Gia cầm chưa qua kiểm dịch bán ở cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp – TP.HCM). Ảnh: K.N
|
Theo đó, đối với các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc và Campuchia, tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có nguy cơ cao 2 lần/tuần ở các huyện, thị xã, thành phố giáp đường biêngiới; 1 lần/tuần ở các huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với các huyện đường biên.Đối với các tỉnh, thành phố còn lại, định kỳ 2 tuần/1 lần tổ chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có nguy cơ cao.
Hiện, cả nước đã có 64 ổ dịch tại 16 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… với khoảng 70 ngàn gia cầm mắc bệnh. Ngoài ra, giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống thuộc 44 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, tỷ lệ mẫu vịt dương tính với virus cúm A/H5N1 gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virus A/H5N1 trên 61%. Không chỉ có vậy, virus cúm A/H5N1 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới. Từ đầu năm đến nay cả nước đã có 2 người mắc bệnh cúm A/H5N1 và tử vong tại Bình Phước, Đồng Tháp. Theo Tổ chức WHO, tại Campuchia năm 2013 đã có 26 người mắc bệnh, trong đó 14 người chết do virus cúm A/H5N1.
Song song đó, tại Trung Quốc, cúm A/H7N9 cũng đang diễn biến rất phức tạp. Trong hơn một tháng qua, Trung Quốc đã ghi nhận 192 trường hợp mắc mới, trong đó có 19 ca tử vong. Riêng tại tỉnh Quảng Tây giáp với biên giới Việt Nam đã có 3 người nhiễm virus cúm A/H7N9. Trung Quốc cũng đã phát hiện virus cúm A/H7N9 lưu hành tại một số chợ buôn bán gia cầm sống.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và các tổ chức quốc tế nhận định: Nguy cơ virus cúm A/H7N9 và virus cúm khác xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, nhất là các tỉnh khu vực biên giới và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Để chủ động ngăn ngừa virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm khác xâm nhập, gây bệnh cho người và gia cầm, biện pháp tốt nhất và cần được ưu tiên hiện nay là ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu, tiêu độc, khử trùng. Trong đó tập trung ở khu vực cửa khẩu, khu dân cư giáp đường biên giới; chợ buôn bán, khu vực tập kết, thu gom gia cầm; phương tiện, dụng cụ chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm và thức ăn chăn nuôi; khu vực tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm; cơ sở, điểm giết mổ gia cầm…
K.Anh
Bình luận (0)