Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 11-12 thừa nhận nước ông đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn, đồng thời chỉ trích Kosovo và Mỹ.
"Serbia đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn. Pristina và Washington đã không tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào. Tình thế giằng co hiện tại chỉ là một nỗ lực nhằm chấm dứt vấn đề của người Serbia ở Kosovo" – ông Vucic nói và đổ lỗi cho Pristina gây ra căng thẳng, trong khi "một bộ phận cộng đồng quốc tế tham gia kế hoạch của chính quyền Kosovo".
"Ở cấp độ quốc tế, thông tin về tình hình ở Kosovo chứa đầy sự xuyên tạc và dối trá. Trên thực địa, chúng ta có một cuộc đấu tranh để sinh tồn rất cam go" – ông Vucic nói thêm.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Anadolu
Nhà lãnh đạo Serbia cũng cho biết 11-12 là "ngày khó khăn nhất" của ông kể từ khi giữ chức tổng thống. Ông kêu gọi người Serbia ở miền Bắc Kosovo “bình tĩnh và không để bị khiêu khích, kiềm chế mọi hành động gây hấn chống lại EULEX và KFOR – các phái bộ do Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu, đóng tại Kosovo".
Theo ông Vucic, Belgrade đã nhận được "sự đảm bảo" từ KFOR rằng họ sẽ không thực hiện các hành động bạo lực đối với người biểu tình. Đồng thời, ông cáo buộc Mỹ đứng về phía Kosovo chống lại Serbia bằng cách không tôn trọng các thỏa thuận đạt được với Belgrade.
Bế tắc ở miền Bắc Kosovo bắt nguồn từ vụ bắt giữ một cựu sĩ quan cảnh sát với cáo buộc tấn công lực lượng thực thi pháp luật Kosovo. Căng thẳng dâng cao sau khi Pristina tuyên bố tổ chức bầu cử nhanh chóng trong khu vực.
Bà Ana Brnabic. Ảnh: Sputnik
Ngày 11-12, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cảnh báo EU sẽ mất đi vị thế và uy tín của khối này nếu tiếp tục yêu cầu người Serbia dỡ bỏ các chướng ngại vật ở khu vực ly khai. Trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, đưa ra yêu cầu đó và cảnh báo EU sẽ không dung thứ cho hành vi tội phạm, bạo lực ở phía Bắc Kosovo.
Tuy nhiên, bà Brnabic cho rằng EU hoàn toàn phớt lờ nhu cầu của người Serbia ở Kosovo. "Việc dựng các chướng ngại vật không chỉ là biểu hiện của sự bất mãn và tuyệt vọng mà còn là lời kêu gọi hòa bình và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động” – bà Brnabic nhấn mạnh.
Theo Phạm Nghĩa/NLĐO
Bình luận (0)