Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Mùa xuân” đến với những gia đình hiếm muộn

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Ngô Hoài Phương và chị Đỗ Thị Thu Hiền bên con trai Tuấn Anh chào đời bằng TTTON
Bé Ngô Tuấn Anh là một trong 50 cháu bé được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ. Có thể nói, phương pháp điều trị vô sinh, đặc biệt là TTTON (IVF) được coi là tiên tiến nhất, đã góp phần quan trọng trong việc đem niềm vui được làm cha mẹ đến với những cặp vợ chồng gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản.
Niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ
Mải lo cho sự nghiệp nên gần 30 tuổi, dược sĩ CKI. Ngô Hoài Phương mới nên duyên chồng vợ với kỹ sư kinh tế Đỗ Thị Thu Hiền. Những tưởng lập gia đình khi cả hai đã có cơ ngơi, công việc ổn định và hứa hẹn nhiều thăng tiến thì cuộc sống sẽ rất hạnh phúc, nhưng thời gian qua đi, cưới nhau đã 7 năm mà căn nhà vẫn thiếu tiếng trẻ thơ. Anh chị đến các bệnh viện lớn để khám bệnh và điều trị nhưng không tìm ra nguyên nhân hiếm muộn. Thế rồi, một người bạn gái của chị, cũng bị vô sinh, được làm mẹ nhờ đến Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ làm phương pháp TTTON. Anh chị quyết định thử phương pháp này. Sau khi đến bệnh viện làm thủ tục và thực hiện các bước lấy trứng, nuôi phôi rồi cấy vào người, qua thời gian hồi hộp chờ đợi, khi BS đến thông báo thụ thai thành công, anh chị ôm lấy nhau, rơi nước mắt vì hạnh phúc. Tuấn Anh chào đời nặng 3,3kg, khôi ngô, khỏe mạnh. Chị Thu Hiền trải lòng: “Nói thật, khi làm TTTON, tôi rất lo vì đã lớn tuổi, tỷ lệ thành công thấp, lại sợ sức khỏe của bé không đảm bảo. Do vậy, khi bé sinh ra khỏe mạnh, tôi hạnh phúc vô cùng. Năm nay 40 tuổi rồi, chúng tôi quyết định không sinh thêm con, dành thời gian nuôi dạy Tuấn Anh cho thiệt tốt”.
Anh Phạm Bằng Việt, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, một trong số người đầu tiên thực hiện phương pháp TTTON tại Khoa Hiếm muộn, ôm cậu con trai 3 tuổi bụ bẫm, kháu khỉnh, xúc động: “Vợ chồng tôi là nông dân, trước đây không dám mơ có con vì không thể có hàng trăm triệu đồng lên Sài Gòn điều trị. Nhờ các BS ở đây giúp nên chúng tôi có được thiên chức làm cha làm mẹ, hạnh phúc gia đình càng tăng khi trong nhà vang tiếng nói cười của cháu”.
Tỉ lệ thành công cao
Trước đây để điều trị hiếm muộn, hoặc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đến các bệnh viện ở TP.HCM. Kinh phí điều trị và đi lại lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng không phải ca nào cũng thành công, có người tốn gần 500 triệu đồng mà chưa có con. Những cặp vợ chồng nghèo chẳng may bị vô sinh thì không bao giờ dám mơ đến việc điều trị… Cảm thông với nỗi lòng của những cặp vợ chồng hiếm muộn đồng thời thực hiện định hướng phát triển kỹ thuật cao cho ngành y tế, năm 1999, BS. Lê Thành Lập, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cần Thơ đã cử các BS đến Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đào tạo kỹ thuật IVF. Lúc ấy GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng không chỉ tạo điều kiện về học tập chuyên môn, thực hành kỹ thuật mà còn chăm lo điều kiện ăn ở cho các BS của Cần Thơ. Ngày 28-4-2010, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ tổ chức khánh thành Khu TTTON và đưa vào hoạt động.
Đến nay, Khoa Hiếm muộn đã thực hiện tốt các kỹ thuật được chuyển giao như: TTTON với kỹ thuật ICSI, trữ lạnh phôi, chọc hút trứng, chuyển phôi, xin cho trứng, kỹ thuật giảm thai trong đa thai… Khoa đã thực hiện 110 ca TTTON và thành công 50 ca, tỷ lệ 45,4%. Tỷ lệ này được đánh giá là thành công cao trong các Lab IVF. Để có những thiết bị hiện đại phục vụ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, kinh phí trang bị một Lab, nhất là với phương pháp TTTON, rất lớn. BS.CKI Nguyễn Việt Quang, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết: “Phương pháp TTTON sẽ không thể thành công nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa BS lâm sàng và phòng thí nghiệm (phòng Lab). BS lâm sàng khám và đánh giá tình trạng sức khỏe cặp vợ chồng, rồi chọn phương pháp thụ thai thích hợp, sau đó cho thuốc chích và uống bồi bổ cơ thể để người vợ có trứng tốt. Phòng Lab xử lý, làm tốt khâu thụ tinh và làm tổ của phôi. Chăm sóc phôi thai thật tốt rồi chuyển vào tử cung người mẹ. Sau đó BS lâm sàng chăm sóc thai phụ, giúp người mẹ sinh con an toàn”.
Bác sĩ CKII. Nguyễn Hữu Dự, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết: “Năm 2014 bệnh viện dự kiến sẽ triển khai các kỹ thuật mới gồm: Hỗ trợ phôi thai thoát màng bằng Laser; TTTON với tinh trùng từ mào tinh (PESA); trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM) nhằm giúp tăng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn nói chung và TTTON nói riêng, góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân và mang hạnh phúc đến các cặp vợ chồng hiếm muộn”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Theo số liệu của ngành y tế, Việt Nam có từ 7 đến 10% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có vấn đề về sinh sản. Cả nước có hơn 10.000 trẻ ra đời từ TTTON, các cháu đều khỏe mạnh, lanh lợi, trong đó nhiều cháu học rất giỏi. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)