Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ngao ngán ca từ nhạc trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Dù công chúng và giới chuyên môn nhiều lần chỉ trích nhưng tình trạng ca từ nhạc trẻ phản cảm, vô nghĩa vẫn đầy rẫy trong nhiều sản phẩm của ca sĩ trẻ

Phí Phương Anh đã được gọi đích danh với nhận định "hát nhảm nhí, dung tục" sau khi lấn sân nhạc Việt bằng loạt ca khúc.

Công chúng "choáng váng"

Kịch bản MV (video ca nhạc) mang tên "Mập mờ" của Phí Phương Anh là câu chuyện tình tay ba, tay tư quen thuộc. MV được triển khai khá lủng củng. Chất giọng của Phí Phương Anh được nhận xét là yếu, gần như thều thào. Mới đây, đoạn clip do Phí Phương Anh đăng tải lên mạng xã hội gây tranh cãi. Ngay khi cất giọng, quán quân The Face khiến người nghe khó chịu vì giọng ca "ngang phè phè". Dù vậy, Phí Phương Anh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề hát. Cụ thể là tần suất phát hành sản phẩm âm nhạc của cô còn nhiều hơn ca sĩ chuyên nghiệp.

Ngao ngán ca từ nhạc trẻ - Ảnh 1.

Người mẫu – ca sĩ Phí Phương Anh với loạt ca khúc có chất lượng kém. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mặc dù sản phẩm của giọng ca người đẹp này khá thu hút người xem, nhưng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) nhận định thẳng thắn về âm nhạc của Phí Phương Anh: "Trên nền nhạc sôi động, thời thượng là những ca từ hết sức nhảm nhí, dung tục". Trước phản ứng của dư luận, Phí Phương Anh nói cô đang học thanh nhạc và giáo viên của cô nhận định cô có khả năng. Khả năng đến đâu thì chưa biết nhưng nhiều người nghe đều tán đồng nhận định Phí Phương Anh sở hữu "ca khúc nhạt, giọng hát tệ cùng sự tự tin thái quá".

Ngoài Phí Phương Anh, nhiều cái tên khác cũng được VTV "điểm mặt" như Bình Gold, Rhymastic. Rhymastic đã phản hồi lại với VTV và gửi lời cảm ơn đến VTV khi đã phản ánh kịp thời và khẳng định sẽ rút kinh nghiệm.

BigDaddy (tên thật Trần Tất Vũ) cũng khiến công chúng ngán ngẩm khi ra mắt bài hát "Mẩy thật mẩy". MV đạt triệu lượt xem và vào top thịnh hành trên kênh YouTube Việt nhưng khán giả phải lắc đầu với hình ảnh ống kính máy quay liên tục lia sát vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể nữ vũ công Emily (vợ của BigDaddy). Bên cạnh đó, phần lời của "Mẩy thật mẩy" bị đánh giá có quá nhiều ca từ dung tục.

Xuyên suốt thời lượng gần 4 phút của MV, bản rap có những ca từ miêu tả sự gợi cảm của phái đẹp kiểu: "hở hở hang hang", "nở nở nang nang", "lột đồ", "ngon đét", "căng đét"… Ca từ này cùng với những hình ảnh nóng bỏng trong MV bị nhiều khán giả đánh giá nam rapper đang không tôn trọng phụ nữ và những hình ảnh, nội dung này không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Việc các ca khúc gây sốc, được xem là thảm họa xuất hiện với hàng triệu lượt người xem và người nghe không khỏi gây ra nỗi lo ngại cho nền âm nhạc Việt. Thế nhưng điều này lại đang là hướng đi mà một số ca sĩ trẻ đang lựa chọn. Minh chứng là bài hát càng "sốc" lại càng dễ ồn ào, gây sự chú ý. Một số giọng ca đã trở thành ca sĩ với lời mời biểu diễn vì "sở hữu ca khúc triệu view trên YouTube".

Có thể nói những ca khúc có nội dung phản cảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận khán giả, đặc biệt là giới trẻ vì đây là đối tượng dễ bị "nhiễm" nhất. Một sản phẩm âm nhạc nhận được hàng trăm ngàn chỉ trích, chê bai thì liệu sự nổi tiếng ấy có bền lâu?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: "Những ai có mộng làm ca sĩ nhưng lại chọn cách vào nghề kém văn hóa, thậm chí là ngông cuồng, lạc lõng như đã đề cập thì sẽ không thể theo nghiệp ca sĩ dài lâu. Họ không trân trọng giá trị đích thực của âm nhạc. Sản phẩm chỉ là cái cớ để họ đạt được danh lợi, tiền bạc, sự nổi tiếng".

Theo giới nhạc sĩ, một bài hát là phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, đẹp từ nội dung ý nghĩa đến cả tựa đề, đó mới là sự hoàn mỹ. Người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp.

Ca sĩ Trịnh Thăng Bình bức xúc: "Trào lưu đặt tựa đề bài hát, sử dụng ca từ tục tĩu chắc chắn sẽ lụi tàn theo thời gian nhưng hình ảnh xấu xí, không sạch sẽ bám đuổi theo nghệ sĩ cả sự nghiệp. Tôi mong các nghệ sĩ phải cân nhắc đến tương lai mà chọn cho mình con đường âm nhạc tử tế để đi".

"Ca khúc “Phiếu bé ngoan 2” do Yanbi và Mr.T thể hiện có ca từ phản cảm, mang tính khiêu dâm và nhiều sản phẩm âm nhạc khác có cách dùng từ, chơi chữ, lời bài hát thô thiển, dung tục đến nay đã biến mất khỏi thị trường âm nhạc.
Theo Thùy Trang/NLĐO

 

Bình luận (0)