Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xu hướng các trường sẽ mở rộng hình thức tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2022, dự báo xu hướng các trường đại học, cao đẳng sẽ mở rộng hình thức tuyển sinh cho phù hợp với bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, song cũng nhằm thực hiện chiến lược giáo dục của Chính phủ. Đây được xem là cơ hội để thí sinh có nhiều sự lựa chọn và trúng tuyển vào các ngành nghề yêu thích. Cùng với đó, nhiều trường còn mở thêm một số ngành để đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội.

Ban Tư Vấn

Những thông tin này được các chuyên gia giáo dục, nhà giáo nêu ra tại Chương trình Tư vấn hướng nghiệp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 với chủ đề “Cùng bạn định hướng tương lai”.

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện, với sự đồng hành của các trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ban Tư Vấn

Tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh để tăng cơ hội trúng tuyển

Tại chương trình, Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ – chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết hiện nay các trường đại học, cao đẳng được tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh sẽ tăng cơ hội cho các em học sinh lựa chọn được ngành nghề yêu thích.

Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ

Xu hướng chung các trường sẽ mở rộng hình thức tuyển sinh so với các năm trước, trong đó sẽ có sự thay đổi phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đối với các hình thức. Ví dụ, năm trước các trường đa phần dành nhiều chỉ tiêu cho hình thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT thì năm 2022 tỷ lệ này chỉ đáng kể và tăng chỉ tiêu cho các hình thức khác.

Mặt khác, năm nay việc xét tuyển rất đa dạng, dựa vào nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau. Trước đây, các trường chủ yếu dùng kết quả học tập của học sinh như kỳ thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT bên cạnh các quy chế tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển. Còn năm nay, những hoạt động văn – thể – mĩ trong quá trình học THPT của học sinh cũng có thể là tiêu chí các trường đưa vào xét tuyển; hoặc những hình thức thư giới thiệu, phỏng vấn. “Vì thế, để tăng cơ hội trúng tuyển, tăng tính chủ động trong xét tuyển, học sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường được công bố trong thời gian tới”.

Theo Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, hình thức xét tuyển sẽ có 3 dạng cơ bản. Thứ nhất, dùng một loại tiêu chí xét tuyển như dùng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT; kết quả học bạ; kết quả kỳ thì đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Thứ hai, kết hợp nhiều tiêu chí xét tuyển. Có trường vừa dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, vừa dùng điểm học bạ THPT, có trường kết hợp điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thứ ba, đối với một số ngành đặc thù do có yêu cầu về môn năng khiếu đòi hỏi học sinh phải tham gia kỳ thi do trường đó tổ chức hoặc dùng kết quả thi ở trường khác vào xét tuyển.

Mở thêm ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực

Dịch bệnh xảy ra không chỉ tác động mạnh đến hoạt động đào tạo của các trường, phương thức tuyển sinh cho năm học mới, mà trong bối cảnh này cho thấy nhiều ngành nghề “lên ngôi”. Nổi bật phải kể đến công nghệ thông tin hay logistics,… Nắm bắt xu thế, nhiều trường đã mở thêm nhiều ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội.

Như Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung – Phó Trưởng phòng Truyền thông cho biết, với định hướng là một trường đại học đào tạo đa ngành, năm 2022 trường tuyển sinh 59 ngành đào tạo ở nhiều lĩnh vực để học sinh dễ lựa chọn. Trong đó có các ngành Công nghệ, Kinh tế tài chính, Khoa học sức khỏe, Khoa học xã hội, Luật, các ngành về Nông lâm. Đặc biệt có 9 ngành nghề mới được mở ra theo xu hướng lựa chọn của thí sinh cũng như nhu cầu của nhân lực xã hội và chưa được nhiều trường đào tạo như Digital marketing, Nghệ thuật số, Công nghệ điện ảnh, Truyền hình…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung

Để tạo thuận lợi cho học sinh trong đăng ký xét tuyển, nhà trường tiếp tục thực hiện 4 phương thức xét tuyển: theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM; kết quả điểm học bạ theo tổ hợp 3 môn 18 điểm trở lên; và xét học bạ 3 kỳ gồm tổng điểm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ 18 điểm trở lên.

