Cháo cá diếc là món ăn bổ dưỡng cho học sinh làm việc trí não nhiều. Ảnh: P.V
|
Trong thời gian cố gắng học hành để chuẩn bị cho việc thi cử, tinh thần của các em học sinh sẽ căng thẳng, cơ thể mệt mỏi kéo dài nhiều ngày, nên ưu tiên một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, tức là phải ăn uống đầy đủ và cân đối những chất dinh dưỡng cần thiết (chất đường bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, các chất khoáng vi lượng, các vitamin), kết hợp tập luyện vận động thích hợp, để có một cơ thể khỏe mạnh.
Những loại cá cần ghi nhớ
Đó là các thực phẩm chứa nhiều chất chống ôxy hóa, có tác dụng bảo vệ tế bào não, các vitamin B, C, D, E có tác dụng phát triển trí não, tăng cường trí nhớ. Nên ăn nhiều loại cá, tối thiểu 3-4 lần trong tuần để bổ sung nguồn chất béo giàu Omega-3, là chất cần thiết cho sự phát triển chức năng hoạt động của não bộ và tăng cường trí nhớ.
Các thực phẩm giàu acid béo Omega-3 là cá nhiều mỡ (cá hồi, cá basa, cá ngừ, cá trích, cá thu, cá nục, cá hú, cá bông lau, cá mè…), các loại rau có lá màu xanh đậm (rau họ cải, bông cải xanh, cải bó xôi, rau bồ ngót…), các loại rau củ, quả có màu vàng, đỏ, tím, các loại dầu đậu nành, dầu ô liu, hướng dương, dầu mè…
Cá trắm cỏ chứa nhiều chất đạm dễ tiêu hóa, các vitamin B1, B2, niacin, acid béo không bão hòa, các khoáng chất vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, kẽm, selen…, là món ăn bổ dưỡng, ích khí, kiện tỳ vị, rất tốt cho sức khỏe và trí óc; cá diếc có thịt dày, vị thơm, là món ăn ngon và lành, chứa nhiều chất đạm, chất béo, nhiều khoáng chất vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, vitamin các loại như B1, acid nicotinic…
Cháo cá diếc: Cá diếc bạc 250g, gạo nếp 60g. Cá làm sạch, bỏ vảy và nội tạng rồi cho cá vào túi vải, bỏ vào nồi cùng gạo nếp và lượng nước thích hợp để nấu thành cháo. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.
Đây là món ăn bổ dưỡng cho học sinh làm việc trí não nhiều. Cá bống có tác dụng ôn trung ích khí, làm ấm dạ dày, lưu thông khí huyết. Món canh cá rô nấu với rau cải bẹ xanh có tác dụng bổ tỳ vị, tiêu thực, bổ khí huyết, giải độc làm ra mồ hôi để giải nhiệt.
Cá trích chứa nhiều chất đạm, chất mỡ. Mỡ cá trích chứa nhiều acid béo Omega-3, có thể sản xuất ra DHA, một chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ, tăng cường sức khỏe não bộ, điều chỉnh huyết áp và phòng bệnh tim mạch. Theo đông y, cá trích có tác dụng bổ khí dưỡng vị, lợi thủy, trừ phong, làm giảm mệt mỏi…
Các loại thực phẩm khác
Bữa ăn trưa của học sinh bán trú Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Anh: D.Bình
|
Trứng là loại thực phẩm tốt cho não vì nó chứa nguyên tố vi lượng là selen, giúp cho trí nhớ và sự minh mẫn, nhạy bén trong tư duy.
Chỉ cần ăn một quả trứng (14 mcg selen), với một chiếc bánh mì nướng (thêm 10mcg nữa) là đã có được gần một nửa số lượng selen cần thiết trong ngày cho hoạt động của não bộ.
Bí đỏ là tên gọi chung cho cả 3 loại:Bí đỏ, bí ngô (bí vàng), bí rợ. Theo đông y, thịt quả bí đỏ có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, giải nhiệt, giải khát, nhuận trường, giải độc. Thường dùng chữa suy nhược, mất ngủ, táo bón, đái tháo đường, viêm ruột, kiết lỵ, viêm đường tiết niệu. Ngày dùng 150-200g tươi, nấu canh, nấu chè hoặc hấp chín để ăn.
100g bí đỏ có chứa tới 233mg acid glutamic. Chất này đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng thần kinh, trợ giúp các phản ứng chuyển hóa ở các tế bào thần kinh và não. Acid glutamic có vai trò quan trọng trong chuyển hóa cơ thể, thải loại amoniac, thúc đẩy khả năng học tập và ghi nhớ của bộ não.
Bí đỏ có tác dụng bổ não, tăng trí nhớ, làm phấn chấn tinh thần, chữa suy nhược thần kinh, hay quên, khó ngủ, nhức đầu, các bệnh về não như viêm não, viêm màng não… Do đó, bí đỏ là thực phẩm có ích cho những người bị các bệnh của thời đại công nghiệp như: Tinh thần căng thẳng, suy nhược thần kinh, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ. Bí đỏ hầm đậu phộng, súp bí đỏ nấu tôm nõn đều là những món ăn ngon miệng mà lại rất có ích trong mùa thi.
Chuối chứa nhiều protein, lipid, đường, cellulose, kali, calci, sắt, phốt pho, các vitamin A, B, C, E sẽ giúp trí não hoạt động nhạy bén và linh hoạt. Do đó, ăn chuối có thể giúp làm dịu hệ thần kinh, giúp học sinh tỉnh táo, học tập tốt hơn.
Theo đông y, chuối vị ngọt, tính mát, không độc, có khả năng dưỡng âm nhuận táo, sinh tân dịch; có tác dụng giảm phiền khát, nhuận phổi, nhuận tràng, thông huyết mạch, bổ tinh tủy. Táo tây cũng chứa đủ lượng acetylcholine (chất dẫn truyền thần kinh) cần cho trí nhớ, có thể bảo vệ não tránh stress, chống ôxy hóa với các rối loạn lão hóa và các bệnh mạn tính.
Hồ đào nhục (nhân quả óc chó) giàu vitamin E, có vị ngọt, tính ôn, không độc, tác dụng bổ can thận, thông não, có ích cho trí tuệ, mạnh lưng gối, tư dưỡng cường tráng, bổ khí, nuôi huyết, nhuận táo, không dùng hồ đào trong trường hợp có nhiệt đàm, nội nhiệt bốc hỏa.
Ngoài ra, hai món sau đây cũng rất có ích trong mùa thi:
– Bó xôi 60-120g, thịt gà 50-100g. Chưng cách thủy thịt gà với gia vị vừa ăn, khi thịt chín thì cho bó xôi vào để chưng tiếp 20-30 phút. Chia 2-3 lần ăn lúc đói bụng. Có ích cho người suy nhược cơ thể, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh.
Kim châm (hoa hiên khô) 100g, dùng chưng với đường phèn 100-150g là một món ăn bổ dưỡng, giải nhiệt độc, làm thư thái tâm hồn, nhẹ nhàng cơ thể.
Lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM)
Lưu ý là trong mùa thi, không nên dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn như pa tê, xúc xích, lạp xưởng có chất bảo quản, các loại thịt quay nướng (có mỡ cháy), các loại bánh kẹo ngọt, đồ uống có cồn, ga, các chất kích thích. |
Bình luận (0)