Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mầm bệnh khó lường từ thú “độc”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Rắn “độc” không rõ nguồn gốc được dân chơi thú “độc” rất ưa chuộng
Chơi thú “độc” không rõ nguồn gốc chẳng phải là trào lưu mới. Mặc dù các chuyên gia y tế cảnh báo chúng nguy hại lớn đến sức khỏe nhưng một bộ phận giới trẻ vẫn xem thường.
Thú chơi “thời thượng”
Nguyễn Thanh Phong, một tay chuyên sưu tầm và nuôi thú độc khẳng định đây không phải là thú chơi của dân nhà nghèo. Sau gần 5 năm, Phong đã có bộ sưu tập hơn chục con thú “độc” từ rắn, kỳ nhông Nam Mỹ, cá sấu, nhện Tarantula… có giá trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Phong, những gì mình có được chẳng thể so sánh với đám bạn. “Bộ sưu tập của tụi nó có giá hàng trăm triệu đồng”, Phong nói.
Thú “độc” ở đây được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cứ vào mỗi cuối tuần, hội những người chơi thú độc của Phong lại gặp nhau tại một quán cà phê nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM. Thành, bạn của Phong lôi một con rắn màu ươm vàng, khoang cam ra khoe: “Nhìn cứ tưởng là rắn “độc” đã xuất hiện tại Việt Nam gần 5 năm trước nhưng không phải. Nó có giá trên 7 triệu đồng. Đắt vì không có nọc độc và là hàng hiếm”. Nói xong, Thành bắt chú rắn cho quấn lên cổ, cho vào túi áo biểu diễn rồi đặt trên bàn. Khi đã chán, Thành đặt con rắn vào một chiếc ly nhựa để có thời gian lướt nét. Thành còn cho biết thêm, hiện nay thú “độc” được giới trẻ chọn mua để làm quà sinh nhật cho người thân, bạn bè. Ngoài rắn “độc” có xuất xứ từ nước ngoài, dân chơi thú “độc” cũng mê mẩn không kém loài nhện được cho là chỉ có ở vùng Nam Mỹ. Phong cho biết: “Nhện này không cắn, mỗi khi dùng cây chọc vào cơ thể, nhện phản ứng bằng cách bắn lông ra. Ai bị lông nhện dính vào người sẽ gây ngứa, nếu không “ưa” sẽ nổi mẩn đỏ rất khó chịu”.
Nói nuôi thú “độc” là thú chơi của dân nhà giàu bởi việc sở hữu được một loài đã khó, việc chăm sóc càng khó hơn, lại rất tốn kém. Như loài kỳ nhông Nam Mỹ rất háu ăn. Thức ăn của chúng cũng xếp vào loại đắt đỏ là nho Mỹ. Khác với những loài khác, muốn kỳ nhông phát triển thì mỗi ngày người chơi phải phơi nắng chúng từ 1,5 giờ đến 2 giờ. Cũng xếp vào loại “lạ” mà không kém độc đó chính là cá sấu kiểng. Ông Nguyễn Văn Sáu (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) mua con cá sấu kiểng với giá 1,2 triệu đồng, chỉ bằng ngón chân cái. Sau ba tháng nuôi trong hồ kiếng, cá đã lớn bằng cổ tay, chiều dài đã gần 2 gang tay. Đêm nọ, chủ nhân của nó giật mình khi phát hiện cá sấu đã phóng ra khỏi hồ, đang gặm nhấm mớ dây điện lùng nhùng ở góc nhà. “Lúc đó cân nặng của nó đã hơn 3kg. May mà mấy đứa nhỏ nằm gần đó không bị cá sấu cắn. Hoảng quá tôi đã thả nó ra kênh”.
Đừng “rước bệnh” vào người
Từ khi trào lưu chơi thú “độc” xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam, nhiều điểm chuyên cung cấp thú cũng đã ra đời và ăn nên làm ra. Người bán còn cung cấp “cẩm nang” nuôi và chăm sóc thú “độc”, nhưng chính họ cũng rất… lơ tơ mơ về nguồn gốc cũng như mức độ nguy hại từ những loài thú này mang lại. Theo địa chỉ Phong cung cấp ở Q.10, chúng tôi liên hệ để tìm hiểu về nhện kiểng Blue mà người bán khẳng định “chúng không hề có độc, rất hiền và 100% là hàng xách tay” bán với giá từ 600.000-1.200.000 đồng/ con. Tuy nhiên, nhiều người chơi cho biết loài này rất hung dữ, thường xuyên cắn người. Khi không may bị nhện cắn, quanh vùng cắn sẽ tê nhức cả tuần, thậm chí cả tháng. Tại đây, còn rao bán những chú sóc bông Chinchillas, ếch Pacman màu sắc sặc sỡ có giá trên dưới 2.000.000 đồng/ con. Theo đó, những loài thú khó nuôi thì giá càng cao.
Theo kỹ sư Trần Nam Dương, Công ty Nuôi trồng thủy sản miền Nam, cá sấu kiểng đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Đây là loài rất hung dữ, háu ăn, đặc biệt là thức ăn có mùi tanh, răng sắc nhọn có thể cắn chết người. Chúng được xếp vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nuôi và nhân giống.
Trước đây, con thú kiểng gây “sốt” trong giới trẻ là chuột hamster. Nhưng một thời gian sau đó, loài này đã không còn được chú ý bởi chúng lây bệnh dịch hạch sang người. Điều lo ngại là hiện nay, việc kinh doanh và nuôi thú “độc” gần như bị bỏ ngỏ. Với những loài thú “độc” không rõ nguồn gốc xuất xứ, người nuôi cần phải cân nhắc.
Bài, ảnh: Trần Anh
BS. Hoàng Văn Nghĩa (Chi cục Thú y TP.HCM) cảnh báo: “Thông thường những loài thú lạ nuôi làm kiểng có virus dại nằm ở răng hoặc móng, vuốt của chúng. Có thể thú không cắn nhưng khi cào cấu, nguy cơ virus dại lây lan sang người là rất cao”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)