Đổi mới việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn ngữ văn theo yêu cầu mới, nhất là việc chống học thuộc, chép văn mẫu, theo tôi, cần chú ý cả 2 hướng: Một là nên sử dụng ngữ liệu mới ở những tình huống phù hợp. Hai là cần đổi mới cách hỏi, cách nêu yêu cầu (độ khó) trong các đề kiểm tra, đề thi ngay cả với ngữ liệu đã học.
Theo tác giả, cần đổi mới cách hỏi trong các đề kiểm tra, đề thi để chống học thuộc, chép văn mẫu (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Tránh tình trạng chỉ nêu yêu cầu thông qua một số câu lệnh lặp đi lặp lại, nhàm chán, đơn điệu… Nên kết hợp cả hình thức trắc nghiệm và tự luận. Lâu nay việc ra đề về một bài/đoạn thơ, chỉ lặp lại vài câu lệnh quen thuộc như: Hãy phân tích/hãy cảm nhận bài thơ, đoạn thơ nào đó. Để thay đổi, cần đa dạng hóa việc ra đề văn bằng nhiều hướng, nhiều cách hỏi. Ngay cả với vấn đề cũ, cách nghĩ giúp ta có thể tìm được câu trả lời mới. Cũng như với các tác phẩm đã học (cũ) vẫn có thể nêu lên câu hỏi buộc người viết phải có câu trả lời mới. Để minh họa, tôi xin nêu ví dụ về việc đa dạng hóa cách ra đề theo hướng trên. Cụ thể, sau khi học bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai (Ngữ văn 7, bộ Cánh diều), có thể kiểm tra bằng cả trắc nghiệm và tự luận như sau:
Thứ nhất, trắc nghiệm. Câu 1: Dòng nào nêu đúng hai bài thơ đã học ở Ngữ văn 6 có cùng đề tài với bài “Mẹ” của Đỗ Trung Lai? A. Về thăm mẹ, Trong lòng mẹ; B. Trong lòng mẹ, Những điều bố yêu; C. À ơi tay mẹ, Về thăm mẹ; D. À ơi tay mẹ, Những điều bố yêu. Câu 2: Về thể loại, bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai giống bài thơ nào sau đây? A. Ông đồ (Vũ Đình Liên); B. Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh); C. Một mình trong mưa (Đỗ Bạch Mai); D. Sao không về vàng ơi (Trần Đăng Khoa). Câu 3: Câu nào nêu đúng đặc điểm hình thức của thơ 4 chữ? A. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng thường ngắt nhịp 2/2; B. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng thường ngắt nhịp 2/2 hoặc 1/3; C. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng ngắt nhịp 3/1 hoặc 1/3; D. Mỗi dòng 4 chữ, các dòng ngắt nhịp 2/2 hoặc 3/1. Câu 4: “Lưng mẹ còng rồi/Cau thì vẫn thẳng/Cau – ngọn xanh rờn/Mẹ – đầu bạc trắng”, dòng nào nêu đúng cách ngắt nhịp của khổ thơ trên? A. 1/3 và 2/2; B. 2/2 và 3/1; C. 2/2/ và 1/3; D. 3/1 và 1/3. Câu 5: Trong bài thơ, hình ảnh người mẹ được ví von (so sánh) với hình ảnh nào? A. Ngọn cau; B. Thân cau; C. Miếng cau khô; D. Quả cau. Câu 6: Biện pháp so sánh nêu ở câu 8 có tác dụng gì? A. Diễn tả được hình ảnh khô gầy, ngày một yếu đi của mẹ; B. Diễn tả được hình ảnh nhỏ bé, tiều tụy của mẹ; C. Diễn tả được hình ảnh thân thiết, ngày một già đi của mẹ; D. Diễn tả được hình ảnh dáng mẹ cao, gầy, thanh thoát. Câu 7: Chữ nâng trong câu “Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ” thể hiện được điều gì? A. Sự kính trọng, thiết tha, quý mến; B. Sự lo lắng, yêu thương, quý mến; C. Sự xúc động, ân hận, lo lắng; D. Sự trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Đọc khổ thơ thứ 2: “Cau ngày càng cao/Mẹ ngày một thấp/Cau gần với trời/Mẹ thì gần đất!” và trả lời câu 8, 9, 10. Câu 8: Hình ảnh cau và mẹ được dùng để thể hiện mối quan hệ nào? A. Giống nhau; B. Bổ sung; C. Ngược nhau; D. Tương đồng. Câu 9: Dòng nào nêu đúng các cặp từ đối lập trong khổ thơ trên? A. Cao/thấp, cau/mẹ; B. Cao/thấp, đất/trời; C. Đất/trời, mẹ/cau; D. Càng/một, với/gần. Câu 10: Dòng nào nêu đúng ý của khổ thơ trên? A. Cau ngày càng cao lớn, mẹ ngày một già yếu; B. Cau ngày một xanh tốt, tóc mẹ ngày càng bạc; C. Cau ngày một nhiều quả, lưng mẹ ngày càng còng; D. Cau ngày càng yêu trời, mẹ ngày càng yêu đất.
Thứ hai, tự luận. Giáo viên nên thiết kế câu tự luận bằng nhiều cách hỏi. Từ các câu hỏi ấy, tùy vào mục tiêu, yêu cầu của đánh giá mà lựa chọn một hay vài ba câu để đưa vào đề. Ví dụ, với bài “Mẹ” có thể đa dạng hóa cách nêu câu hỏi như sau: Câu 1: Chuyển nội dung bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thành bài văn biểu cảm theo cách hiểu của em. Câu 2: Chỉ ra tác dụng của một biện pháp nghệ thuật mà em thấy đặc sắc nhất trong bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai. Câu 3: Kết thúc bài thơ, tác giả viết: “Ngẩng hỏi giời vậy/- Sao mẹ ta già?/Không một lời đáp/Mây bay về xa”. Em hiểu nhà thơ muốn nói điều gì qua đoạn thơ trên? Câu 4: Tình cảm sâu nặng của tác giả qua một số câu chữ, hình ảnh mà em thấy độc đáo trong bài thơ “Mẹ”. Câu 5: “Một miếng cau khô/Khô gầy như mẹ/Con nâng trên tay/Không cầm được lệ”. Theo em, có từ nào thay được từ “nâng” trong khổ thơ trên không? Vì sao? Câu 6: Hình dung mình là nhà thơ để viết bài giới thiệu với bạn đọc một số nét đặc sắc của bài thơ “Mẹ”. Câu 7: Tưởng tượng mình là người mẹ; sau khi đọc bài thơ này, “người mẹ” ấy sẽ nói với con những gì? Câu 8: Theo em, qua bài “Mẹ”, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã nói được điều gì? Nội dung nào là nội dung nhà thơ nói hộ cho rất nhiều người? Câu 9: Hình ảnh hoặc một khổ thơ nào trong bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai để lại nhiều ấn tượng nhất với em? Vì sao? Câu 10: Điểm giống và khác nhau giữa bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai và bài thơ “Về thăm mẹ” của Đinh Nam Khương đã học ở Ngữ văn 6 hoặc với bài thơ “Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm đã học ở Ngữ văn 7, tập hai (sách Cánh diều). Câu 11: Viết lại những suy nghĩ và tình cảm của em về người mẹ của mình, sau khi học bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai. Câu 12: Theo em, ở thời hiện đại (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), những người con có còn suy nghĩ về mẹ như trong bài thơ của Đỗ Trung Lai? Vì sao?…
Trên đây chỉ là minh họa cho ý tưởng cần thay đổi cách ra đề, các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận để giáo viên tham khảo về cách thức.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)