BS đang phẫu thuật cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Ảnh: Đ.T.H
|
Không thua gì tai nạn xảy ra ban ngày, những vụ tai nạn giao thông về đêm gây thương tích và cả chết người do chấn thương sọ não đã trở thành nỗi đau chung của toàn xã hội.
Những cái chết trẻ
Sau buổi chiều dựng rạp đám cưới, nhóm cựu học sinh Trường THPT TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp gần chục thành viên ở lại tham gia tiệc cháo khuya. Hầu hết nhà ở xa nên cả nhóm quyết định ngủ lại ngay trong rạp cưới vừa dựng bằng lá dừa. Mới buông chén, Hồ Xuân V. – một thành viên trong nhóm có cú điện thoại của bố gọi về nhà ngủ. Tuy lúc này đã hơn 12 giờ nhưng do nhà ở ngay khu tập thể Bệnh viện Hữu Nghị nên V. (hiện là sinh viên Khoa Kế toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) từ giã bạn bè dắt xe máy ra về. Vừa mới tăng ga ra ngã tư đầu đường Nguyễn Văn Tre, P.1, TP.Cao Lãnh, nghe tiếng xe máy chạy từ hướng dưới cầu Tân Mỹ ngược lên nên V. cố gắng chạy sang bên kia đường. Tuy nhiên, chiếc xe máy do Lê Văn T. chạy quá nhanh, khi thấy người băng qua đường trong đêm tối nên loạng quạng mất tay lái và đâm thẳng vào xe của V. Cả hai bị thương nặng nên được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện cách đó gần 1km. Sau khi chụp CT đầu, BS ca trực khẳng định V. bị chấn thương sọ não nặng, ngay trong đêm, V. cấp tốc được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Mặc dù bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch nhưng với tinh thần “còn nước còn tát”, các BS ở Khoa Chấn thương sọ não quyết định phẫu thuật để giành lại mạng sống. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, V. đã trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện.
Còn cái chết của Trần Huy P. (sinh viên năm 3 Trường Trung cấp Y tế Nghệ An) xảy ra lúc 21 giờ. Khi đó, P. và người bạn học cùng lớp chạy xe máy về nhà ở Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Sau một tiếng đồng hồ, chiếc xe gần đến Bãi Vọt (TX.Hồng Lĩnh) đâm thẳng vào cột điện ngay bên đường. Hậu quả là cậu sinh viên 20 tuổi chết ngay tại chỗ vì chấn thương sọ não, còn người bạn ngồi sau bị gãy cánh tay.
Đâu là thủ phạm?
Đa phần mọi người đều nghĩ rằng, khi về đêm số lượng người tham gia giao thông giảm không còn đông như vào giờ cao điểm ban ngày. Đường vắng, người thưa nên ai cũng có “quyền” tăng tốc độ như trường hợp của Lê Văn T. ở Đồng Tháp. Điều đau khổ nhất là không chỉ mang họa cho bản thân mà họ còn lấy đi sinh mạng của người khác. Dù đã bồi thường cho gia đình nạn nhân một ít tiền nhưng mẹ của T. vẫn thật sự bứt rứt và khổ đau khi nhìn thấy cái chết của V. do chính con trai mình gây ra. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông, có khoảng 60-70% người uống rượu trong tổng số người tử vong vì tai nạn giao thông. Nếu trước khi lên xe, Trần Huy P. và người bạn không ngồi lai rai ở quán cháo lươn thì tai nạn kinh hoàng trong đêm đó chắc chắn không bao giờ xảy ra.
Cái chết được báo trước của những sinh viên trẻ không chỉ thiệt hại cho cuộc đời mình mà còn đem lại bao nỗi đau đớn đối với người thân đang còn sống. Ra đi lúc đầu xanh tuổi trẻ, P. và V. đã bỏ dở con đường học tập của mình trên giảng đường khi đích cuối đã gần trước mặt. Trong dòng người đưa tiễn người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng, sau sự đau đớn tột cùng của gia đình, người thân là niềm tiếc nuối, xót xa của thầy cô và bạn bè. Anh Trần Hồng Th. và Nguyễn Đình G. (quê Hà Tĩnh) tuy không uống bia rượu lúc lái xe nhưng cũng bị tai nạn giao thông lúc nửa đêm do đập đầu vào những chiếc xe tải, xe ben đậu bên đường, gây chấn thương sọ não. Vợ con của hai người đàn ông đang độ tuổi “tam thập nhi lập” thật sự bàng hoàng khi gặp cú sốc quá lớn trong cuộc đời. Cơn ác mộng không biết từ nơi đâu đã thật sự hiện hữu trong căn nhà vốn tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười. Nếu những chiếc xe bốn bánh đậu ở bên đường bật đèn xi-nhan như quy định thì chắc chắn sẽ hạn chế được nguy hiểm chết người từ tai nạn do người khác gây ra. Đây vừa là bài học vừa là lời cảnh báo các bác tài cần phải thận trọng khi thực hiện các quy định về biển báo Luật Giao thông.
Nguyễn Hoàng Anh
Nhanh chóng đưa người chấn thương sọ não đến bệnh viện
Theo BS. Trần Minh Vinh – Khoa Chấn thương sọ não – Bệnh viện Chợ Rẫy thì: “Chấn thương sọ não là tình trạng bệnh nhân bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu tạo khác bên trong hộp sọ. Đây là loại tai nạn phổ biến ở các quốc gia do phương tiện giao thông kém chất lượng, đặc biệt là do ý thức tự giác chưa cao của người tham gia giao thông. Bình thường người tham gia giao thông đi lại chủ yếu vào ban ngày nên tai nạn giao thông ít xảy ra hơn, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số vụ tai nạn. Thế nhưng, vào thời gian cao điểm như lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần thì tỷ lệ người đưa vào bệnh viện cấp cứu lại tăng lên rõ rệt do lượng người đi lại đông hơn và đặc biệt là những người trước đó đã có uống bia rượu. Các chuyến xe tải đường dài, xe khách tốc hành chạy liên tục cũng thường gây ra tai nạn giao thông về đêm nhiều hơn.
Như vậy muốn hạn chế tai nạn ban đêm trước hết phải có một cơ sở hạ tầng tốt, phương tiện giao thông như đường sắt, đường bộ, đường biển phải đảm bảo chất lượng. Quan trọng nhất là luôn nâng cao trình độ nhận thức và ý thức tự giác của người dân. Thực hiện tốt Luật Giao thông, không phóng nhanh vượt ẩu, nên đội mũ bảo hiểm có chất lượng để hạn chế chấn thương sọ não cho người bị nạn. Khi bị chấn thương sọ não kín người bệnh có triệu chứng lơ mơ, mở nhắm mắt, co giật, nôn vọt liên tục. Còn nếu đã bị lòi sọ thì phải kịp thời đắp gạc ướt, băng rẽ quạt. Tuyệt đối không được nhét não trở lại vào trong. Nhanh chóng đưa người bệnh đến nơi cấp cứu gần nhất để chụp CT trước khi quyết định giải phẫu”.
|
Bình luận (0)