Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Các cuộc thi hoa hậu: Hai thái cực trong phần thi ứng xử

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều cuộc thi bị khán giả than phiền vì tiếp tục đặt câu hỏi ứng xử cũ kỹ, đi theo lối mòn. Trong khi đó, không ít sân chơi đã áp dụng các câu hỏi thời sự được dư luận quan tâm.

Những câu hỏi cũ kỹ, lỗi thời

Trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022 vừa diễn ra cách đây ít ngày, năm câu hỏi ứng xử được ban tổ chức (BTC) đặt ra khiến khán giả than phiền: “Theo em, tiêu chí nào để một thí sinh được chọn làm hoa hậu?”, “Nếu may mắn đăng quang em sẽ làm gì?”… Những câu hỏi này đã xuất hiện trong các cuộc thi hoa hậu tầm hơn chục năm về trước.

Phần thi ứng xử tại Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 có nhiều câu hỏi ý nghĩa (trong ảnh: Huỳnh Nguyễn Mai Phương, người được trao vương miện cuộc thi này) - ẢNH: T.S

Phần thi ứng xử tại Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 có nhiều câu hỏi ý nghĩa (trong ảnh: Huỳnh Nguyễn Mai Phương, người được trao vương miện cuộc thi này) 

Nhiều cuộc thi khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chẳng hạn, BTC Hoa hậu Môi trường Việt Nam 2022 hỏi các thí sinh: “Bạn hãy chia sẻ cảm nhận trong quá trình chinh phục cuộc thi”, “Phẩm chất đáng quý nhất của người phụ nữ Việt Nam là gì?”. Hoặc “Khi được xướng tên là người chiến thắng, bạn sẽ nói gì với BTC, ban giám khảo (BGK)?”, “Ngay cả khi không đạt được vương miện, cảm xúc của bạn với biển đảo, Tổ quốc ta như thế nào?”… là những câu hỏi được đặt ra trong đêm chung kết Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022.

Các câu hỏi trong cuộc thi Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 cũng không khá hơn: “Trở thành hoa hậu, bạn mang đến cộng đồng điều gì?”, “Vì sao bạn xứng đáng trở thành hoa hậu?”… BTC Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 đưa ra câu hỏi dường như để đúng thủ tục: “Khoảnh khắc đẹp nhất của bạn trong cuộc thi là gì?”, “Bạn thích nhất điều gì trong cuộc thi?”…

Vì câu hỏi mang tính chung chung, cũ kỹ, nên câu trả lời của thí sinh cũng đơn giản, sáo rỗng, không thu hút công chúng. Một số thí sinh còn gây cười cho khán giả, hoặc bị mỉa mai bởi phần trả lời ngô nghê, lạc đề. 

Ứng xử là phần thi giúp thí sinh thể hiện được trí tuệ, khả năng tư duy, diễn đạt trước công chúng. Tuy nhiên, thực trạng trên dường như đang đi ngược lại mục tiêu này. Ông Hoàng Ngọc Sự – Trưởng BGK Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022 – đồng ý là những câu hỏi trong vòng thi ứng xử vừa qua đã cũ. Tuy nhiên, ông cho biết, do thí sinh phần lớn đều nhỏ tuổi, kinh nghiệm sống chưa nhiều, nên BTC sau khi cân nhắc đã đưa ra lựa chọn an toàn. 

Thí sinh thi ứng xử tại Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022

Thí sinh thi ứng xử tại Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022

Phải nâng tầm cho thí sinh 

Phần thi ứng xử ngày càng được xem trọng tại các cuộc thi nhan sắc. Ở các sân chơi quốc tế, phần thi này ngày càng hay hơn. Chẳng hạn, BTC Hoa hậu Hoàn vũ tăng cường thêm phần ứng xử cho tốp 3, thay vì chỉ tốp 5 như trước. BTC Hoa hậu Hòa bình Quốc tế có phần thuyết trình cho tốp 10, ứng xử cho tốp 5, tốp 3. Các vấn đề được đưa ra đều bám sát cuộc sống, tình hình thế giới, đặc biệt liên quan đến sự phát triển của phụ nữ, bình đẳng giới, truyền cảm hứng tích cực… Các câu hỏi đều mang tính mở, để thí sinh dễ thể hiện quan điểm. Nhiều câu trả lời đã truyền cảm hứng được cho giới trẻ. Chẳng hạn bài học trở thành người lãnh đạo của người đẹp Zozibini Tunzi tại Hoa hậu Hoàn vũ 2019; thông điệp về vẻ đẹp duy nhất, ngừng so sánh bản thân của Harnaaz Sandhu tại Hoa hậu Hoàn vũ 2021; tinh thần sẵn sàng làm việc, cống hiến của Thùy Tiên tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021

