BSGĐ Nguyền Hồng Minh đang tư vấn cho bệnh nhân PhạmThị Hậu
|
Tại TP.HCM, với sự phối hợp của Sở Y tế TP, đặc biệt là Trường ĐH Y dược, một số bệnh viện cấp quận đã bắt tay vào thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ). Qua hai năm thực hiện, nhiều bệnh nhân đã bắt đầu làm quen với mô hình khám và điều trị bệnh mới mẻ này.
Mô hình y tế mới mẻ
Một lần xem chương trình trên truyền hình, chị Vũ Thị Hòa nhà ở đường Ngô Gia Tự, P.4, Q.10 mới biết ở TP.HCM đã có một số bệnh viện tuyến quận triển khai thực hiện mô hình BSGĐ trong 2 năm gần đây. Thế nhưng, để hiểu thật thấu đáo mô hình này thì chị vẫn chưa hình dung được hết.
Đó cũng là vướng mắc của ông Lê Xuân Trung nhà ở chung cư Bình Trưng Đông, Q.2 khi nghe nói đến mô hình mới lạ này. “Theo tôi nghĩ BSGĐ là mô hình thay vì bệnh nhân đến bệnh viện chữa bệnh thì ở đây BS lại đến nhà từng người dân để khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân” – ông Trung trao đổi. Tuy nhiên, theo BS. Phạm Hữu Quốc – Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp thì mô hình BSGĐ (còn gọi là phòng khám chuyên khoa y học gia đình) là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân ở địa phương, tương đương với trạm y tế nhưng cũng có vai trò là bệnh viện tuyến quận huyện vì có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị. Cái hay của mô hình này là bệnh nhân sẽ được BS quản lý thông tin sức khỏe toàn diện như nhóm máu, các loại bệnh mà bệnh nhân từng mắc cùng với kết quả xét nghiệm, quá trình sử dụng và dị ứng thuốc. Nếu cần, họ có thể sẵn sàng đến nhà khám và chữa bệnh cho bệnh nhân theo yêu cầu.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, mô hình BSGĐ thực sự đem lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe cao hơn mà lại bớt được nhiều tốn kém về thời gian và tiền bạc cho người dân. Chính nhờ “lực hút hấp dẫn” đó mà mô hình này “lôi kéo” được các bệnh nhân về với mình cho nên giảm được tình trạng quá tải ở tuyến trên. BS. Lê Thanh Tùng – Phó giám đốc Bệnh viện Q.10 khẳng định, phòng khám chuyên khoa y học gia đình mở ra các dịch vụ như khám tầm soát phát hiện bệnh sớm theo yêu cầu hoặc theo định kỳ. Ngoài khám và điều trị các bệnh thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, viêm loét dạ dày, viêm gan siêu vi B, phòng còn quản lý, theo dõi sức khỏe liên tục, toàn diện cho cá nhân và gia đình bằng bệnh án y học gia đình. Đây là điểm mới mẻ và mặt vượt trội hơn của mô hình đổi mới này. Không dừng lại ở đó, phòng khám y học gia đình còn có trách nhiệm hướng dẫn bệnh nhân khám đúng chuyên khoa và chuyển viện hợp lý, tham vấn về các vấn đề sức khỏe cho bản thân, cũng như các thành viên trong gia đình.
Thuận lợi cho người dân
Ngày 11-3 vừa qua, tại Phòng khám y học gia đình thuộc cơ sở 2 của Bệnh viện Gò Vấp (304 Quang Trung, P.11, TP.HCM), bệnh nhân Phạm Thị Hậu, 70 tuổi ngụ ở đường Thống Nhất, P.15 được BS.CK1 Nguyễn Hồng Minh điều trị chứng tăng huyết áp. Sau khi xem sổ y bạ và đo huyết áp, BS. Minh đã ra đơn thuốc để điều trị trong thời gian 2 tuần. Giúp bệnh nhân theo dõi bệnh tốt hơn, BS. Minh còn khuyên bà Hậu thường xuyên tự kiểm tra huyết áp tại nhà và đưa ra một chế độ ăn uống phù hợp cho người cao tuổi tăng huyết áp. Khi biết bà Hậu thường xuyên tập dưỡng sinh, BS phụ trách phòng khám này còn cung cấp thêm tài liệu được photo sẵn để bệnh nhân tham khảo và thực hiện. Bà Hậu chia sẻ: “Cuối năm 2013, khi biết tin Bệnh viện Gò Vấp có mở phòng khám y học gia đình, tôi được đứa cháu làm trong ngành y khuyên đến làm thủ tục để khám và chữa bệnh theo mô hình mới này. Sau 2 tháng điều trị tại đây, tôi thấy mô hình này có nhiều ưu thế hơn khi đến các bệnh viện trung tâm khác”. Cũng theo bà Hậu, nếu tại các bệnh viện lớn phải chờ đợi và bắt số từ 5, 6 giờ sáng đến trưa mới được vào phòng khám chuyên khoa thì ở phòng khám y học gia đình, chỉ chờ đợi khoảng 30 phút hoặc 1 tiếng là nhiều nhất. Điều này có lý do vì theo quy định của phòng khám thì mỗi ngày một BS chỉ được khám tư vấn tối đa 20 bệnh nhân mà thôi. Nhanh chóng, tiện ích đã trở thành thương hiệu của mô hình mới mẻ này. Có như vậy phòng khám mới “giữ được chân” của các khách hàng, trong đó có bà Hậu. Nhờ được tư vấn kỹ với thái độ phục vụ ân cần mà nhiều bệnh nhân đã bắt đầu có cảm tình với đội ngũ BS phòng khám y học gia đình ở ngay tại địa phương mình sinh sống. Tại Phòng khám y học gia đình ở Bệnh viện Q.2, anh Lê Xuân Hoàng ngụ ở đường Lương Định Của chỉ mất 5 phút là đến lượt khám của mình. Anh Hoàng cho biết, lý do anh đến khám không phải chờ đợi là do gọi điện thoại hẹn trước với BS. Đây là phương thức mà hầu hết các phòng khám y học tại các bệnh viện đang thực hiện đại trà nhằm tạo những thuận lợi tối ưu cho người dân.
Bài, ảnh: PHAN NGỌC QUANG
PGS.TS.BS Phạm Lê An (Trường ĐH Y dược TP.HCM) nhận định, mô hình BSGĐ theo đề án của Bộ Y tế nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn về chất lượng, giảm tối đa những phiền hà về thủ tục, cũng như áp lực từ nhiều lý do khác. |
Bình luận (0)