Mục tiêu của Mỹ đối về giá trần đối với dầu mỏ Nga được tiết lộ, theo Bloomberg.
Công nhân trên giàn khoan dầu ngoài khơi Prirazlomnaya, Nga.
Mỹ đang tích cực làm việc nhằm mục tiêu đạt được giá trần với dầu của Nga ở bất kỳ mức nào trong khoảng 40-60 USD/thùng – Bloomberg đưa tin hôm 6.7, trích dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề.
Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên đưa ra ý tưởng này tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước.
Mức giá trần được áp đặt đối với dầu mỏ của Nga để trừng phạt nước này vì cuộc xung đột ở Ukraina. Cơ chế này được thiết kế để dầu của Nga sẽ không và không thể được mua với giá cao hơn mức giá trần.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dầu đang nghi ngờ về khả năng hoạt động của cơ chế giá trần, trong khi Nga cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào như vậy sẽ thực sự khiến giá dầu tăng vọt.
Các quan chức chính quyền Biden đang “có nhiều cuộc họp một tuần” về chủ đề giá trần, “cố gắng đẩy nó thành hiện thực” – một quan chức nói với Bloomberg.
Washington cũng đang khám phá các công cụ thực thi như trừng phạt các công ty vận tải biển vận chuyển dầu với giá cao hơn, cũng như trừng phạt các ngân hàng và tổ chức tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ và các đồng minh sử dụng các biện pháp trừng phạt “thứ cấp”, bên cạnh các lệnh cấm vận mà họ áp đặt trực tiếp lên Nga.
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã thảo luận về việc giới hạn giá xuất khẩu dầu của Nga trong nhiều tuần, nhưng các chuyên gia năng lượng không tin rằng nó có thể thực sự được thực hiện.
Nhà phân tích dầu độc lập Neil Atkinson nói với CNBC: “Những cơ chế này chỉ có thể hoạt động nếu thu hút được tất cả các nhà sản xuất chủ chốt và đặc biệt là tất cả những người tiêu dùng quan trọng cùng làm".
“Họ chưa nghĩ kỹ, họ chưa nói chuyện với Ấn Độ và Trung Quốc” – Amrita Sen của Energy Aspects nói với CNBC, đề cập đến hai nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga vào thời điểm hiện tại. “Chúng ta thực sự nghĩ rằng họ sẽ đồng ý với điều này? Và liệu chúng ta có thực sự nghĩ rằng Nga sẽ thực sự chấp nhận điều này và không trả đũa? Tôi nghĩ đề xuất giá trần nghe có vẻ là một khái niệm lý thuyết rất, rất hay nhưng nó sẽ không hoạt động trong thực tế”.
Nga cảnh báo giá dầu có thể lên đến 300-400 USD/thùng nếu áp đặt giá trần với dầu của Nga.
Khi chính phủ Nhật Bản đưa ra ý tưởng giới hạn giá dầu của Nga vào đầu tuần này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trên mạng xã hội rằng điều này thực sự có thể đẩy giá dầu lên mức 300-400 USD.
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác đã nói rõ ràng rằng áp đặt giá trần là nhằm cắt nguồn tài chính cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, chứ không phải giúp công dân của họ giảm nhẹ gánh nặng giá xăng dầu.
Citigroup cảnh báo, nếu suy thoái toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu, giá dầu có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào cuối năm 2022 và thậm chí xuống mức thấp nhất là 45 USD vào năm 2023. Tuy nhiên, giá dầu Brent ngày 6.7 là 104 USD/thùng, còn dầu WTI giao dịch ở mức trên 100 USD.
“Đối với dầu, bằng chứng lịch sử cho thấy nhu cầu dầu chỉ giảm trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trên toàn cầu. Nhưng giá dầu giảm trong tất cả các cuộc suy thoái xuống gần bằng chi phí cận biên” – các nhà phân tích của Citigroup cho biết.
Sự gián đoạn sản lượng dầu tiềm năng ở Na Uy – nơi công nhân nước ngoài bắt đầu đình công – đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu. Cuộc đình công dự kiến sẽ làm giảm sản lượng 89.000 thùng dầu mỗi ngày. Trong một diễn biến khác, Saudi Arabia đã nâng giá dầu thô tháng 8 cho người mua Châu Á lên gần mức kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)