Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đỏ mặt chuyện sinh viên yêu!

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện văn hóa yêu của sinh viên (SV) ngày nay dưới mắt một người trong cuộc.

Tôi không muốn vạch áo cho người xem lưng, nhưng có những cảnh trái tai gai mắt trong đời sống SV mà ai là người trong cuộc mới hiểu nổi. Điển hình như chuyện những bữa cơm tình yêu trong… phòng ký túc xá! Yêu nhau, nấu cơm cho nhau ăn là chuyện bình thường, nhưng lại tận dụng cả phòng ký túc để làm nơi ăn uống theo kiểu “ngôi nhà hạnh phúc” thì không ai có thể chấp nhận được.

Chàng và nàng yêu nhau từ năm đầu tiên, tình yêu cứ lớn mãi đến tận bây giờ. Nàng phớt lờ mọi lời bàn ra tán vào, sáng chiều cần mẫn đi chợ, nấu cơm hầu chàng ngay tại phòng ký túc (nấu kín đáo nên bên quản lý không tóm được là đạt yêu cầu, còn bọn ở phòng thì mặc xác!). Cơm canh ngon ngọt đủ các món, ngày hai bữa trưa chiều đều đặn, đảm bảo đủ chất cho chàng đi làm (chàng học ba khóa trên, ra trường rồi nhưng vẫn ở trong ký túc xá).

Hình như không phải nấu để tiết kiệm mà để hâm nóng tình yêu? Tôi  đơn cử mấy món: món dưa nàng tự muối, thịt bò xào, đỗ xào, rồi hôm thì tôm rang… Có khi đi chợ rõ sớm, cả buổi sáng hì hục nấu nướng vất vả mà cuối cùng chàng gọi điện bảo: “Nay anh không ăn cơm nhà!” khiến nàng tức điên lên. Những lần chàng đi làm thất thường thì nàng chờ cơm hệt như các bà nội trợ chính hiệu, khi chàng về đến phòng nhà thì nàng nũng nịu hờn dỗi: “Anh làm em ăn uống cũng không điều độ theo anh!”.

Ừ, thì đây là chuyện hai người, chả liên quan đến ai. Nhưng có những hôm trưa rồi chàng mới đến dùng bữa, lúc cửa đóng kín và cả phòng đang ngon giấc. Ăn xong ngủ lại luôn đến chiều, “vợ chồng” cứ ríu ra ríu rít… ngủ làm toàn thể chị em trong phòng không tài nào an tâm nghỉ trưa được. Có lần phải nói khéo: “Anh ơi, phòng em đến giờ ngủ trưa rồi!” chàng mới miễn cưỡng về.

Những lần nhắc nhở giờ giấc anh người yêu của cô bạn cùng phòng cũng không phải chuyện dễ xơi; hôm nào nàng vui, lời nhắc nhở nhẹ nhàng thì coi như buổi tối êm đềm trôi đi; còn nếu hôm nào nàng cáu gì đấy, bạn bè lại lỡ lời, thiếu kiềm chế một chút là y như rằng chiến tranh phòng nổ ra. Đây không phải là chuyện quá lớn nhưng nếu chung cảnh cùng phòng như vậy thì không ai chịu nổi. Hơn nữa không ai cho nấu cơm ở ký túc xá bao giờ. Ấy thế mà nhiều đôi uyên ương SV vẫn thản nhiên trưng bày “ẩm thực tình yêu” ngay giữa ký túc xá, bất chấp tất cả quy định của ban quản lý lẫn ý kiến của bạn bè!

