Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hàng tiêu dùng trôi nổi không an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nguy hiểm và độc hại từ mặt hàng khăn trôi nổi không rõ nguồn gốc
Thời buổi kinh tế khó khăn hàng hóa đa dạng đổ đống, rẻ, đẹp… luôn thu hút các bà nội trợ hàng ngày phải đau đầu với bài toán “cân đối ngân sách” chi tiêu gia đình. Ham rẻ để cân đối ngân sách lại có khi gây “khủng hoảng ngân sách” vì hậu quả khó lường của những mặt hàng trôi nổi tiềm ẩn hóa chất độc hại này!
Nhiều người vẫn còn có tâm lý không cần biết chất lượng sản phẩm như thế nào nhưng mua được hàng giá rẻ, phù hợp với túi tiền luôn là ưu tiên số 1. Họ không biết rằng nguy cơ độc hại từ các sản phẩm như khăn mặt, chén sứ, muỗng inox là rất cao.
Ham đồ giá rẻ
Trong một lần vào chợ Thanh Đa, bà Lê Thị O. (khu 2 cư xá Thanh Đa, P.27, quận Bình Thạnh, TP.HCM) gặp người đàn ông bán dạo đủ các loại khăn mặt. Tuy chưa có nhu cầu nhưng theo lời quảng cáo, bà mua một lúc 3 chiếc giá chỉ có 15.000 đồng. Nghe lời rao của người bán, bà lại mua thêm một chiếc khăn tắm giá cũng chỉ 20.000 đồng. Như vậy so với trong nhà lồng chợ, giá chỉ bằng một phân nửa. Sau đó, bà mới biết đây là loại khăn kém chất lượng hơn nữa, lúc này bà mới nhận thấy sản phẩm không có ghi nguồn gốc xuất xứ nào cả. Khi nghe khuyến cáo dùng hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bà O. bắt đầu lo lắng…
Đó cũng là tâm trạng của anh N. (nhà ở đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức, TP.HCM) khi mua một cặp tô và một cặp dĩa sứ đầu chợ Thủ Đức. Biết là mặt hàng không rõ nguồn gốc nhưng thấy kiểu dáng đẹp, hoa văn sặc sỡ bắt mắt, giá lại rẻ một cách bất ngờ nên anh N. không còn phải do dự khi bỏ tiền ra mua các loại sản phẩm trên. Chị L. – vợ anh N. tâm sự: “Tôi đã dặn chồng nhiều lần, muốn mua sắm gì thì cứ vào các tiệm lớn hay siêu thị tuy có cao giá hơn một chút nhưng lại đảm bảo về chất lượng. Thế nhưng, mỗi lần đi tập thể dục về, gặp người ta bán gì anh cứ mua, toàn là những đồ rẻ nhưng chẳng có nhãn mác gì cả”. Cũng theo chị L. 2 chiếc tô có màu đục sờ vào rất nhám mà hoa văn thì lòe loẹt, mới xài một thời gian là bay màu đi. Cặp đĩa sứ chất lượng cũng rất kém lại không có một dòng chữ nào ghi tên nhà sản xuất. Đến lúc đó, anh N. mới cảm thấy ân hận vì quyết định quá dễ dãi của mình khi đi mua sắm đồ tiêu dùng hàng ngày. Phần lớn người tiêu dùng vẫn còn rất chủ quan khi mua sắm các mặt hàng đồ nhựa, đồ sứ, đồ nhôm, inox… Một số nhà sản xuất chưa có trách nhiệm cao, chạy theo lợi nhuận sản xuất những sản phẩm có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, một số nhà hàng có xu hướng dùng tô chén nhựa thay cho đồ sứ vì theo họ, đồ sứ vừa nặng vừa dễ vỡ nhưng họ không biết rằng khi chứa các loại thức ăn nóng như phở, hủ tiếu, bún bò… rất dễ bị nhiệt tác động nên các chất độc hại có cơ hội ngấm vào thức ăn nhiều hơn. Nhựa là thứ mặt hàng dễ được tái chế để tận dụng nguyên liệu và giảm giá thành nên không ít người ham rẻ mà tự chuốc bệnh vào thân.
Tự “rước bệnh” vào người
Cũng vì lẽ đó mà không ít người đã né tránh dùng đồ nhựa, coi đồ sứ là sự lựa chọn an toàn nhất. Tuy nhiên, không phải đồ sứ nào cũng an toàn cả, nhất là trong “diễn biến” có nhiều mặt hàng trôi nổi không rõ xuất xứ. Những mặt hàng giá rẻ thì nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm cao do nguyên liệu kém chất lượng, sản xuất không đúng quy trình và ít được kiểm định chất lượng.
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm (Bộ Khoa học và Công nghệ) trên thị trường, hiện có gần 80% chén bát, đĩa tô bằng gốm sứ, pha lê có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng gắn mác nhiều nước khác nhau. Đặc biệt các mặt hàng này có hàm lượng chì vượt mức quy định gây nguy cơ nhiễm độc cao cho người tiêu dùng. Hiện nay, khăn mặt vẫn được nhiều cơ sở sản xuất theo kiểu thủ công. Để tiết kiệm chi phí người ta thường sử dụng các loại nguyên liệu rẻ tiền, lạm dụng chất tẩy trắng, phẩm màu nhuộm. Nếu người tiêu dùng ham rẻ và lạm dụng chúng thì rất dễ bị viêm nhiễm, cả gây ung thư da. Inox là loại thép không gỉ có khả năng chống ôxy hóa và ăn mòn cao. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại dụng cụ nhà bếp như môi (vá), muỗng, nĩa, bát được chế tạo từ inox kém chất lượng nên chỉ dùng sau một thời gian là bị xỉn màu rất dễ nhiễm từ độc hại.
Bài, ảnh: Hương Thủy
BS. Lâm Văn Cường – Phòng khám Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Nhiễm độc chì ở mức độ nhẹ thường có triệu chứng đau đầu chóng mặt và cả buồn nôn. Nặng hơn thì đau nhức xương khớp, tay chân, suy giảm trí nhớ và hay buồn ngủ”. Theo BS. Cường, trẻ em nhiễm độc chì còn có những triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, người co giật sốt cao và có thể dẫn đến tử vong. Đây chính là lời cảnh báo cho những ai ham đồ giá rẻ mà không biết mình đang tự chuốc bệnh vào thân một cách âm thầm và lặng lẽ. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)