Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng thời gian gần đây tình trạng học sinh đánh nhau tăng cả về số vụ lẫn tính chất côn đồ. Hậu quả của các vụ bạo lực học đường không chỉ đơn giản là những vết bầm trên thân thể các nạn nhân mà còn là nỗi ám ảnh đeo đẳng suốt thời gian dài…
Bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng (ảnh cắt từ clip học sinh đưa lên mạng)
Đủ lý do để bạo hành… bạn
Mới đây, ngày 11-3, tại địa bàn thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra một vụ đánh nhau. Theo đó, một nhóm học sinh tát liên tiếp vào mặt, dùng thanh gỗ, mũ bảo hiểm đánh vào đầu và lưng của một học sinh khác. Học sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu chịu trận, liên tục xin lỗi chứ không dám phản kháng hay bỏ chạy. Học sinh bị đánh là Đ.T.T – đang học lớp 9 tại Trường Dân tộc nội trú huyện Minh Hóa.
Cũng trong ngày 11-3, tại thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, L.T.H.Đ – học sinh lớp 6A1 Trường THCS Tân Phú đã bị bạn học đánh hội đồng.
Trước khi xảy ra vụ việc, Đ. và N.T.N (học sinh lớp 6A5 Trường THCS Tân Phú nhưng mới bỏ học) có nói xấu nhau trên mạng xã hội Facebook. 14 giờ ngày 11-3, Đ. và N. hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn. Đ. đi một mình, còn N. gọi thêm 5 học sinh khác của Trường THCS Tân Phú và Trường THCS Tân Lập đi cùng. Vừa gặp mặt, Đ. và N. đã lao vào đánh nhau. Thấy N. yếu thế hơn nên các học sinh khác đã xông vào túm tóc, đá, đánh vào đầu Đ. Học sinh Đ. được gia đình đưa đến Bệnh viện ở TP.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) kiểm tra. Theo chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ, Đ. bị tổn thương nông cẳng tay, cổ tay, bàn tay và đầu gối.
Trước đó, ngày 5-2, 2 nữ sinh lớp 7 và 1 nữ sinh lớp 8 của Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đã hẹn 1 nữ sinh Trường THCS Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) ra đê biển thuộc địa phận xã Quỳnh Nghĩa để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, 2 trong số 3 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Phương đã lột áo, túm tóc, dùng chân đạp liên tiếp vào người, đầu và mặt của nữ sinh Trường THCS Tiến Thủy dù nữ sinh này khóc lóc và xin tha. Nguyên nhân dẫn tới sự việc này là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Điểm chung của 3 vụ bạo lực học đường nói trên và hàng trăm vụ bạo lực học đường diễn ra thời gian qua là nhà trường, gia đình chỉ biết đến sự việc khi clip học sinh đánh nhau được tung lên mạng xã hội.
Trẻ con đánh nhau, không phải chuyện nhỏ
Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, của nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra.
“Bạo lực học đường có thể gây những tổn thương lâu dài về tinh thần của trẻ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự tử của trẻ. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các điều tra gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường. Điều đáng lo ngại hiện nay là bạo lực học đường xảy ra không chỉ ở các học sinh nam mà thực tế lại có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng. Lý do có thể rất vu vơ như “nhìn đểu”, bạn mới đến học, bạn học giỏi nhưng không giúp đỡ bạn khác làm bài…”, TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương – chia sẻ.
Cũng theo BS Vinh, việc phòng chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội; là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là gia đình và nhà trường.
Bị bạn đánh, một nữ sinh có ý định tự tử Mới đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một nữ sinh THCS có ý định tự tử do bạo lực học đường. Theo các bác sĩ, nữ sinh này có tính cách hòa đồng, học lực khá và trước đây không có biểu hiện bất thường tâm lý. Tuy nhiên, sự việc xảy ra khi có một nhóm bạn cùng lớp cho rằng trẻ có nói xấu các bạn. Vì thế, trẻ bị các bạn đánh nhiều lần cả trong và ngoài nhà trường. Trẻ bị các bạn túm tóc, tát, đấm vào bụng, ngực và lưng, dùng chổi, ghế đánh vào người. Trẻ nhập viện Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán, sợ hãi khi nghĩ lại cảnh bị bạn bè đánh đập. Trẻ lo sợ việc tiếp tục đi học sẽ bị bạn bè ở lớp đánh đập và từng có ý định tự tử. Tại bệnh viện, suốt ngày trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và chuyên gia tâm lý đánh giá trẻ bị sang chấn tinh thần nặng nề. “Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Trẻ cảm thấy khỏe và vui vẻ hơn, hòa đồng với các bạn trong phòng và với mọi người. Ngoài ra, trẻ cũng ăn, ngủ tốt hơn và được ra viện sau đó. Mặc dù trẻ đã được ra viện, nhưng các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với trẻ, đặc biệt khi trẻ đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn thì hậu quả sẽ khó lường…”, TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương – nói.
|
Trong gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề xung quanh trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ bạo lực trong trường học.
Đối với học sinh, các em cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, chấp hành tốt nội quy trường học, tránh xa bạo lực học đường, nói không với bạo lực và học cách kiềm chế cảm xúc….
Đối với nhà trường, môi trường học tập tích cực, thân thiện bên cạnh sự đồng hành của giáo viên là yếu tố cần thiết giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh.
Về phía giáo viên cần chú ý không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp và cần phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học. Bên cạnh đó, thầy cô giáo phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.
Ngọc Hà
Bình luận (0)