Năm 2022, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý với vị trí phó hiệu trưởng ở 3 trường là THPT Quang Trung, THPT An Nhơn Tây, THPT Nhơn Nghĩa.
Ông Tống Phước Lộc – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM
Được biết, việc thi tuyển này nằm trong Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM mà Sở GD-ĐT TP là đơn vị tiên phong mạnh dạn triển khai. Ông Tống Phước Lộc – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những trao đổi cụ thể hơn về lộ trình thực hiện đề án đối với ngành giáo dục TP.
+ Phóng viên: Vì sao năm nay TP.HCM tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng, thay vì bổ nhiệm như vẫn thực hiện, thưa ông?
Ông Tống Phước Lộc: Sở GD-ĐT TP.HCM đang thực hiện theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Hiện, đề án đang được Sở Nội vụ trình UBND TP ban hành quyết định phê duyệt.
Đối với ngành giáo dục nói riêng và tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị nói chung thì việc tuyển chọn công chức, viên chức, nhất là tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là khâu đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển của cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương…
+ Việc Sở GD-ĐT TP.HCM chọn 3 đơn vị trên để thực hiện thí điểm đề án vì những lý do gì, thưa ông?
– Trước hết, cả 3 đơn vị trường THPT này đều thuộc khu vực vùng ven TP, đang khuyết chức danh phó hiệu trưởng. Do vậy, khi được tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng sẽ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của đơn vị, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của các trường THPT vùng ven, ngoại thành.
+ Tại TP.HCM, công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ trong ngành giáo dục thời gian qua đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Vậy nhưng, thẳng thắn nhìn nhận ông đánh giá thế nào về những tồn tại trong công tác này?
– Trong những năm qua, việc quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý luôn được ngành giáo dục bám sát các quy định của Trung ương, TP.
Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới; dân chủ, công khai trong công tác cán bộ được mở rộng; công chức, viên chức được bổ nhiệm trong diện quy hoạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ được bổ nhiệm, phát huy tốt năng lực, sở trường, trình độ được đào tạo góp phần quan trọng trong lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2022, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý trường học. Trong hình, cô Hoàng Thị Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây trong buổi lễ khai giảng năm học mới
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: Việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh; chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, sáng tạo trong công tác có ý chí rèn luyện, phấn đấu; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn cán bộ trẻ để đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng và tương đương.
Ở một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh “kinh nghiệm”, tư tưởng “có lên mà không có xuống” nên một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được bổ nhiệm còn hạn chế về năng lực, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
+ Như vậy, rõ ràng là đã đến lúc cần phải đổi mới công tác tuyển chọn lãnh đạo, quản lý?
– Để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu.
Khi đề án được triển khai sẽ giúp phát hiện, thu hút, lựa chọn, bổ nhiệm người thực sự có năng lực lãnh đạo, quản lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, góp phần lựa chọn được những người “có đức, có tài”, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, việc tổ chức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển còn hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Song song đó là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý tại TP, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đổi mới công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao chất lượng công tác phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ, góp phần ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền.
+ Đề án sẽ được ngành giáo dục TP thực hiện theo lộ trình thế nào, thưa ông?
– Việc tổ chức thi tuyển sẽ được Sở GD-ĐT TPHCM triển khai đúng quy định và thẩm quyền phân cấp quản lý. Đảm bảo đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian, lộ trình, nội dung, hình thức thi tuyển theo quy định tại đề án.
Quy trình thi tuyển bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, có chất lượng, hiệu quả; lựa chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với yêu cầu, vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, đảm bảo khách quan, công bằng, công khai, dân chủ và cạnh tranh lành mạnh trong quá trình tổ chức thi tuyển.
Ngay sau đợt thí điểm này, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời Phòng Tổ chức cán bộ sẽ tham mưu mở rộng đối tượng, tính toán lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)