Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thực đơn bán trú: Không thể áp dụng rập khuôn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để HS quen được với bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú, Trường Tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM) đã phải tự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của HS
Học sinh (HS) bỏ thừa nhiều thức ăn, một số phụ huynh không ủng hộ, bảo mẫu còn lúng túng trong hướng dẫn “3 phút thay đổi nhận thức”, nhân sự cấp dưỡng tăng công việc… là những khó khăn mà các trường gặp phải khi thực hiện bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú. Ngoài ra, việc đánh giá kết quả dinh dưỡng cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị đánh giá và rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của HS tiểu học và bộ minh họa thực phẩm “3 phút thay đổi nhận thức” tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM), do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) tổ chức.
Nhiều khó khăn
Bộ thực đơn gồm cơm, các món canh, mặn, xào, tráng miệng và món xế, được xây dựng cho 8 tuần, mỗi tuần 5 ngày. Nổi bật là khẩu phần rau nhiều hơn thịt, có một số món lạ so với trước đây. Tuy nhiên, chính điểm mới này lại gây không ít khó khăn cho các trường khi thực hiện.
Cô Trần Thị Thu Hiền, Chuyên viên tiểu học Q.Tân Bình chia sẻ: “Ở nhà các em được ăn quen với các món mặn nhiều hơn rau. Vì thế nhiều em, tập trung vào HS lớp lớn đã bỏ dư thức ăn. Ngoài ra, một số món chưa phù hợp. Ví dụ món bánh đa cua phải đảm bảo nước sốt nóng, nhưng khi đưa vào số lượng HS đông, thì món này nguội, gây ra mùi tanh của cua. Hoặc món có sốt marinade chỉ phù hợp ở một số gia đình. Cũng vì trẻ không ăn được khiến các em nhanh đói, về nhà phụ huynh nghe trẻ than đói liền quay lại phản đối với nhà trường…”. Còn đại diện huyện Bình Chánh thì: “Nhiều phụ huynh không chấp thuận mức giá 25 ngàn đồng/suất, mà yêu cầu từ 19-22 ngàn đồng/suất. Với giá này các trường sẽ khó thực hiện, nhưng nếu không áp dụng thì phụ huynh cho con em ăn bên ngoài với giá 14, 15 ngàn đồng/suất”.
Bên cạnh những khó khăn trên, các quận – huyện còn cho rằng, do số món tăng lên khiến bộ phận cấp dưỡng phải làm việc nhiều hơn. Muốn tuyển thêm thì không có khả năng. Bên cạnh đó, các bảo mẫu không qua trường lớp đào tạo nên còn rất lúng túng khi hướng dẫn bộ minh họa thực phẩm “3 phút thay đổi nhận thức”. Trong khi đó hoạt động này đóng vai trò không nhỏ trong việc chuyển đổi ý thức, hành vi của HS. Chưa kể, thực đơn áp dụng chung cho cả HS suy dinh dưỡng, HS béo phì, HS bình thường nên các trường khó đánh giá chính xác kết quả dinh dưỡng, sự phát triển sức khỏe của các em.
Tự điều chỉnh thực đơn cho phù hợp
So với thực đơn cũ được xây dựng hàng tuần, chủ yếu 1 món mặn, 1 món canh, cơm tráng miệng và ăn xế. Số lượng các món ăn tương đối ít, hay lặp lại. Việc xây dựng tự phát, không căn cứ vào nhu cầu năng lượng của trẻ và thành phần dinh dưỡng của món ăn. Vì thế, thực đơn mới được đánh giá là khoa học, hướng dẫn chi tiết, đảm bảo cung cấp đầy đủ yếu tố dinh dưỡng cho HS.
Q.11 là một trong những đơn vị được đánh giá đạt hiệu quả cao trong công tác thực hiện bộ thực đơn này. Kết quả chung toàn quận đã tạo được sự đồng thuận từ phía phụ huynh HS và nhà trường, không còn sự phản đối. Các bữa ăn được tạo ra phong phú về thành phần dinh dưỡng, hài hòa về số lượng các món, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Việc thực hiện tự nguyện, không gò ép. Và HS đã làm quen dần với bữa ăn có nhiều rau hơn. Tiêu biểu có Trường Tiểu học Trưng Trắc. Qua sự quan sát của chúng tôi trong bữa ăn trưa ngày 21-2 tại trường thì thấy hầu hết HS đều đã quen, thích thực đơn mới. Các em ăn ngon miệng, không bỏ thừa thức ăn. Đặc biệt trong “3 phút thay đổi nhận thức”, bảo mẫu nói về vai trò, tác dụng của từng món ăn trong ngày khiến các em thích thú. Ngoài ra nhiều em còn biết sử dụng đũa gắp thức ăn khi mà trước đây không biết cách dùng.
Tuy nhiên, để HS quen được với thực đơn trên thì nhà trường đã phải tự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu. Cụ thể thực đơn được tăng số lượng món mặn từ 35-40gr lên 70-80gr; giảm lượng canh rau đay; thêm một số món như chè, sâm bổ lượng, kem mà thực đơn không có… Bên cạnh đó nhà trường còn đặt thực phẩm đã được sơ chế sẵn để giảm thời gian chuẩn bị cho bộ phận cấp dưỡng.
Cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nếu áp dụng máy móc theo bộ thực đơn thì thời gian sẽ mất nhiều, ảnh hưởng đến công việc cấp dưỡng. Rồi HS sẽ không ăn hết suất mà sinh ra cảm giác sợ đến bữa ăn. Vì thế bắt buộc chúng tôi phải điều chỉnh cho phù hợp với khả năng tiếp nhận, giúp trẻ ăn ngon hơn, no hơn”.
Cách làm của Trường Trưng Trắc cũng là cách làm chung của một số trường trong quận. Ngoài ra, một số trường chưa thực hiện việc phân phối thức ăn theo từng nhóm tuổi. Các trường sử dụng suất ăn sẵn tuy đã thay đổi theo bộ thực đơn chuẩn nhưng việc theo dõi thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng còn chưa chặt chẽ, đôi khi lệ thuộc vào nhà cung cấp suất ăn. Tại các quận – huyện khác, một số trường chỉ lấy  một vài món trong thực đơn đưa vào, có trường chỉ thực hiện 1 hoặc 2 ngày/tuần.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
HS đang dần quen với thực đơn
BS. Nguyễn Tài Dũng (Phó trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Bước đầu thực hiện thực đơn, các trường gặp không ít khó khăn. Song kết quả các trường thực hiện cho thấy HS đang dần quen với thực đơn, ăn ngon miệng, không bỏ dư thức ăn, đặc biệt được phụ huynh đồng thuận cao. Tuy nhiên các trường cũng nên để HS tham gia hơn nữa vào bữa ăn như để các em tự lấy chén, đũa phục vụ bản thân. Hoạt động này nhằm rèn kỹ năng tự chăm sóc, phục vụ cho bản thân”.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)