nhậu. Thuê nhà trọ xa trường, Long đành chuyển sang đi xe bus. Bên cạnh đó, Long cũng rủ mấy “chiến hữu” góp tiền mua thức ăn cho cả tháng rồi tối tối cả bọn lại tụ tập, vừa vui lại tiết kiệm.
Cách đây ít lâu, Hương (ĐHQG) cũng phải lòng rồi yêu một cậu bạn cùng quê. Mới đầu, cứ rủ Hương đi chơi là chàng đều phải tốn một khoản không nhỏ để “đút lót” cho mấy nàng cùng phòng. Về sau, kinh tế khó khăn, biết chàng đến tiền đi uống nước cùng mình còn phải đi vay bạn bè, Hương liền bảo người yêu đứng đợi ngoài ngõ để khỏi “xấu mình bẽ chàng” với bạn cùng phòng rồi hai đứa đạp xe dạo vòng quanh mấy con đường vừa đẹp vừa mát của Hà Nội cho đỡ tốn kém.
“Phải nói mình là đứa siêu tiết kiệm. Cái cặp dùng từ năm lớp 11 đến năm nay đã là năm 3 đại học mà mình vẫn dùng nó. Chưa kể những thứ khác như quần áo, giày dép mình cũng xài được mấy năm rồi. Không phải mình không muốn mua đồ mới nhưng nhà mình chả khá giả gì cho lắm mà thời buổi này đến ăn còn chả đủ nói gì đến sắm đồ mới. Mình chỉ mong thôi khủng hoảng để sinh viên tụi mình có cuộc sống tốt hơn”. Tuấn (ĐH Mỏ) tâm sự..
Chấp nhận làm việc với mức lương ít ỏi…
Thời buổi này nhiều người còn chả có việc để làm, mình chấp nhận làm khuân vác cho mấy người buôn hoa quả ở chợ Long Biên với khoản bồi dưỡng ít ỏi chỉ 15 k/ buổi dù phải dậy từ sáng sớm và làm gần hết nửa buổi sáng. Hoàng (ĐH Giao thông) kể về công việc có phần rất vất vả của mình. Sáng nào cũng dậy từ tờ mờ sáng, đạp xe gần chục cây số lên chợ để làm việc, nhiều hôm rét mướt, mưa gió chả muốn đi làm những cứ nghĩ đến tiền thuê trọ, tiền ăn rồi tiền học cậu sinh viên quê Thanh Hóa lại có quyết tâm.
Còn Ngân (ĐH Sư phạm) lại chấp nhận dạy ôn thi cho một học sinh lớp 12 với giá mỗi buổi chỉ 40k. Linh tâm sự: “Ngày trước đi dạy mình còn được phụ huynh trả cho 70k/ buổi, nhưng từ khi kinh tế khó khăn, nhiều gia đình cũng chả còn tiền để thuê gia sư về dạy cho con cái họ. Giờ mình có học sinh để dạy là may, nhiều đứa lớp mình còn chả có ai để dạy…”
Săn đồ rẻ…
Dường như cái gì càng rẻ thì càng được sinh viên tìm mua. Chả thế mà những chợ vốn nổi tiếng rẻ như chợ Phùng Khoang, chợ Đêm sinh viên (Cầu Giấy) luôn không vắng bóng các sinh viên. Cô bạn Hương (ĐH Hà Nội) chia sẻ: “Sinh viên tụi mình bình thường đã chẳng dư tiền để tiêu, bây giờ khủng hoảng kinh tế thì chợ sinh viên là địa chỉ tụi mình hay lui tới nhất. Mình vừa mua một cái áo cộc tay mất có 30k, rõ ràng so với đồ ở những nơi khác là rẻ hơn rất nhiều”…
Cũng cùng suy nghĩ như Hương, nhiều sinh viên hiện nay phải thắt bóp tối đa trong thời khủng hoảng mỗi khi có nhu cầu tiêu dùng đều nghĩ đến chợ sinh viên vì đồ rẻ. H.Thu (ĐH Quốc Gia) tâm sự: “Biết là đổ rẻ thì không thể bền được tuy nhiên có đồ dùng qua cơn khủng hoảng là tốt rồi. Bạn cứ thử nghĩ mà xem, một tháng ngoài tiền ăn, tiền nhà bố mẹ chu cấp sinh viên tụi mình làm gì còn khoản thu nào ngoài làm thêm. Vừa học vừa làm khó khăn là thế nên cách xoay sở để sống duy nhất là xài đồ rẻ…”
Quả thật, khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho đời sống sinh viên, nhưng rõ ràng các bạn “ét-vê” của chúng ta có những biện pháp rất hợp lý để đứng vững trong cơn "bão" có lẽ còn kéo dài.
Theo MTO
Bình luận (0)