Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lại tranh chấp bản quyền ca khúc: Đâu là vấn đề của chúng ta?

Tạp Chí Giáo Dục

Xôn xao bản quyền giữa Xesi – tác giả ca khúc Túy âm và Ngọc Mai – ca sĩ thể hiện bài hát này trong một số chương trình vừa lắng xuống thì ồn ào quyền tác giả Tết đong đầy giữa Kay Trần và Nguyễn Khoa lại nổi lên…

Tết thôi… đong đầy vì lùm xùm dọa kiện

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền ca khúc nói riêng vốn dĩ khá phức tạp, vì liên quan và chồng chéo đến nhiều hình thức sở hữu. Ban đầu tác phẩm được viết ra thì nó thuộc sở hữu của tác giả. Khi ca khúc phổ biến rộng rãi qua giọng hát và bản ghi âm của ca sĩ thì phát sinh các quyền liên quan, rồi trong bản ghi âm nếu có thêm phần rap và phần lời rap này nếu không do nhạc sĩ chủ sở hữu sáng tác mà do rapper khác viết lại phát sinh phần đồng tác giả trong sản phẩm này. Việc ca khúc phổ biến, được yêu mến còn đi kèm với các nguồn thu lớn đến từ quyền liên quan nên thường dễ xảy ra tranh chấp.

Lại tranh chấp bản quyền ca khúc: Đâu là vấn đề của chúng ta? - ảnh 1

Tết thôi đong đầy vì ồn ào dọa kiện. T.L

Có thể ví dụ cho trường hợp này là việc tranh chấp bản quyền Tết đong đầy, Chuyện tình tôi (ra mắt từ 3 năm trước) của Kay Trần (người viết và thể hiện phần rap) và nhạc sĩ đồng sáng tác tác phẩm Nguyễn Khoa (viết nhạc và lời ca khúc). Mới đây, Warner Music Vietnam – với vai trò là hãng đĩa của Kay Trần thông tin rằng, thời gian qua, phía Nguyễn Khoa đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ khi tự ý kinh doanh bản ghi và sử dụng hình ảnh nghệ sĩ Kay Trần với mục đích thương mại. Công ty quản lý của Kay Trần (777 Entertainment) liên hệ với Nguyễn Khoa để trao đổi vấn đề bản quyền Tết đong đầy nhằm giải quyết theo hướng ôn hòa và đúng với luật pháp nhưng phía Nguyễn Khoa từ chối…

Trong khi đó, theo Nguyễn Khoa, 2 ca khúc Tết đong đầy và Chuyện tình tôi do anh sáng tác, Kay Trần chỉ góp vào 8 câu rap cho mỗi bài. Kay Trần sau đó có đề nghị mua lại 2 bài này nhưng Khoa không đồng ý. “Lùm xùm chỉ xảy ra khi mình lấy lại bản quyền Tết đong đầy, Chuyện tình tôi up lên nền tảng nhạc quốc tế, Kay muốn phối lại và up lên kênh cá nhân của Kay. Mình không đồng ý… Còn về phần Kay vẫn ung dung mang bài đi diễn mọi nơi và mình cũng không nhận được gì, mình vẫn không đụng gì đến, vì không muốn tính toán với anh em…”, Nguyễn Khoa cho biết.

Chuyện không vui cuối cùng đã đến! Anh nói tiếp: “Để hợp lý, mình bỏ 8 câu rap của Kay ra và làm lại bản mới hoàn toàn vì tất cả giai điệu và lời là của mình. Nhưng chính vì động thái đòi kiện tụng, thiếu tôn trọng, giờ đây mình không cho Kay mang 2 bài đi diễn và thương mại hóa dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trong lúc chờ vụ việc được luật sư giải quyết thì xuân này Tết đong đầy cũng mất đi ít nhiều ý nghĩa…

Lại tranh chấp bản quyền ca khúc: Đâu là vấn đề của chúng ta? - ảnh 2

"Túy âm" là một trong những bài hit của O Sen – Ngọc Mai trong Ca sĩ mặt nạ. V.C

Trang bị kiến thức để bảo vệ mình

Một số nhạc sĩ cho biết, khi một ca khúc được ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), nếu có từ 2 tác giả cùng sáng tác trở lên, VCPMC có chia rõ quyền lợi khai thác từng phần của các bên liên quan. Như trường hợp của Khoa Nguyễn và Kay Trần, theo Nguyễn Hồng Thuận, nên xử lý như trên để tránh việc xáo trộn tác phẩm đã lưu hành.

