BS. Mẫn đang hướng dẫn bệnh nhân đốt sống cổ tự luyện tập
|
Đau mỏi cổ không chỉ do ngồi làm việc lâu mà còn do ngồi sai tư thế, nhất là với học sinh – sinh viên và dân văn phòng. Đây cũng chính là nguyên nhân bị thoái hóa đốt sống cổ ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Ngồi sai tư thế
Do ngồi lâu bên máy vi tính để làm việc nên chị Hà Thị Huệ – kế toán một công ty ở Khu chế xuất Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM thường có biểu hiện đau lưng. Nhờ tập thể dục đều đặn nên sau một thời gian chị đã lấy lại được sức khỏe như ban đầu. Nhưng rồi do công việc văn phòng cuốn hút nên gần đây chị thấy sau vai còn có thêm những cơn đau, có cảm giác như phần cổ bị vướng víu khi quay qua quay lại. Do cơn đau kéo dài nên chị đến Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức tìm cách điều trị.
Ông Lê Sơn – khu tập thể Quân đội sau chợ Tân Sơn Nhất, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM thường có thói quen nằm trên ghế salon để xem ti vi và dựa đầu cao vào thành ghế nên hay mắc chứng đau cổ. Những ngày cuối năm, trời trở lạnh nên sáng sớm ngủ dậy người cựu binh này thường bị đau vùng cổ phía sau. Để lâu ngày ông có triệu chứng cứng cổ sau một đêm thức dậy, nhất là khi hắt xì hơi hoặc ho gió. Vào khám ở Bệnh viện 175, ông được chẩn đoán là thoái hóa cột sống cổ. Đây là căn bệnh tương đối phổ biến của xã hội do nhiều người ngồi sai tư thế khi làm việc hoặc xem ti vi.
Nguy hiểm theo mức độ
Dấu hiệu dễ nhận biết bệnh đốt sống cổ nhất là cổ cứng, cử động khó và đau. Lúc đầu thường chỉ đau vùng gáy, sau đó lan lên khớp cổ, khớp vai và vùng lưng trên. Khi bị đau, bệnh nhân đi lại sinh hoạt rất khó khăn, ban đêm có thể mất ngủ nhiều do nhức mỏi. Về mùa lạnh, nhiều người chỉ ngủ trong một tư thế nên đầu ngoẹo sang một phía từ tối cho đến sáng. Một số người do công việc phải cúi nhiều hoặc nghiêng sang một bên để nhìn cũng dễ làm cho cổ bị nghiêng và vẹo. Theo khoa học đây chỉ là những cơn đau cơ học, nhưng càng vận động thì càng đau thêm. Mọi động tác thường ngày như nghiêng, cúi đầu hoặc ngửa mặt lên rất khó khăn vì không di chuyển được. Nhìn bề ngoài, bệnh đốt sống cổ không có biểu hiện rõ rệt, chỉ đến khi chụp X quang mới thấy được kết quả chính xác. Khi có các hình ảnh như khe khớp bị hẹp, xương sụn dưới đặc và có mỏ xương (mọc gai xương) trên phim thì điều đó đồng nghĩa bệnh nhân đã bị thoái hóa đốt sống cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ nếu nhẹ thì làm cho khớp bị biến dạng, đau dây thần kinh và rối loạn thần kinh thực vật. Nặng hơn, thoái hóa đốt sống cổ còn gây bại liệt một tay hoặc cả hai, gây chèn ép tủy, rối loạn cảm giác tứ chi đến mức liệt không đi lại được mà phải ngồi một chỗ. Thoái hóa đốt sống cổ còn liên quan đến cả rối loạn tuần hoàn não. Đốt sống cổ bị thoái hóa lâu ngày không chữa trị kịp thời sẽ phát sinh ra các nguy cơ tiềm ẩn như hạn chế khả năng cung cấp máu lên não để duy trì sự sống nên rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Nguy cơ bệnh đốt sống cổ ở mọi lứa tuổi
BS. Võ Văn Mẫn – Trưởng phòng khám Chuyên khoa Cột sống (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn) cho biết: “Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ bị bệnh đốt sống cổ. Bên cạnh đó, các bệnh lý liên quan đến khớp như viêm khớp, thấp khớp cũng làm cho đốt sống cổ bị thoái hóa theo. Những người trẻ tuổi thường ít bị thoái hóa đốt sống cổ hơn người lớn tuổi, nhưng dễ bị vẹo cơ năng do tư thế ngồi sai khi làm việc và học tập. Lúc đó do bàn ghế ngồi không phù hợp, quá cao hay quá thấp sẽ khiến các em cúi nhiều hoặc nghiêng sang một bên dễ làm cho cổ bị mỏi và cứng dần. Cán bộ văn phòng là đối tượng ngồi làm việc nhiều giờ trước máy vi tính cũng nằm trong danh sách có nguy cơ bị đau lưng cơ năng. Không để màn hình vi tính, màn hình ti vi quá cao hay quá thấp và ngồi cách màn hình một khoảng phù hợp với tầm mắt.
PV: Như vậy làm sao có cách phòng tránh để hạn chế căn bệnh này, thưa BS?
Trước hết nên xem lại tư thế ngồi của mình đã đúng hay chưa? Lúc ngủ cũng chú ý cách nằm cho thoải mái, đặc biệt không được kê đầu lên gối quá cao dễ bị mỏi và cổ bị cứng. Khi làm việc nên có thời gian giải lao nghỉ ngơi phù hợp, không ngồi quá lâu bên máy vi tính. Người có thói quen xem ti vi ở nhưng tư thế lạ như nằm không ra nằm mà ngồi cũng chẳng ra ngồi rất phản khoa học không tốt cho trạng thái tự do của cổ. Vì thế, nên ngồi hoặc nằm thoải mái giúp đốt sống cổ dễ vận động hơn.
Khi bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ thì cách khắc phục phải như thế nào?
Khi có bệnh lý, người bệnh phải kịp thời đi khám BS chuyên khoa để xác định cho đúng bệnh như thoái hóa hay do chèn ép thần kinh. Tùy theo bệnh mà BS có sự can thiệp phối hợp sau khi cho uống thuốc giảm đau. Trường hợp nặng cũng cần phải phẫu thuật. Khi có vấn đề về cột sống ngoài uống thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ bệnh nhân phải được tập luyện thể dục thường bằng 6 động tác phổ biến cho cổ. Vật lý trị liệu cũng là phương pháp lâu dài để giúp bệnh nhân giảm cơn đau và giúp các đốt sống cổ từ từ trở lại vị trí ban đầu.
Còn về chế độ dinh dưỡng thì phải ăn uống như thế nào, thưa BS?
Cần phải ăn uống đủ chất, nhất là người già phải bổ sung canxi bằng cách uống sữa và ăn các loại thực phẩm hải sản như cua, ốc, sò. Nếu chúng ta ăn thiếu chất chỉ bằng 1/2 nhu cầu tiêu thụ thì sẽ có nguy cơ thiếu canxi. Ví dụ như người Việt Nam mỗi ngày cần 2 gram chất canxi mà chỉ ăn được 1 gram thì chắc chắn là thiếu, từ đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến cột sống và đốt sống cổ.
|
Bình luận (0)