Việc đưa ra câu hỏi chất lượng, cộng với phần trả lời tốt của thí sinh hiện được xem là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng cuộc thi. Thị hiếu của khán giả cũng là điều buộc nhiều BTC phải bắt kịp xu hướng, bên cạnh sự vận động thay đổi bên trong cuộc thi.

Đơn cử như Hoa hậu Thế giới Việt Nam mùa đầu tiên năm 2019, BTC bị chê khi đưa ra các câu hỏi: “Nếu bạn là người thắng cuộc và nói với những người không may mắn như mình, bạn sẽ nói gì?”, “Vì sao bạn nghĩ mình có thể trở thành hoa hậu?”… Tuy nhiên, đến năm 2022, BTC đã tập trung vào nhiều chủ đề nóng của dư luận. Cụ thể như: “Nếu được lựa chọn giữa việc cung cấp 1.000 bữa ăn mỗi ngày và tạo ra 1.000 việc làm, bạn sẽ chọn điều gì?”, “Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, nhiều quốc gia có nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc của mình. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?”, “Theo bạn, những bạn trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế, khó khăn họ gặp phải là gì?”…

Thí sinh thi ứng xử tại Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022

Thí sinh thi ứng xử tại Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam cũng là những cuộc thi được đánh giá có chất lượng câu hỏi tốt, khiến khán giả ấn tượng. Thông điệp về sức khỏe tinh thần cho người trẻ, ngưng bạo lực mạng, chú tâm đến trẻ em khó khăn… cũng được lan truyền rộng rãi qua phần trả lời của các người đẹp Ngọc Châu, Quỳnh Châu, Đoàn Thiên Ân, Thảo Nhi Lê… Không chỉ sử dụng tiếng Việt, các cô gái này còn nói tiếng Anh thành thạo, được khán giả quốc tế chú ý.

Bà Phạm Kim Dung – Trưởng BTC Hoa hậu Thế giới Việt Nam – Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – chia sẻ: “Giữa BTC, BGK với thí sinh đôi khi có khoảng cách thế hệ. Vì thế, có những vấn đề, câu hỏi chúng tôi nghĩ hay, có ý nghĩa, nhưng sẽ khiến các cô gái khó thể trả lời tròn trịa. Do đó, chúng tôi đã tổ chức hoạt động tìm kiếm, thu thập câu hỏi từ khán giả. Phần lớn khán giả đều là người trẻ, cùng thế hệ với các thí sinh. Những vấn đề họ đặt ra sẽ có xu hướng gần gũi, không làm khó các cô gái, nhưng đảm bảo sự mới mẻ”.

Riêng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022, BTC nhận hơn 1.000 câu hỏi từ khán giả, từ đó lọc ra năm câu chính thức và năm câu dự phòng. Mô típ này cũng được BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam áp dụng vào mùa giải vừa qua, đạt được tín hiệu tốt với hơn 1.000 câu hỏi thu về. 

Bà Phạm Kim Dung cho biết, hiện không có một tiêu chuẩn cụ thể nào cho các câu hỏi ứng xử, nhưng sẽ ưu tiên tập trung vào các nội dung được xã hội quan tâm. Cuộc thi cũng là nơi có thể góp tiếng nói vào vấn đề chung của xã hội với lượng khán giả theo dõi đông đảo. Các câu hỏi không đánh đố, thách thức nhưng cũng phải nâng tầm, tạo cơ chế tự rèn luyện tư duy cho thí sinh về việc tìm hiểu thông tin, cách thể hiện quan điểm… 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Bình luận (0)