Hội nhậpThế giới 24h

Khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân ở khu vực

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hạt nhân ở khu vực, bao gồm Biển Đông, có thể khiến thay đổi cán cân quân sự tại khu vực.

Vừa qua, Reuters đăng tải phân tích dẫn lại một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân.

Theo đó, Bắc Kinh thường xuyên duy trì ít nhất một tàu ngầm hạt nhân ở khu vực Biển Đông. Loại tàu này được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 có thể chứa đầu đạn hạt nhân và đủ sức bắn đến Mỹ, theo như thông tin do tướng Anthony Cotton, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, đưa ra tại một phiên điều trần ở quốc hội nước này vào tháng 3 vừa qua. Trước đây, giới quân sự Mỹ dự báo Trung Quốc chờ đến khi tàu ngầm hạt nhân loại Type 096 được biên chế thì mới triển khai JL-3 cho tàu này. Tuy nhiên, đến nay, Bắc Kinh đã đưa JL-3 vào loại tàu ngầm hạt nhân hiện hữu có thể phóng tên lửa đạn đạo.

Khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân ở khu vực  - Ảnh 1.

Các tàu ngầm hạt nhân Type 094 của Trung Quốc trong một lần ở Biển Đông vào tháng 4.2018. Reuters

Gia tăng nhanh về số đầu đạn hạt nhân chiến lược

Trả lời Thanh Niên ngày 7.4, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Theo báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang gia tăng đầu đạn hạt nhân với mục tiêu đạt số lượng 1.000 vào năm 2030 và 1.500 vào năm 2035".

"Mặc dù cả Mỹ và Nga đều có gần 5.000 – 6.000 đầu đạn hạt nhân, nhưng số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược cũng chỉ gần 1.500. Vì thế, nếu Trung Quốc tăng cường kho vũ khí có 1.500 đầu đạn hạt nhân chiến lược, thì sẽ ngang bằng với Mỹ và Nga. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga gần đây không ngừng tăng cường hợp tác. Giữa bối cảnh như vậy, số lượng đầu đạn hạt nhân ngày càng tăng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ", TS Nagao chỉ ra.

Theo ông, khi Bắc Kinh có đủ số lượng vũ khí hạt nhân để đe dọa Washington, Mỹ sẽ ngần ngại hỗ trợ các nước xung quanh Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng sẽ phân vân trong việc thể hiện lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc, vì lo ngại Mỹ và các nước cùng chí hướng khác sẽ không hỗ trợ đủ.

"Không những vậy, khi có lợi thế về cân bằng hạt nhân, Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ bằng cách sử dụng biện pháp leo thang chiến tranh hạt nhân. Những tháng qua, sau khi tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Nga cũng từng nhiều lần đề cập về vũ khí hạt nhân và thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus. Vì thế, nếu xung đột với bên nào trong khu vực thì Bắc Kinh cũng có thể dùng biện pháp răn đe tương tự để khiến các bên khác ngần ngại can thiệp", TS Nagao đánh giá.

Rủi ro cho khu vực

Ông Nagao phân tích thêm: "Để vận hành vũ khí hạt nhân, Trung Quốc cần những cơ sở phù hợp. Ở đất liền, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xây dựng các silo chứa vũ khí hạt nhân. Kèm theo đó, Trung Quốc cũng đã tập trung vào khu vực trên biển, cụ thể hơn là các khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan (thường được gọi chung là khu vực chuỗi đảo thứ nhất). Đặc biệt, động thái gần đây cho thấy Trung Quốc đang tập trung vào Biển Đông khi phát triển căn cứ ngầm cho tàu ngầm trú ẩn ở Hải Nam. Trung Quốc đang tăng cường các loại tên lửa đạn đạo JL-3 có thể được khai hỏa từ tàu ngầm hạt nhân, và khi tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông thì tên lửa này đủ sức bắn đến các hạ tầng của Mỹ".

Bắc Kinh gia tăng áp lực ở eo biển Đài Loan

Cơ quan Phòng vệ Đài Loan hôm qua (7.4) khẳng định 3 tàu chiến Trung Quốc đại lục đã vào vùng biển xung quanh hòn đảo này cùng ngày, trong khi một chiến đấu cơ và một trực thăng chống tàu ngầm bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, theo AFP. Trung Quốc tiếp tục có động thái quân sự sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tiếp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở bang California ngày 5.4.

Trước đó, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan sáng 6.4 thông báo đã phát hiện 3 tàu chiến Trung Quốc vào vùng biển xung quanh Đài Loan, trong khi một trực thăng chống tàu ngầm bay vào ADIZ trên. Trưởng Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính còn nói rằng tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc và tàu sân bay Mỹ USS Nimitz hiện diện cách bờ biển phía đông Đài Loan lần lượt hơn 370 và 740 km, theo Reuters.

Trước tình trạng trên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6.4 yêu cầu Bắc Kinh "ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và thay vào đó tham gia hoạt động ngoại giao có ý nghĩa", theo AFP. Ngoài ra, phát biểu tại Viện Lập pháp Đài Loan hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul tuyên bố ông đang làm mọi thứ có thể để đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Đài Bắc.

Văn Khoa

Để thiết lập khả năng răn đe, theo TS Nagao, Bắc Kinh cần đảm bảo rằng các tàu ngầm Trung Quốc không bị tàu chiến, máy bay hoặc phương tiện trinh sát của nước khác phát hiện. Vì thế, Bắc Kinh sẽ tăng cường hạn chế tàu chiến các nước tiếp cận Biển Đông. Bắc Kinh phát triển các đảo nhân tạo để qua đó triển khai tên lửa, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và tàu chiến để chống tàu và máy bay nước khác tiếp cận, phát hiện tàu ngầm Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa hoàn thành kế hoạch vì chưa xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough. Thiếu Scarborough, cụm đảo Hải Nam cùng các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng trái phép) tạo thành một đường thẳng chứ không phải một khu vực như tam giác để tàu ngầm ẩn náu.

"Nếu Bắc Kinh hoàn thiện được khả năng răn đe hạt nhân ở Biển Đông, thì sẽ làm thay đổi cán cân quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc ở khu vực này", TS Nagao nhận định.

Theo Hoàng Đình/TNO

 

Bình luận (0)