Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sinh viên làm thêm: Nên làm đúng chuyên ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, hầu hết các sinh viên khi bước chân vào đại học đều muốn kiếm cho mình một công việc làm thêm, nhiều bạn trẻ băn khoăn liệu có nên chọn công việc làm thêm đúng với chuyên ngành đang học hay không, hay chỉ cần làm để “kiếm thu nhập”. 


Nhiều bạn trẻ băn khoăn liệu có nên chọn công việc làm thêm đúng với chuyên ngành đang học hay không, hay chỉ cần làm để “kiếm thu nhập”

“Kiếm thu nhập” chỉ là yếu tố phụ  

Không chỉ với mục đích tích lũy kinh nghiệm sống, các kỹ năng giao tiếp xã hội mà hiện nay không nhiều sinh viên đã chọn những việc làm bán thời gian để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng. Việc đi làm thêm khi vừa bước chân vào đại học cũng là một điều cần cân nhắc bởi đây là thời điểm sinh viên cần làm quen với môi trường mới cũng như cách thức học tập.

Trung Kiên (sinh viên năm 4, chuyên ngành kỹ thuật y sinh, Đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Hiện tại mình đang vừa học vừa làm thêm ngoài giờ, cụ thể là làm giáo viên dạy thêm cho học sinh cấp 2. Mình lựa chọn công việc này bởi vì công việc giúp hỗ trợ kỹ năng giao tiếp của mình và cải thiện kỹ năng thuyết trình điều này giúp mình tự tin và biết cách nói chuyện hơn khi trao đổi với người khác (dù lớn hay nhỏ tuổi hơn). Nhưng đôi khi đi làm thêm về trễ, loay hoay cũng là 12h khuya rồi chỉ biết nghỉ ngơi tới sáng để đi học nên thời gian học bài và làm bài của mình cũng khá ít. Thì đây cũng là một điều mình đang cân nhắc, sắp xếp phù hợp lại.”  

Nên làm thêm đúng chuyên ngành không

Kiếm một công việc làm thêm đúng với chuyên ngành đang học sẽ là một lợi thế giúp cho bạn có thêm kinh nghiệm quản lý cũng như kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức. Nhưng liệu cần nhất thiết phải làm thêm theo hướng chuyên ngành của mình đã chọn hay không? 

Lê Trọng Hoàng (sinh viên năm 2, ngành điện tử viễn thông, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết: Theo mình thì sinh viên nên đi làm thêm đúng chuyên ngành vì một phần sẽ giúp bản thân phát triển về mặt kinh nghiệm và giúp mình sau này dễ bắt kịp với việc làm sau khi ra trường. Bởi vì, trong quá trình học và đào tạo chuyên ngành ở trường thì chúng ta sẽ biết rõ về ngành mà mình lựa chọn, kể cả trong các kỳ thực tập chính sinh viên cũng được đào tạo tay nghề tại môi trường làm việc, cùng với đó có nhiều khả năng tìm được một bến đỗ làm việc vững chắc trong tương lai, chính xác hơn là học ngành gì ra làm ngành đó. Từ đó, sẽ tiết kiệm được thời gian hơn là bắt đầu đi theo một con đường khác mà chưa chắc tốt hơn hiện tại”.

Bên cạnh ý kiến trên, một số bạn lại có suy nghĩ về việc không phải công việc nào cũng có thể đáp ứng đủ tiêu chí khi tìm làm thêm đúng chuyên ngành.

Nguyễn Lê Quốc (sinh viên năm 2, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa – Trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM) cho biết: “Mình đã từng đi làm thêm, công việc cụ thể là mình làm bên bộ phận tuyển sinh của trường. Về vấn đề sinh viên nên làm thêm đúng chuyên ngành không, thì đối với mình là tùy vào khả năng mỗi người và cân nhắc thời gian mình chọn phù hợp. Bởi vì, mình học về mảng kỹ thuật thì việc làm thêm đúng mảng này khá là ít, hầu như là không thấy, chỉ có khi lên thực tập thì mới có việc làm nên là công việc mà mình đã làm trước đó phần nào giúp cho mình có những kinh nghiệm. Mặc dù khác chuyên ngành một xíu nhưng ví dụ như sau này mình ra trường với tấm bằng kỹ sư nhưng mình vẫn có thể đi làm về mảng sale, mảng kinh doanh cho một công ty kỹ thuật nào đó chẳng hạn, đối với mình thì đây là sự kết hợp hoàn hảo”.


Nguyễn Lê Quốc (bên trái, sinh viên năm 2, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa – Trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM) chia sẻ về việc làm thêm

Chuyên gia tâm lý TS. Huỳnh Anh Bình, chia sẻ: “Hai năm đầu tiên các bạn hãy đi làm ít nhất làm 5 công việc khác nhau, không gắn với chuyên môn của các bạn cũng được. Nhưng qua đó các bạn sẽ học hỏi, khi học xong rồi, học hết rồi thì các bạn có thể đổi công việc vì đơn giản các bạn làm nhiều và va chạm nhiều thì có thể đổi thôi. Nhưng qua tới năm 3 và năm 4 thì các bạn nên quay trở về với những công việc đúng chuyên ngành của các bạn. Vì nếu các bạn mải mê 4 năm mà làm những công việc không gắn với chuyên môn của các bạn thì nhà tuyển dụng sẽ không đánh giá cao các bạn và các bạn cũng sẽ không trưởng thành, không ổn định kiến thức mà các bạn đang theo học. Cho nên hai năm đầu tiên và hai năm cuối cùng, hãy lựa chọn những công việc phù hợp”.

Bởi vậy cho nên việc đi làm thêm không phải chỉ để kiếm tiền mà đôi lúc còn là để trưởng thành, cân nhắc cái được và cái mất. Từ đó giúp chúng ta nhận thức việc chọn công việc có phù hợp hay không và dễ dàng xác định hướng đi phát triển cho bản thân một cách hiệu quả.

Phạm Hồng Ngọc

 

 

 

Bình luận (0)