Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âm nhạc thiếu nhi: Thiếu chiến lược phát triển bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Trong sự phát triển mạnh mẽ của nhiều thể loại âm nhạc, nhạc thiếu nhi luôn ở một vị trí khiêm tốn dù ai cũng biết ý nghĩa các sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi rất quan trọng, ở góc độ giải trí lẫn giáo dục. Thực tế hiện nay, việc tìm kiếm sáng tác mới và tổ chức biểu diễn âm nhạc thiếu nhi vẫn trong cảnh vừa thiếu vừa yếu.

Nhiều vấn đề tồn tại

Ở nhiều địa phương, khi lên ý tưởng xây dựng các chương trình văn nghệ cho thiếu nhi, người làm công tác tổ chức luôn “đau đầu” vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy ca khúc thiếu nhi nổi tiếng. Những sáng tác đã đi qua tuổi thơ của biết bao thế hệ, như Trái đất này là của chúng mình, Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Mẹ đi vắng, Bố là tất cả, Tạm biệt búp bê… Đó là những ca khúc hay, ý nghĩa, có ca từ, giai điệu đẹp, đậm chất văn thơ khiến trẻ dễ nghe, dễ cảm.

CLB dân ca của Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM), một mô hình hay về phổ biến âm nhạc đến thiếu nhi

Nhưng, ngoài những ca khúc quen thuộc này, quá khó để tìm kiếm những sáng tác thiếu nhi mới có chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, tạo được ấn tượng với người nghe. Các chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn dành cho thiếu nhi vì thế giảm đi ít nhiều sự độc đáo, ít thu hút trẻ em tham gia như trước.

Bên cạnh đó, sân khấu ca nhạc thiếu nhi đang thiếu vắng. Hoạt động biểu diễn ở các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi thì thưa thớt, nếu có cũng không mấy hấp dẫn do thiếu kinh phí đầu tư thực hiện. Trên sóng truyền hình, phát thanh, những năm qua thiếu hẳn những chương trình ca múa nhạc thiếu nhi được đầu tư quy mô. Tuy có xuất hiện một số chương trình gameshow dành cho thiếu nhi nhưng đa số các em thể hiện tác phẩm âm nhạc người lớn.

Cần chiến lược phát triển bền vững

Trên thực tế, việc đầu tư sáng tác và biểu diễn cho thiếu nhi nhiều năm qua có duy trì nhưng khó đáp ứng nhu cầu thực tế. Nổi bật nhất có thể kể đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, đến nay đã có ít nhất 300 sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi được công nhận bởi Cục Bản quyền tác giả. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Thực ra ban đầu tôi chủ ý sáng tác nhạc dành riêng cho con gái, sau đó tôi đổi ý khi thấy có quá ít nhạc mới cho thiếu nhi. Tôi dành 7 năm tập trung sáng tác các ca khúc thiếu nhi với mong muốn có thêm nhiều bài hát cho các em, những thế hệ mầm non tương lai. Trong từng ca khúc, tôi lồng ghép vào đó những điều tốt đẹp, giá trị thiêng liêng từ cuộc sống, gia đình”.

Hơn 10 năm qua, Hội Âm nhạc TPHCM đã kêu gọi hội viên tập trung sáng tác ca khúc cho thiếu nhi và tuổi hồng. Hàng năm, hội lựa chọn đầu tư cho các tác giả, trao giải thưởng cho bài hát hay dành cho thiếu nhi trong các sáng tác mới. Bên cạnh đó, kênh YouTube của Hội Âm nhạc TPHCM được xem như là một thư viện âm nhạc thiếu nhi phục vụ miễn phí cho các trường học, nhà thiếu nhi với hơn 500 ca khúc thiếu nhi mới, đã qua xét duyệt của hội đồng nghệ thuật, ban giám khảo giải thưởng âm nhạc hàng năm.

NS Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, tâm tư: “Hội Âm nhạc có sẵn lực lượng chuyên nghiệp sáng tác, thực hiện dàn dựng, thu hình hoàn chỉnh sản phẩm âm nhạc thiếu nhi để có thể đóng góp và phục vụ nhu cầu nhạc thiếu nhi. Tuy nhiên, chỉ có hội làm thôi thì sức lan tỏa không thể sâu rộng nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp từ các đơn vị như Ban Thiếu nhi Thành đoàn TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM… để các sáng tác mới có thể tiếp cận, lan tỏa đến cơ sở, các em thiếu nhi nhiều hơn”.

NS Nguyễn Quang Vinh cũng mong muốn các ngành chức năng TPHCM sớm có cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể mang tính dài hơi để phát huy tiềm lực hoạt động âm nhạc thiếu nhi trong xã hội. Chẳng hạn, trường học là môi trường thuận lợi để giáo dục âm nhạc nhưng đến nay hầu như các hoạt động tuyên truyền, phổ biến âm nhạc ở các trường chưa đúng cách và chưa đủ.

Trong đời sống tinh thần của thiếu nhi, thời điểm nào, xã hội nào, âm nhạc luôn giữ vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức của các em. Nhiều năm qua, âm nhạc thiếu nhi hoạt động khá chông chênh, chưa được sự quan tâm đúng mức. Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022 vừa được tổ chức tại Bắc Ninh, các vấn đề lớn để phát triển ngành văn hóa như thể chế, chính sách và nguồn lực đã được nhấn mạnh. Đó là những vấn đề quan trọng nhất hiện nay để có sự phát triển bền vững cho nghệ thuật sáng tác, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi. Từ đó giúp lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa, nghệ thuật và tinh thần đến khán giả nhỏ tuổi – khán giả tương lai của âm nhạc và nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác.

Theo Thúy Bình/SGGPO

 

 

Bình luận (0)