Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xáo tam phân có phải là “thần dược”?

Tạp Chí Giáo Dục

Xáo tam phân khô
Đến các nhà thuốc y học dân tộc cổ truyền hỏi mua rễ cây xáo tam phân không phải nơi nào cũng có mặc dù giá không rẻ. Lý do đơn giản là hiện có rất nhiều người đang đổ xô đi mua loại cây “thần dược” này theo lời đồn để chữa bách bệnh, trong đó có các căn bệnh nan y như viêm gan, ung thư…
Nhân có người bạn ở Phú Yên về quê, anh Phạm Tấn H. (nhà ở cư xá Bắc Hải, Q.10, TP.HCM) nhờ mua 1 cân xáo tam phân để làm thuốc chữa bệnh ung thư vòm họng cho bà xã là một giáo viên đang dạy tại Q.Bình Thạnh. Tuy nhiên, sau 2 tuần quay trở lại TP.HCM, người bạn đành phải trả lại tiền cho anh H. vì không tìm mua được loại cây xáo tam phân như mong muốn của gia đình.
Tìm mua “thần dược”
Anh H. kể: “Theo lời người bạn, ở Phú Yên có xáo tam phân nhưng do không phân biệt được thật giả nên không dám mua”. Đó cũng là điều băn khoăn của chị Lê Thị Tùng (nhà ở KP.7 đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp) khi tìm mua cây xáo tam phân. Chị Tùng cho biết: “Lúc đầu tôi cũng nhờ nhiều người quen tìm mua nhưng không có. Sau đó tôi nhờ chồng đến đường Hải Thượng Lãn Ông, P.10, Q.5 hỏi một số nhà thuốc y học dân tộc cổ truyền thì có nơi bán nơi không”. Mua được 2 ký rễ xáo tam phân tại nhà thuốc y học dân tộc cổ truyền Thu Hà giá 1,4 triệu đồng, dù có hơi cao nhưng chị Tùng cũng cảm thấy yên lòng khi làm tròn trách nhiệm của người em gái đối với người chị đang gặp bệnh nan y. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người chưa biết “mặt mũi” cây xáo tam phân như thế nào nhưng đều khẳng định đây là một loại “thần dược” có khả năng chữa được các căn bệnh nan y.
Theo dân gian và cách gọi của một số địa phương, xáo tam phân còn có tên là cây rễ lạ, cây rễ mọi, cây thần xạ hay cây thần dược. Nhìn bề ngoài xáo tam phân là cây gỗ nhỏ, vỏ có màu vàng, thân và cành có nhiều gai nhọn. Đây là đặc điểm dễ nhận dạng so với các loại cây khác khi đang còn tươi hoặc chưa chế biến. Rễ cây cũng có màu vàng nhưng đậm hơn nhiều. Do chứa thành phần tinh dầu nên xáo tam phân có mùi thơm dễ chịu, nhất là các chùm rễ. Theo TS. Phan Quốc Kinh – Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam thì về phân loại, xáo tam phân thuộc họ Cam (Rutaceae) có tên khoa học là Paramignya trimera. Trong cây có các thành phần như: Flavonoid, saponin, alcaloid và chủ yếu là coumarin và triterpenoid.

