Trẻ nhiễm viêm phổi đang dược điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1
|
Ô nhiễm ngay trong chính ngôi nhà đang sống lại là một trong những điều kiện thuận lợi khiến trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh, trẻ vài tháng tuổi nhiễm viêm phổi hơn cả so với ô nhiễm ngoài đường phố.
Viêm phổi vì… nhà quá chật
Bé Nguyễn Hoàng Hà (Gò Vấp, TP.HCM), mới 5 tháng tuổi nhưng đã phải nhập viện điều trị 3 tháng nay vì viêm nhiễm ở phổi. Anh Nguyễn Hoàng Thụy – cha của bé cho biết, bắt đầu từ khi bé được 2 tháng tuổi, gia đình thấy bé có biểu hiện thở khò khè, thở nặng, thậm chí lồng ngực bị lõm vào mỗi khi bé thở. Các BS tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chẩn đoán bé Hà bị viêm phổi ở giai đoạn nặng, phải điều trị trong một thời gian dài. Một phần nguyên nhân được xác định là do quá thiếu không khí trong ngôi nhà mà bé Hà đang sống.
Anh Nguyễn Hoàng Thụy cho biết, hiện gia đình anh đang sống với bố mẹ, ông nội, gia đình anh trai gồm anh trai, chị dâu và 2 con trong ngôi nhà chưa đến 50m2. Với diện tích quá chật hẹp mà nhiều thế hệ sinh sống nên nhiều khi thấy rất ngột ngạt, nhất là những lúc trời nắng nóng, rồi lại thi thoảng có người ra người vào với mùi khói thuốc lá. Được BS tư vấn rằng, không gian gia đình chật hẹp, thiếu không khí là một phần tác nhân gây ra bệnh viêm phổi ở bé nên anh Thụy đã phải tức tốc đi thuê nhà để gia đình sinh sống, đồng thời tạo môi trường rộng rãi, thoáng mát cho bé thở.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, những ngày này tiếp nhận hàng trăm ca bệnh nhi nhiễm viêm phổi, dao động từ độ tuổi vài tháng đến trên một tuổi mà đa phần khi được hỏi, các bậc phụ huynh đều chia sẻ rằng do gia đình sống khá chật hẹp.
Theo ThS.BS Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 thì viêm phổi hay còn được gọi là viêm nhiễm của phổi, tác nhân nhiễm trùng do vi trùng, virus, vi sinh vật khác. Bên cạnh đó, còn có những tác nhân không do nhiễm trùng như có thể trẻ bị sặc hoặc hít phải các hóa chất độc hại. Đặc biệt, yếu tố môi trường sống cũng là một điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. BS. Tuấn cho biết, chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định rằng ô nhiễm trong ngôi nhà của mình còn nguy hiểm hơn cả ô nhiễm ngoài đường phố. Và những năm gần đây, tỉ lệ trẻ nhỏ trên vài tháng tuổi nhập viện do viêm phổi ngày càng gia tăng.
Có thể tử vong
Biểu hiện sớm nhất để phát hiện trẻ bị nhiễm viêm phổi là trẻ có dấu hiệu thở nhanh. Chỉ cần trẻ có dấu hiệu thở nhanh là đã khẳng định trẻ bị viêm phổi. Với dấu hiệu này còn giúp khẳng định bệnh sớm hơn cả chụp X quang và nghe ống nghe, cũng như giúp các bậc phụ huynh dễ dàng nhận biết. Khi quan sát bé thở trong thời gian một phút, đối với các bé dưới 2 tháng tuổi thì nhịp thở nhanh là 60 lần/ phút, bé 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi là 50 lần/ phút còn đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi, nhịp thở nhanh được xác định là 40 lần/ phút. Đối với biểu hiện này, khi phát hiện sớm điều trị kịp thời, kết quả điều trị tốt sẽ là 80%, điều trị đơn giản chỉ trong vòng từ 7-10 ngày.
Còn khi trẻ đã có những biểu hiện như thở co lõm lồng ngực, khó thở thì khi đó trẻ đã nhiễm viêm phổi nặng. Đối với những trường hợp này, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như suy hô hấp do thiếu ôxy, hình thành ổ mủ trong phổi gây áp xe phổi hoặc ổ mủ trong màng phổi gây viêm màng phổi, có thể dẫn đến tử vong. Di chứng để lại ở trẻ cũng chiếm tỷ lệ cao, kéo dài khoảng thời gian điều trị bằng tuần, bằng tháng.
ThS.BS Trần Anh Tuấn cũng lưu ý về chế độ dinh dưỡng khi trẻ nhiễm viêm phổi. Cần cho trẻ uống nhiều nước để giúp long đờm và tránh nặng bệnh thêm. Không cho trẻ kiêng ăn các loại tôm, cua, cá hay không cho trẻ kiêng sữa. Cho trẻ ăn những loại thức ăn mềm và chia nhỏ bữa. Các phụ huynh không nên nghe đâu đó mà kiêng cho trẻ ăn và uống. Như thế chỉ hạn chế thời gian phục hồi bệnh ở trẻ. Bệnh viêm phổi ở trẻ càng nhỏ thì càng có nguy cơ biến chứng cao. Vì vậy, khi nhận biết dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và kịp thời điều trị.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Những điều phụ huynh cần biết
ThS.BS Trần Anh Tuấn cũng khuyến cáo, thời gian trẻ nhiễm viêm phổi thường rơi vào những tháng như tháng 8 đến tháng 10 và tháng 1 đến tháng 3. Để trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi, trẻ dưới 1 năm tuổi không bị nhiễm viêm phổi thì trước hết trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, đủ không khí. Không dùng than củi để nấu bếp sẽ hạn chế được 50% nguy cơ trẻ mắc viêm phổi. Sử dụng các loại vaccine chủng ngừa viêm phổi cho trẻ như vaccine sởi, ho gà, bạch hầu, vaccine viêm màng não. Đặc biệt, rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ cũng giúp hạn chế nguy cơ trẻ nhiễm viêm phổi.
|
Bình luận (0)