Với trường hợp của ca khúc Túy âm, Xesi “tố” Ngọc Mai hát mà không xin phép tác giả, trong khi Ngọc Mai cho biết nhà tổ chức những chương trình cô tham gia đã làm việc về tác quyền với VCPMC – nơi Túy âm được ký ủy quyền. Là người tham gia sản xuất cho nhiều chương trình ca nhạc lẫn game show, Nguyễn Hồng Thuận cho biết quy trình khi bắt đầu biên tập thì khâu đầu tiên luôn là kiểm tra quyền sử dụng bài hát, có thể qua VCPMC ký mua trực tiếp với tác giả.

Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng chia sẻ rằng tác giả thường ủy quyền khai thác tác phẩm của mình cho một trung tâm khai thác dịch vụ bản quyền. Trung tâm này sau khi tổng hợp các dữ liệu sẽ gửi lại tác quyền cho tác giả, thường là trong khoảng thời gian 3 tháng sau đó. Trừ khi bài hát không được tác giả ủy quyền cho bất kỳ trung tâm nào thì nhà tổ chức sẽ phải trực tiếp liên hệ và xin phép tác giả.

“Chỉ khi nào người thể hiện tác phẩm mà chưa thông qua đơn vị được ủy quyền (cũng như tác giả), khi đó chúng ta sẽ dùng đến luật để bảo vệ quyền tác giả, được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. Bởi không thể mỗi chương trình có hàng chục hàng trăm ca khúc theo mùa lại phải đi tìm gõ cửa hàng trăm nhạc sĩ để xin hay mua trực tiếp được”, Nguyễn Hồng Thuận nói và thông tin thêm: “Trừ khi các bạn cố tình “tạo scandal” vì mục đích khác… Bởi từng có nhiều lần cả nhạc sĩ và ca sĩ cố tình tạo ra các tình huống tranh chấp ồn ào để hướng dư luận chú ý vào sản phẩm của mình”.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam), “Các tranh chấp về quyền đối với các tác phẩm âm nhạc đang phát sinh và được xã hội, đặc biệt là nghệ sĩ và những người nghe nhạc quan tâm, chú ý. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ tại VN đang được nâng cao. Trong đó, tác giả, người biểu diễn tự ý thức được quyền của mình, khán giả cũng ý thức được rằng cần bảo vệ cho người có quyền”.

Chủ động chứng minh quyền tác giả và quyền liên quan

Dù quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ tự động ngay khi tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình được định hình, nhưng bằng việc lưu giữ các bằng chứng hoặc đăng ký chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả, các nghệ sĩ có thể chủ động và đơn giản hóa việc chứng minh quyền của mình trong trường hợp phát sinh các tranh chấp liên quan.

Luật sư Phan Vũ Tuấn

Tuy nhiên, theo anh, những tranh chấp phát sinh cũng cho thấy hai thực trạng phổ biến ở nước ta hiện nay: Thứ nhất, dù người sáng tác, người biểu diễn biết rằng mình có quyền nhưng lại chưa nắm rõ phạm vi quyền của mình hoặc các vấn đề pháp lý phát sinh khi thực hiện quyền của mình, theo đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Thứ hai, những người có nhu cầu khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm, hay quyền liên quan đối với bản ghi âm ghi hình… chưa xác định được các quyền cần phải xin phép và chưa xác định được (những) người có quyền cấp phép.

Luật sư Tuấn cho rằng, về phía nghệ sĩ, là người có quyền, cách tốt nhất để tự bảo vệ là nắm rõ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình: “Nghệ sĩ có thể tìm đến những người có chuyên môn về sở hữu trí tuệ để nhận tư vấn về phạm vi và giới hạn các quyền của mình, nếu có thể thì nên thực hiện ngay sau khi định hình tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình”.

Theo Nguyên Vân/TNO

 

Bình luận (0)