Đối với một số ngành đào tạo mang tính chất đặc thù như Kiến trúc, Thiết kế sẽ có những tổ hợp yêu cầu phải có môn năng khiếu và có tổ hợp không yêu cầu để học sinh có nhiều sự lựa chọn. Đối với các môn năng khiếu, thí sinh có thể tham gia thi tại HUTECH hoặc thi tại các trường đại học khác, sau đó dùng kết quả để xét tuyển.

Tương tự Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm gần đây đã mở thêm một số ngành đào tạo như Kinh tế biển, Du lịch, Ngoại ngữ, Khoa học và Logistics. Cụ thể hơn về logistics, Tiến sĩ Lưu Sơn Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông nhà trường cho biết, hiện nhà trường có Khoa Kinh tế biển – Logistics, là trường đầu tiên tại Việt Nam có khoa này. Khoa đang đào tạo 4 ngành Logistics – quản lý chuỗi cung ứng; Tổ chức quản lý cảng – xuất nhập khẩu và giao nhận vận tải quốc tế; Kinh tế tổ chức, quản lý vận tải biển. Với xu thế 4.0 và quá trình chuyển đổi số, khoa có thêm ngành Công nghệ số hóa trong logistics.

Tiến sĩ Lưu Sơn Tùng

Trong đó, đối với ngành Quản lý cảng – xuất nhập khẩu và giao nhận vận tải quốc tế là chuyên ngành của ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Theo học, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý khai thác cảng biển, cảng hàng không, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, giao nhận vận tải hàng hóa quốc tế… Tốt nghiệp ra trường, sinh viên làm việc nhiều nơi như các tổ chức quản lý, chuyên viên xuất nhập khẩu cảng biển, cảng hàng không, công ty logistics, hàng tàu.

“Nhìn chung, học sinh có đam mê ngành này hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký học. Trong quá trình nhà trường đào tạo, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm, thậm chí nhiều sinh viên tìm được việc làm từ những năm cuối đại học, nhiều công ty đặt hàng sinh viên trước khi ra trường”, Tiến sĩ Lưu Sơn Tùng cho biết.

“Đặc biệt, hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn. Chưa kể, Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những địa phương phát triển cảng biển, vươn tầm thế giới. Với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là một trong những điểm trung chuyển giao nhận hàng hóa quốc tế, là thuận lợi của Bà Rịa – Vũng Tàu và cũng là cơ hội nghề nghiệp lớn cho người học logistics”, Tiến sĩ Lưu Sơn Tùng cho biết thêm.

Nghề du lịch như chiếc lò xo đang nén, đợi cơ hội để bật mạnh

Dù không phải là ngành lên ngôi, trái lại còn bị “đóng băng” trong thời gian vừa qua bởi dịch Covid-19, song du lịch vẫn được xem là ngành dịch vụ chứa nhiều tiềm năng cơ hội nghề nghiệp cho người học.

Thầy Nguyễn Hữu Công – Trưởng phòng công tác sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn cho biết, sau thời gian diễn ra dịch bệnh, ngành du lịch giống chiếc lò xo đang bị nén. Nhưng khi kinh tế – xã hội trở lại bình thường mới, lo xo được bung ra, du lịch sẽ phát triển trở lại. “Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời gian diễn ra dịch bệnh, tuy nhiên khi kinh tế phục hồi, du lịch sẽ là ngành phát triển nhanh nhất”.

Thầy Nguyễn Hữu Công

Theo thầy Nguyễn Hữu Công, người học du lịch hay các ngành dịch vụ được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc. Vì thế, khi du lịch “đóng băng”, người làm trong nghề này dễ dàng thay đổi công việc phù hợp để tiếp tục phát triển như công nghệ giải trí, bất động sản… Điều này lần nữa cho thấy cơ hội nghề nghiệp của du lịch rất đa dạng.

Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn là một trong những trường có hơn 30 năm đào tạo trong khối ngành về dịch vụ, lữ hành, du lịch, khách sạn. Năm 2022, trường đào tạo cả khối ngành về quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn.

Thu Hà

Bình luận (0)