Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

50% học sinh tiểu học thiếu vitamin D

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh  Trường Tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM) trong bữa ăn trưa
Khoảng 50% học sinh tiểu học (9 đến 10 tuổi) thiếu hụt vitamin D. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể lực, hệ xương của trẻ. Đó là chia sẻ của BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
Bác sĩ Diệp cho biết, “Kết quả này thuộc khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Đông Nam Á (SEANUTS), cho thấy tỉ lệ học sinh tiểu học ở cả nông thôn lẫn thành thị một số vùng Việt Nam đều thiếu hụt vitamin D ở mức rất cao. Nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ lúc nhỏ của phụ huynh”.
Sợ nắng, trẻ thiếu vitamin D trầm trọng
Theo BS. Ngọc Diệp, thực tế việc cha mẹ chăm sóc con cái được cho là kỹ lưỡng không hẳn lúc nào cũng tốt vì kỹ quá chưa chắc phù hợp, đúng phương pháp. Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Thanh Vy (8 tuổi, Q.3) là ví dụ. Vy khá mập, đẫy đà hơn bạn bè nhưng lại hay ốm vặt, sổ mũi, và thỉnh thoảng chóng mặt. Mẹ Vy mua hết thuốc điều trị bệnh vặt đến thuốc bổ cũng không cải thiện được tình hình. Chỉ đến khi đưa Vy tới trung tâm dinh dưỡng khám thì mới hay Vy bị thiếu vitamin D là nguyên nhân gây bệnh. Và nguyên nhân sâu xa vì chế độ ăn uống không cân đối giữa các khẩu phần, thậm chí còn thiếu ánh nắng mặt trời. “Thấy cháu ăn được, thích ăn đồ béo như các loại thức ăn nhanh, bánh ngọt, nên tôi cứ để cháu ăn vì đang tuổi ăn, tuổi lớn, lại học hành khá nhiều. Hơn nữa cơ thể cũng không gầy, ốm vặt thì đứa nhỏ nào cũng có nên tôi không nghĩ là thiếu vitamin D”, chị Hồng Phương (mẹ Vy) chia sẻ.
Không như Vy, Trần Phương Thảo (Q.Bình Thạnh) đang học lớp 4 nhưng cơ thể chỉ lớn ngang học sinh lớp 3, người gầy gò, xanh xao. Bạn bè đặt luôn cho biệt danh là Thảo Còi. Thời gian gần đây đưa con đi khám, chị Kim Dung (mẹ Thảo) mới tá hỏa vì con gái ít được tiếp xúc ánh nắng dẫn đến thiếu vitamin D trầm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển hệ xương. Mà kể cũng đúng, không thiếu sao được khi mỗi ngày ra đường, Thảo được mẹ “che đậy” kín mít từ đầu đến chân tránh nắng, gió máy, bụi bặm. Sau giờ trên lớp, Thảo cũng chỉ quanh quẩn ở nhà chứ ít được tự do đi chơi. Chị Kim Dung chia sẻ: “Đường sá lúc nào cũng đầy khói xe, lại nắng nóng nên phải đeo vớ tay, vớ chân, áo khoác cho cháu nó. Tưởng càng kỹ càng tốt nhưng lại gây ra thiếu vitamin D, ảnh hưởng sức khỏe”.
Trước những vấn đề trên, BS. Ngọc Diệp cho rằng nhiều phụ huynh thấy con cái ăn được nên khuyến khích trẻ ăn nhưng không để ý sự cân đối khẩu phần. Hoặc sợ ánh nắng làm đen da, ung thư da nên hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc mà không biết rằng đây là nguồn chuyển hóa một lượng lớn vitamin D, cần cho sức khỏe. Ngoài ra, có thể do trẻ sinh non, đang mang bệnh liên quan đến gan, thận buộc phải sử dụng một số thuốc kháng viêm làm mất hoặc cản trở tác dụng của vitamin D…
Tác nhân gây còi xương, chậm phát triển…

Bữa ăn bán trú của Trường Tiểu học Phùng Hưng (Q.11) đầy đủ chất dinh dưỡng.
Theo BS. Ngọc Diệp thì khi vitamin D bị thiếu hụt sẽ dẫn đến phá hủy sự trao đổi canxi, phốt pho, gây còi xương, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Hoặc sẽ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, gây cảm cúm, hen suyễn, sốt, vết thương ngoài da lâu lành. Và còn là nguyên nhân gây hạ canxi trong máu, gây hoa mắt, chóng mặt. Bởi lượng canxi dự trữ trong cơ thể được duy trì ổn định phụ thuộc một phần hấp thu từ ruột, quá trình hấp thu phụ thuộc vào nồng độ vitamin D trong máu.
Để trẻ có được lượng vitamin D đầy đủ, BS. Ngọc Diệp khuyên phụ huynh cần cân đối nhóm thức ăn của trẻ đầy đủ chất, đa dạng khẩu phần, tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc ánh nắng và cần theo dõi sự tăng trưởng của trẻ để nắm bắt kết quả thường xuyên hơn. Cụ thể, vitamin D có không nhiều trong một số ít thực phẩm như: Thịt, trứng, sữa, bơ, và có nhiều trong dầu gan một số cá ngừ, cá hồi, nấm, một số loại ngũ cốc. Đây là những thực phẩm phụ huynh cần bổ sung cho trẻ hàng ngày. Riêng việc tiếp xúc ánh nắng là hết sức cần thiết. Vì cơ thể không tự tổng hợp được vitamin D mà phải sử dụng thông qua nguồn bổ sung ánh nắng, thế nên cần tạo điều kiện cho trẻ vận động, vui chơi dưới ánh nắng trong khoảng 15-30 phút ở thời điểm 6 giờ đến 8 giờ sáng là rất tốt. Lúc này tiền tố vitamin D có sẵn dưới da, qua tác động của ánh nắng sẽ chuyển sang dạng vitamin D, được hấp thu trực tiếp với các mạch máu, đáp ứng 50-80% nhu cầu của cơ thể.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
BS. Ngọc Diệp nhấn mạnh, sự thiếu hụt vitamin D gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sự phát triển thể lực, hệ xương của trẻ. Vi chất này đóng vai trò quan trọng không nhỏ khi tham gia vào quá trình chuyển hóa chất, giúp quá trình tăng trưởng tốt hơn, điều hòa miễn dịch, kích thích quá trình khoáng hóa giúp tăng trưởng cấu trúc xương chắc khỏe.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)