Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cần Thơ: Bệnh tay chân miệng bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

BS. Hà Anh Tuấn đang khám cho một bệnh nhi TCM
BS. Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết: “Các năm trước, bệnh tay chân miệng (TCM) thường diễn biến mạnh vào đầu năm, còn cuối năm thì trong khoảng tháng 9, 10 đến tháng 11 chỉ còn vài ba trường hợp. Nhưng năm nay tháng 12 mà bệnh vẫn bùng phát, đây là điều bất thường”.
Diễn tiến bệnh bất thường
Sáng 22-12, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đông nghẹt các ông bố bà mẹ mang con đến khám. Ở Khoa Hồi sức tích cực, tại phòng bệnh nặng, một số giường hai cháu phải nằm chung vì quá tải. Các cháu đều thiêm thiếp. Chị Nguyễn Thanh Thúy (đường 3-2, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vừa lấy khăn nhúng nước ấm lau khắp cơ thể để con gái (Nguyễn Kim Phương, 15 tháng tuổi) hạ sốt vừa kể: “Con tôi bị sốt cao, tôi đưa vào bệnh viện khám. BS cho thuốc về uống nhưng không giảm mà còn sốt cao hơn. Buổi tối cùng ngày, tôi đưa cháu trở lại bệnh viện, bữa đầu nằm ở phòng cấp cứu, hôm sau chuyển xuống đây. Nhập viện 3 ngày rồi, sốt cũng giảm. Từ hôm bệnh đến nay cháu không ăn, chỉ uống chút sữa thôi”. Trên cơ thể cháu Phương không có bóng nước ở miệng và tay chân. Các BS cho biết những trường hợp không có dấu hiệu điển hình như trên là bệnh thuộc loại nặng, dễ gây biến chứng… Cùng giường với cháu Kim Phương là bé gái Trần Nguyên Ngọc, 25 tháng tuổi. Tay chân cháu Ngọc đầy những bóng nước. Anh Trần Tuấn Liêm, cha của cháu, cho biết: “Khu vực anh ở tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ có 5 cháu bị bệnh TCM. Do năm 2012 cháu Ngọc đã mắc bệnh này nên khi con bị lại, anh đem con đến BS quen để điều trị, nhưng sau 3 ngày bệnh không giảm, vợ chồng anh vội đem con vào bệnh viện”.
 Tại Khoa Nhiễm, rất nhiều bệnh nhi TCM đang được chăm sóc. Nơi đây là những trẻ đã qua cơn nguy kịch nên không khí các phòng bệnh nhẹ nhàng hơn. Tại phòng bệnh đầu tiên, chị Mai Thị Mỹ Ngân cùng mẹ chồng thay nhau quạt cho cháu Nguyễn Mai Thi, 13 tháng tuổi, nhập viện điều trị được 6 hôm. Chị Ngân cho biết: “Đêm đó con tôi sốt nhẹ, sổ mũi, quấy khóc, rồi co giật. Vậy là mờ sáng hôm sau tôi đưa cháu đến bệnh viện. BS nói cháu bị TCM độ I, cho thuốc uống. Về nhà cháu không hết sốt, tay chân nổi bóng nước, ngay tối đó cả nhà lật đật đưa cháu trở lại bệnh viện.
Những điều cảnh báo
Theo BS. Hà Anh Tuấn, điểm nổi bật trong mùa dịch lần này là số mắc bệnh chiếm nhiều là trẻ đang bú đến 3 tuổi. So với mọi năm, nhiều trẻ mới nhập viện mà bệnh đã chuyển nặng (độ II và III) trong khi các năm trước, nhập viện 4-5 ngày bệnh mới chuyển nặng. Một điều cần lưu ý do bệnh TCM có nhiều thể khác nhau, có những trẻ mắc bệnh nhưng không nổi ban, bóng nước, hoặc nổi trong niêm mạc miệng, khó thấy nên khi con bị sốt, nhiều cha mẹ chủ quan, tưởng chỉ là cảm cúm, hoặc nhầm lẫn cho rằng con bị những bệnh nhiễm ngoài da thông thường, nên tự mua thuốc uống, đến khi nặng mới đưa vào bệnh viện. Tác nhân gây bệnh là virus Coxsackie, năm nay qua xét nghiệm, có sự hiện diện của virus Enterovirus 71, loại virus gây biến chứng nặng cho trẻ. Do vậy, diễn tiến bệnh năm nay rất phức tạp, nhiều bé bị biến chứng nhanh và nặng gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, một số còn bị tổn thương gan, thận.
 Do chưa có thuốc đặc trị, bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết bóng nước, chất dịch tiết đường hô hấp nên rất dễ gây thành dịch. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, việc chữa trị các triệu chứng rất hiệu quả, kể cả điều trị biến chứng. Do vậy, khi phát hiện con có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa đến bệnh viện ngay để BS khám, nhằm phát hiện bệnh sớm, thuận tiện cho việc điều trị và theo dõi. Dù trẻ bị nhẹ, vẫn khỏe mạnh cũng không nên cho con đến trường để tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Phải cho trẻ ở nhà để theo dõi và phát hiện kịp thời khi biến chứng xảy ra.
BS. Hà Anh Tuấn cho biết, do bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc với trẻ bị bệnh nên tại các trường mầm non, ngoài việc vệ sinh, sát khuẩn đồ dùng dạy học, đồ chơi và những vật dụng liên quan đến trẻ, điều quan trọng là làm sao trang bị cho các cô giáo, bảo mẫu kiến thức cơ bản về bệnh TCM, để phát hiện sớm khi có trẻ mắc bệnh. “Hàng ngày, các cô giáo phải kiểm tra lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông của trẻ, nếu có bọng nước, nổi ban đỏ; hoặc trẻ hơi nóng, sổ mũi, phải vạch miệng ra xem có vết loét hoặc bóng nước không. Nếu có những dấu hiệu trên thì phải cách ly, báo cho phụ huynh và đưa cháu đến bệnh viện ngay. Đáng ngại là nhiều cô giáo hoặc cha mẹ hay nhầm triệu chứng của bệnh TCM với bệnh trái rạ hoặc do muỗi cắn, nên không cách ly kịp thời khiến bệnh nhanh chóng lây lan ra nhiều trẻ chung quanh” – BS. Hà Anh Tuấn cảnh báo.
Bài, ảnh: ĐAN PHƯỢNG
Đã có một bệnh nhi bị tử vong
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ em mắc bệnh TCM có dấu hiệu bùng phát từ tháng 11-2013 và kéo dài đến nay. Chỉ tính từ đầu tháng 12 đến ngày 22-12, tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ có 1.945 ca bệnh TCM, phần lớn bệnh nhi ở TP.Cần Thơ và các tỉnh: Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Trong đó, 210 ca nhập viện điều trị, một trường hợp bệnh nhi nữ, 3 tuổi, ở TP.Cần Thơ, tử vong do người nhà đưa đến bệnh viện quá trễ. Khi đến bệnh viện mạch và huyết áp của cháu bằng 0, tím tái toàn thân, tay chân lạnh, vã mồ hôi, ngưng thở. Dù bệnh viện mời BS ở Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) hỗ trợ điều trị, cho lọc máu, hồi sức cấp cứu nhưng bé đã tử vong sau 1 ngày nhập viện.
 
 

Bình luận (0)