Hết chuyện cơm tình yêu thì đến chuyện nhổ tóc sâu cho bạn trai trong phòng. Đang lẩm nhẩm bài thì phía sau lưng tiếng nàng thỏ thẻ: “Có đau không anh?”, chàng ồm ồm đáp lại: “Tay em cứ như tay tiên ấy, anh buồn ngủ đây này!”. Tò mò quay lại thì cứ như phim Hàn: chàng gục mặt xuống đùi nàng… ngủ, còn nàng thì cúi xuống hôn tóc chàng! Cảnh tình tứ đó không mới nhưng cũng làm cho câu chuyện đời sống SV ký túc xá thêm phần phong phú. Khi cô bạn xinh xắn tầng trên chán nhổ tóc cho người yêu thì “đôi chim” rủ nhau lên thư viện… tâm sự. Chọn một góc rồi gác chân lên đùi nhau để ôn thi cuối kỳ. Trường kỹ thuật mà SV đâu kém lãng mạn và nhút nhát như mọi người vẫn nói.

Tối đến chỗ ghế ngồi ở nhiều khu ký túc xá chật cứng. Ở đây các cặp tình nhân đến sớm để giành chỗ trước. Không khí yêu hết sức khẩn trương, ai lo việc nấy, cật lực “lao động nghệ thuật” đến nỗi người nào còn cô đơn lớ ngớ “đá lạc đội hình” vào đây thì ngượng chín cả mặt! Đi sang trường bạn, ngó về trường mình thấy cũng chẳng khác nhau. Thấy tôi cằn nhằn chuyện thiên hạ, người bạn thân bảo: “Bà đừng để ý, bây giờ chuyện đó là rất bình thường. Bà cũng yêu đi thì biết!”.

Chẳng lẽ những chuyện tôi kể trên là văn hóa yêu của SV chúng tôi?

SV ở trọ yêu: khiếp!
Cái nhìn của một người ngoài cuộc với tình yêu của các cô cậu cử tương lai…
Từ khi một trường trung cấp được nâng lên thành trường ĐH thì các hộ dân xung quanh nhà tôi trở thành ông bà chủ nhà trọ. Kể từ đấy khu phố yên tĩnh của chúng tôi trở nên bát nháo, mất mỹ quan.
Mỗi chiều, đứa cháu chưa đầy hai tuổi của tôi rất thích được dắt tay đi dạo quanh xóm. Nhưng hiện nay tôi không dám vô tư nắm tay cháu mình tung tăng như trước bởi lẽ các cô cử, cậu cử tương lai cứ từng đôi một trong xóm đứng nựng má, vuốt tóc, mân mê cổ áo của nhau khiến tôi rùng mình ngỡ đang dẫn cháu vào… công viên chiều thứ bảy!
Khu phố tôi phần lớn là dân lao động phổ thông và buôn bán nhỏ nên rất cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc cật lực. Nhưng cứ gần 11 giờ đêm, vài ba phút từ khu nhà trọ của SV lại phát ra những giọng cười giòn tan, đôi lúc là tiếng ré kèm tiếng cười khoái trá của các cô SV. Vài người bực mình nhắc nhở, được vài đêm đâu lại vào đấy.
Từ khi có đội ngũ trí thức tương lai về sống cùng khu phố, chúng tôi được dịp mở rộng tầm mắt vì thủ thuật “thiên biến vạn hóa” của một số cô cử. Buổi trưa, một anh thấp lùn đưa từ trường về nhà. Buổi chiều, một anh cao gầy đến đón đi chơi. Đem chuyện kể với mấy người bạn thì được biết đó đang là… mốt yêu của một số SV!
Thú thật thiện cảm ban đầu với những SV xa xứ chăm chỉ học hành đã mất dần trong mắt người dân xóm tôi. Sau này, nếu gặp lại nhau trên phố hay nhìn thấy hình ảnh các em xuất hiện trước màn hình tivi, báo chí với học vị này nọ… làm sao chúng tôi – những người dân từng sống chung với các em – có thể trân trọng trước một nhân vật trí thức nhưng từng có lối sống “thoáng” như thế?
Phương Khanh (P.4, Q.Gò Vấp, TP. HCM)

Theo Hoàng Dinh (ĐH Bách khoa Hà Nội/Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)