Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Quảng Ngãi: “Bệnh lạ” do ăn gạo mốc

Tạp Chí Giáo Dục

Gạo mốc là một trong những nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Trung
Gạo mốc có chứa độc tố Aflatoxin rất nguy hiểm đến sức khỏe con người được Bộ Y tế khuyến cáo không nên sử dụng. Loại độc tố này có thể gây nên hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (“bệnh lạ” ở Quảng Ngãi), đặc biệt là gây suy gan, ung thư gan nếu sử dụng trong thời gian dài.
Nhiều hộ dân sử dụng gạo mốc để ăn
Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là nhiều hộ gia đình ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nơi đang tái phát hội chứng viêm da dày sừng vẫn còn sử dụng loại gạo mốc để ăn hàng ngày. Ngay cả trường hợp tái phát bệnh vừa được phát hiện đã quay trở lại ăn gạo mốc từ 3 tháng trước.
Hết gạo trắng được Nhà nước hỗ trợ từ tháng 12 năm ngoái nên 3 tháng nay gia đình anh Phạm Văn Trói ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ đã dùng lại gạo lúa ủ, gạo mốc để ăn hàng ngày. Anh Trói cũng từng bị mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân năm 2012. Vẫn biết là gạo mốc, nhưng không còn cách nào khác khi trong nhà hết cái để ăn. Anh Trói vừa nhìn vào hũ gạo vừa nói: “Gạo này đã bị mốc, hư nhưng không có gạo trắng nên mới phải ăn”. Được biết, gia đình anh Trói có 6 người cùng mắc căn bệnh này, trong đó vợ bệnh nhân đã tử vong từ tháng 5-2012. Đây là ca bệnh đầu tiên được ghi nhận trong năm 2014 sau hơn 10 tháng không phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Quảng Ngãi.
Chỉ tính riêng tại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, qua kiểm tra đã phát hiện hơn một nửa hộ dân nơi đây quay lại sử dụng gạo lúa ủ và gạo mốc để ăn hàng ngày. Trong khi đó, Bộ Y tế đã chứng minh trong gạo ủ, gạo mốc có độc tố Aflatoxin gây ung thư gan, suy gan và là căn nguyên gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.Trường hợp đầu tiên mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi được phát hiện từ tháng 4-2011. Trong năm 2011 và 2012 đã ghi nhận 216 trường hợp mắc bệnh tại huyện Ba Tơ với 13 trường hợp tử vong. Năm 2013, ghi nhận 18 trường hợp bệnh tại 2 huyện Sơn Hà, Ba Tơ và không có trường hợp nào tử vong.
Chính quyền xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, nơi đang tái phát hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân lo ngại về tình trạng người dân quay lại dùng gạo ủ, gạo mốc để ăn. Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, cho biết: “Đối với gạo mốc thì địa phương cũng đã vận động người dân sau khi thu hoạch lúa là phải phơi khô ngay để tránh ẩm mốc”.
Nhiều biện pháp hỗ trợ người dân
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành để chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp. Trong năm 2013, chính quyền địa phương tiếp tục cấp 450 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ và trên 100 tấn gạo từ các nguồn hỗ trợ khác cho toàn bộ người dân trong vùng mắc bệnh, vận động, hướng dẫn, giám sát người dân thu hoạch, phơi khô thóc trước khi cất vào chòi, ăn gạo trắng thay cho gạo cũ. Đồng thời cấp phát thùng tôn trữ thóc, gạo cho các hộ gia đình. Đối với trường hợp bệnh nhân tái mắc lần này, ngay khi nhận được thông tin Cục Y tế dự phòng đã có công văn chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang tổ chức đoàn công tác phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi đi giám sát, điều tra dịch tễ tại xã Ba Điền và hỗ trợ các hoạt động can thiệp tại địa phương.
Nhằm chủ động phòng chống, tránh tái mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện một số nội dung: Có kế hoạch cung cấp gạo cho người dân bằng các nguồn lực huy động tại địa phương, đồng thời tiếp tục đề xuất Chính phủ cung cấp gạo khi cần thiết, không để người dân sử dụng gạo mốc ăn hàng ngày khi chưa vận động được người dân thay đổi tập quán, thói quen một cách triệt để trong việc thu hoạch, bảo quản thóc gạo. Sở Y tế tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm, quản lý các trường hợp bệnh và người có nguy cơ mắc bệnh tại cộng đồng để có biện pháp xử trí kịp thời, tiếp tục hỗ trợ vitamin cho người dân vùng mắc bệnh.
Trong thời điểm này, ngành y tế Quảng Ngãi tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giúp bà con vùng bị nhiễm bệnh lưu ý thực hiện để tránh lây lan. “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục thực hiện 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là tăng cường dinh dưỡng, thể lực cho người dân, bao gồm cấp vitamin, các chất dinh dưỡng. Hướng dẫn người dân thu hoạch lúa phải bảo quản cho tốt để tránh nấm mốc. Nhóm giải pháp thứ hai là tuyên truyền người dân thực hiện an toàn vệ sinh. Đó là vệ sinh môi trường, nhà cửa và cá nhân, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhóm giải pháp thứ ba là ngành y tế thường xuyên khám, sàng lọc để phát hiện bệnh. Khuyến cáo bà con, khi nghi mắc bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế” ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết.
Phước Trung – Kim Anh
BS. Nguyễn Khánh Hòa, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, khuyến cáo: “Các loại nấm mốc ảnh hưởng đến các cơ quan phủ tạng ví dụ như gan, đặc biệt là gây suy gan. Và lâu nay, chúng tôi luôn tuyên truyền cho bệnh nhân là không nên ăn những loại gạo ủ như vậy. Và phải tìm cách thay đổi tập quán cho người dân vùng bệnh để không ăn gạo ủ nữa mà nên ăn loại gạo trắng”.
 

Bình luận (0)