Cây giống xáo tam phân đang “sốt” hàng trên thị trường
Chúng tôi đã tìm đến cửa hàng dược liệu G.L trên đường Lạc Long Quân, P.5, Q.11 để hỏi mua 5 ký xáo tam phân. Theo quảng cáo của cửa hàng, xáo tam phân có nhiều công dụng chữa các loại bệnh ung thư gan, phổi, buồng trứng, đại tràng, tử cung… Chủ cửa hàng còn cho khách biết cách phân biệt xáo tam phân thật – giả để tránh mua lầm như: “Nếu mặt cắt của vỏ và rễ có màu vàng trắng mà không có vòng màu đen mới là hàng thật. Muốn biết chính xác phải ngâm rễ cây vào nước khoảng 20 phút, nếu phần lát cắt có màu nâu đen giống như màu sôcôla thì đó là xáo tam phân giả”.
Đừng quá tin tưởng
Theo anh L., 1 ký rễ khô xáo tam phân giá 1,8 triệu đồng nhưng hiện nay đã hết hàng, muốn mua chỉ có loại rễ tươi nhưng giá cũng 1 triệu đồng. Cửa hàng vừa mới về 1/2 tạ đang phơi khô, nếu muốn lấy hàng phải đợi sau một tuần nữa. Anh L. cho biết thêm, hàng hiện nay chủ yếu lấy từ Nha Trang chứ ở Phú Yên không còn nữa. Nếu không mua nhanh giá sẽ đẩy lên nữa vì càng ngày cây càng hết do bị khai thác nhiều.
Năm 2012, Viện Dược liệu đã có một số kết quả ban đầu về nghiên cứu cây xáo tam phân mà chủ yếu dựa trên thí nghiệm động vật (chuột nhắt). Như vậy, theo TS. Kinh, đây chỉ là những kết quả mang tính thử nghiệm chưa hề khẳng định tác dụng của nó trên cơ thể con người. Theo kết luận đó, hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện độc tính đặc hiệu của cây xáo tam phân. Tính an toàn của việc sử dụng cây xáo tam phân chỉ được khẳng định khi nào làm rõ các độc tính có trong thành phần cây. Vì thế, người dân cần phải sáng suốt và bình tĩnh tìm hiểu thật kỹ thông tin chứ đừng nghe lời đồn đại từ người này sang người khác trước khi quyết định tìm mua xáo tam phân để chữa bệnh. Cũng không nên quá tin tưởng vào lời quảng cáo của các nhà thuốc đang kinh doanh loại cây này. Sự tư vấn và tham khảo ý kiến từ những nhà chuyên môn, các thầy thuốc có kinh nghiệm sẽ không bao giờ thừa.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Cần phải có thời gian thử nghiệm lại
Để hiểu rõ hơn về công dụng của loại cây này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Văn Lệ – Trưởng bộ môn công nghệ sinh học thực vật & chuyển hóa sinh học – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
PV: Thưa TS, ông có thể cho biết đặc tính cây xáo tam phân về mặt khoa học?
Do chưa có nhiều tài liệu khảo sát về cây xáo tam phân nên hiện nay người ta chỉ biết một số thông tin về cây xáo tam phân như sau: Qua tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi và sách Cây cỏ Việt Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ, xáo tam phân có tên khoa học là Paramignya trimera, thuộc họ Cam (Rutaceae).
TS có thể cho biết một cách cụ thể hơn về hình dạng các bộ phận cây, lá, rễ, thân của loại cây này?
Xáo tam phân là một loài cây gỗ nhỏ, dạng dây leo, vỏ màu nâu vàng, thân dài trên 5m, đường kính khoảng từ 8-12cm. Thân và cành có nhiều gai nhọn; lá đơn, mép cong xuống dưới, có hình thuôn hẹp; phiến lá dày có mặt trên xanh đậm, mặt dưới nhạt; phần gỗ của thân hơi cứng, màu vàng; phần gỗ của rễ màu đậm hơn. Các bộ phận của cây đều có tinh dầu, nhiều nhất ở rễ, mùi thơm dịu. Hiện nay, bộ phận rễ cây xáo tam phân được dùng làm nguyên liệu là thuốc chữa trị các bệnh.
Ý kiến của TS thế nào về cây xáo tam phân là cây dược thảo chữa nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư?
Theo tôi nghĩ các thông tin trên có thể do xuất phát từ một công bố kết quả nghiên cứu của bài báo về xáo tam phân có các thành phần: Flavonoid, saponin, alcaloid, chủ yếu là coumarin và triterpenoid; xáo tam phân có tác dụng ức chế tốt viêm gan cấp ở thí nghiệm trên chuột nhắt trắng; có tác dụng ức chế đối với 5 dòng tế bào ung thư: Ung thư gan Hep-G2, ung thư đại tràng HTC116, ung thư vú MDA MB231, ung thư buồng trứng OVCAR-8 và ung thư cổ tử cung Hela (mạnh nhất với ung thư gan Hep-G2 và ung thư cổ tử cung). Thí nghiệm cũng cho thấy, với độc tính thấp, xáo tam phân khá an toàn khi sử dụng.
Như vậy, có phải xáo tam phân là một dược liệu quý dùng để chữa bệnh cho con người thưa TS?
Theo tôi nghĩ đây là một thông tin tốt về nguồn các cây dược liệu trong nước. Tuy nhiên để biến nguồn dược liệu thành hiện thực và các chế phẩm có giá trị cần phải có thời gian thử nghiệm các kết quả lâm sàng, cũng như các công bố chính thống.
Như vậy phải chờ ý kiến công bố của các cơ quan chức năng mới có thể khẳng định được công dụng chữa bệnh của loại cây được gọi là “thần dược” này?
Đúng vậy, về thực chất tác dụng chữa trị của cây xáo tam phân tôi nghĩ cần phải có sự xác nhận của các cơ quan y tế và khoa học về các thành phần dược tính và độc tính của loại cây này.
Xin cảm ơn TS!
Quang Phan (thực hiện)
 

Bình luận (0)